85 triệu người cần được trợ giúp lương thực khẩn cấp trong năm 2019
Theo “Hệ thống Cảnh báo sớm nạn Đói” – một tổ chức của Mỹ vốn dự báo tình trạng khẩn cấp nhân đạo, 85 triệu người sẽ cần trợ giúp lương thực khẩn cấp trong năm 2019 ở 46 quốc gia - tương đương dân số của Anh, Hy Lạp và Bồ Đào Nha cộng lại.
Còn Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, ước tính hiện có 124 triệu người đối mặt với khủng hoảng lương thực. Kể từ năm 2015, số người có nguy cơ gặp nạn đói đã tăng lên 80% với Nam Sudan, Yemen, tây bắc Nigeria và Afghanistan nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhưng trong khi hình ảnh những đứa trẻ lả người đi vì đói trong cuộc khủng hoảng lương thực ở Ethiopia vào những năm 1980 đã hằn dấu lên lương tâm phương Tây, những nạn đói hiện đại này đang xảy ra mà gần như không ai để ý.
Một phần nguyên do là thế giới dường như đã tự thuyết phục mình rằng nạn đói không còn xảy ra nữa.
Đúng là nguy hại do nạn đói đã giảm. Theo ông Alex de Waal, giám đốc điều hành của Sáng hội Hòa bình Thế giới thuộc Đại học Tufts ở Boston, bang Massachusetts, một triệu người chết vì nạn đói mỗi năm trong vòng 100 năm cho đến những năm 1980. Nhưng kể từ đó, tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn 5-10% con số đó. Chúng ta không còn nhìn thấy cả cộng đồng chết đói. Sự tăng trưởng của các thị trường toàn cầu, cơ sở hạ tầng tốt hơn và các hệ thống nhân đạo đã gần như làm nạn đói cáo chung. Cho đến một vài năm trước thì tình hình đúng là như vậy".
Nạn đói giờ đây đã trở lại là một nguy cơ. Đó là một trong những điều mỉa mai trong thế giới hiện đại. Nhờ vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu và thương mại quốc tế, chúng ta có thể vận chuyển nông sản vượt đại dương trong vòng vài ngày. Chúng ta có thể tìm thấy những kệ hàng trong siêu thị chất đầy những nông sản từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí từ những nước ngay sát bên quốc gia có nạn đói.
Tuy nhiên, ngay cả ở những nước phát triển, viễn cảnh thiếu hụt lương thực có lẽ sẽ không xa như là chúng ta nghĩ. Chuỗi cung ứng thực phẩm quốc tế vốn cung cấp cho chúng ta những thức ăn ưa chuộng được cân bằng một cách mong manh. Và không cần phải một thảm họa như chiến tranh hay hạn hán mới làm ngưng trệ quá trình này.
Nạn đói trong thời hiện đại ở một số nước châu Phi, trong đó có Somalia, là thứ xảy ra mà gần như không ai để ý
Ở Venezuela, một quốc gia được trời phú nhiều dầu mỏ, khủng hoảng chính trị do lạm phát đã dẫn đến thiếu hụt thực phẩm và thuốc men, buộc hàng triệu người phải rời bỏ đất nước.
Cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro vốn đẩy nền kinh tế Hy Lạp đến bờ vực sụp đổ cũng khiến đất nước khốn khổ này bị thiếu hụt thực phẩm trong mấy năm vừa qua.
Trong khi đó, dịch bệnh, thời tiết xấu và giá cả tăng vọt đã một số vụ mùa thất bát trong những năm gần đây.
Giá gạo tăng cao khiến người dân Philippines và các nước châu Á khác đổ xô đi mua trong hỗn loạn hồi năm 2008, gây nên cuộc khủng hoảng cung ứng cho loại lương thực chủ chốt này.
Thời tiết xấu ở châu Âu hồi năm 2017 đã chứng kiến giá nhiều loại rau củ tăng lên trong khi tình trạng thiếu hụt bơ trên toàn cầu xảy ra sau khi một số nước bị mất mùa.
Điều quan trọng là phải làm rõ rằng việc khan hiếm thực phẩm không dẫn đến đói kém và hầu hết những nạn đói không phải là do khan hiếm thực phẩm mà là do không tiếp cận được thực phẩm.
Tuy nhiên mất an ninh lương thực xảy ra phổ biến hơn là nhiều người trong chúng ta nghĩ. Tổ chức Lương Nông của LHQ (FAO) ước tính rằng hiện có gần 821 triệu người suy dinh dưỡng trên thế giới. Ở Mỹ, một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, gần 12% các hộ gia đình được xếp vào dạng mất an ninh lương thực và khoảng 6,5 triệu trẻ em sống không có đủ thực phẩm.
Khả năng sống sót khi không được ăn tùy thuộc vào cân nặng cơ thể người, lượng calories tích lũy trong mỡ và những vấn đề sức khỏe khác mà họ mắc phải. Phụ nữ có xu hướng chịu đựng giỏi hơn nam giới.
Nhưng nhìn chung, đa số các nạn nhân đều chết nếu cân nặng của họ sụt xuống chỉ còn phân nửa chỉ số khối lượng cơ thể bình thường - điều thường xảy ra sau khoảng 45 cho đến 61 ngày không ăn. Nhưng đối với những người sống sót, họ sẽ chịu những tác động lâu dài.
Bị đói về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chiều cao, dẫn đến chứng còi cọc ở những cộng đồng đã từng trải qua nạn đói hay từng bị khan hiếm thực phẩm trầm trọng.
Tất cả những người từ một đến ba tuổi vào lúc bắt đầu Nạn đói Lớn ở Trung Quốc, là thảm hoạ khiến gần 30 triệu người chết từ 1959 cho đến 1961, khi lớn lên có chiều cao thấp hơn trung bình 2,1cm so với những người không lớn lên trong nạn đói đó. Cánh tay của họ cũng ốm hơn - nhẹ hơn 4,4% và tính trung bình có trình độ học vấn thấp hơn. Tình trạng sẩy thai ở phụ nữ có thai cũng gia tăng.
Trẻ sơ sinh sống sót qua trận đói Ethiopia vào giữa những năm 1980 nhiều khả năng sẽ mắc bệnh khi trưởng thành, trong khi các nghiên cứu khác chỉ ra một danh sách dài các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim mạch ngày càng phổ biến trong giai đoạn trưởng thành của những đứa kẻ đã trải qua thời kỳ đói kém.
Trong trận đói ở Hà Lan trong Thế chiến thứ hai suốt mùa đông và đầu xuân 1944-1945, những cộng đồng gặp nạn đó bắt đầu đi tìm kiếm cỏ cây và nấm trong nỗ lực sinh tồn.
Nhiều công viên hoàng gia nổi tiếng ở London bị biến thành vườn và ruộng trồng rau trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai khi người dân tìm cách kiếm cái gì bỏ bụng. Và mặc dù cải lông (rau tàu bay) ngày nay là một thứ rau thời thượng để thêm vào món rau trộn, nó đã bắt đầu được sử dụng từ thời Thế chiến thứ hai khi người Ý tìm kiếm thực phẩm trong vùng thôn quê ở xung quanh.
Gần đây hơn, mối đe dọa khan hiếm thực phẩm đã buộc một số người phải cân nhắc những sự nghiệp truyền thống hơn. Sau khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp cùng với sự khan hiếm thực phẩm, các hồ sơ xin học vào những trường dạy trồng trọt tăng vọt.
Linh Đức