Âm vang tiếng gáy gà Hồ
Không chỉ có truyền thống thi thư lễ nghĩa, làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) còn là miền quê nổi tiếng bởi gà Hồ. Giống gà quý này được người dân Lạc Thổ thuần dưỡng từ lâu đời trở thành vật nuôi thân thiết, dân gian tương truyền đây là vật phẩm đặc biệt dùng để tiến Vua.
Ông Chung kể về những chú gà Hồ
Giữa cái rét ngọt những ngày cuối năm điểm thêm những hạt mưa xuân như lộc trời ban phát dẫn chúng tôi đến với ngôi làng cổ Lạc Thổ, nơi nổi tiếng với giống gà Hồ huyện thoại. Vừa bước chân tới đầu làng đã nghe văng vẳng đâu đấy tiếng gà gáy rộn ràng, hòa nhịp với thanh âm hối hả của những ngày cùng tháng tận như gọi trời đất vào xuân.
Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ nhiệm CLB gà Hồ: Giống gà này đã có lịch sử hình thành cách đây hàng trăm năm. Căn cứ vào một số tài liệu còn lưu giữ, vào năm Minh Mệnh thứ 18 (tức năm 1837) tục gà thờ đã có và bắt đầu hoàn chỉnh. Khi ấy các cụ bô lão, trưởng làng Lạc Thổ đã nghĩ đến việc dùng gà tiến vua sẽ rất ý nghĩa, nên ra sức khuyến khích dân chúng tăng gia sản xuất, phát triển nông trang, chăn nuôi gia súc, đặc biệt là chú trọng tới giống gà Hồ.
Cả nước có 5 giống gà tiến vua nhưng gà Hồ được đánh giá là giống quý nhất. Gà Hồ có trọng lượng rất lớn. Sách “Dư địa chí Bắc Ninh” ghi: “Xã này thờ thần, lấy gà làm giống quý… con to nặng 12 đến 13 cân ta, con bé không dưới 8 đến 9 cân ta”.
Cũng bởi sự quý trọng ấy mà các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ đã đưa gà Hồ vào tranh điệp với nhiều mẫu khác nhau. Hiện nay, con gà Hồ theo tranh đi ra khỏi lũy tre làng tới nhiều miền quê khác nhau. Giống gà Hồ cũng được các địa phương khác nhân giống thành gà pha, gà cồ, gà lai để cải tạo đàn gà ri tầm vóc nhỏ bé.
Kỳ công chọn gà tế lễ
Đã thành thông lệ, mỗi gia đình trong làng, dù giàu hay nghèo đều giữ một con gà to, đẹp để cúng tổ tiên trong thời khắc Giao thừa. Theo quan niệm, ngay cả khi đã nằm trong… mâm cúng, gà Hồ vẫn mang một dáng vẻ dũng mãnh, hùng tráng mà các giống gà khác không có được.
Theo lệ làng, dân Lạc Thổ được chia ra các giáp (17 giáp). Trong mỗi giáp sẽ họp bàn, quyết định chấm xem bao nhiêu người được nuôi gà trống thờ "khao trầu” (Cuộc thi gà được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng). Người được chọn phải rất mát tay chăn nuôi, tính tình cẩn thận, tỉ mỉ và quan trọng là đạo đức thuộc hàng sáng không một tì vết. Thế nên ai được giáp "chấm” để nuôi gà lễ đều coi đó là một vinh dự cực lớn nhưng đó cũng là trách nhiệm bởi phải làm sao để nuôi con gà nhanh lớn, đạt tiêu chuẩn để được chọn làm gà tế lễ.
Ông Chung kể, một con gà Hồ trống được chọn làm vật nuôi tế lễ phải có các đặc điểm: chân cao, thân trường, cân nặng đạt từ 4kg trở lên. Vẻ ngoài phải có đầu công, cổ dài, mã mận, đuôi nơm, chân màu vỏ đậu nành, mào xít. Gà Hồ có nhiều loại mỏ nhưng đẹp nhất là mỏ trắng mà người ta hay gọi là mỏ ngà. Để có được những con gà như vậy người nuôi phải gột ngay từ nhỏ.
“Các giáp nuôi gà thi đều giấu kín chỉ lộ ra tiếng gáy để người giáp khác không biết kích thước hình dáng những con gà thi của nhau. Việc nuôi nhốt phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc để gà nhanh lớn, cho dáng đẹp. Mùa hè chọn nơi thoáng mát, mùa đông lựa chỗ ấm”, ông Chủ nhiệm CLB gà Hồ cho biết.
Gà Hồ trưởng thành nặng từ 5-7kg
Văn hóa tế lễ tự ngàn xưa
Đặc biệt trong lúc mổ gà tế, cũng cần phải lưu ý làm theo đúng những công đoạn. Người cắt tiết phải chọn được tia chính để cắt hết tiết và khi luộc chín gà không có màu đen. Khi mổ một người cầm cánh, một người cầm chân để tránh ảnh hưởng đến lớp da bên ngoài. Đồng thời, việc luộc gà cũng cần hết sức chú ý để tránh gà bị nứt da.
“Gà được cho vào nồi đồng, luộc bằng củi gọc và trấu, đun lửa cháy lom dom, nước đổ ngập nhưng chỉ để sôi nhẹ. Khi nước sôi tới thì dựng ngược gà lên, đổ nước sôi vào trong bụng gà. Khi ấy, gà sẽ được chín đều từ trong ra ngoài”, ông Chung nhớ lại từng chi tiết.
Mặc dù kỳ công như vậy nhưng suốt cả mấy trăm năm, người dân Lạc Thổ vẫn tuân thủ và coi đó như một nét văn hóa độc đáo của miền đất cổ nơi đây. Đúng giờ quy định của làng, các giáp mang gà đã chuẩn bị ra đình làm lễ. Gà được đặt ở nhà Tiền tế của đình, người chủ lễ sẽ lựa chọn những con gà có hình thức đẹp, da không bị nứt để đưa vào đình.
Theo người xưa kể lại, những người thắng cuộc không chỉ đem lại vinh quang cho cả giáp mà còn được số tiền thưởng bằng trọng lượng của con gà. Gia đình nào nuôi gà thắng cuộc liên tiếp trong ba năm thì được cấy một mẫu ruộng của làng, uy tín của gia đình đó đối với người trong giáp cũng tăng lên.
Tục cúng gà hiện nay đã bỏ đi những công đoạn phức tạp, rườm rà. Những người nuôi gà ở làng Lạc Thổ hàng năm vẫn mang gà ra đình để thi chọn những cặp gà giống đẹp nhất để cho dân làng, khách thập phương chiêm ngưỡng.
Mặc dù nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa song việc nuôi gà Hồ hiện nay có nhiều khó khăn nên những phong tục cũ gần như mai một. Theo ông Chung, thời gian gần đây, gà Hồ luôn rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Mặc dù nhiều người dân các nơi khác mua giống gà ở Lạc Thổ về nuôi, lai tạo, song, nếu khách hàng muốn tìm được gà Hồ chính gốc thuần chủng thì chỉ ở Lạc Thổ mới có.
Bên cạnh những đặc điểm quý, giống gà tiến vua này lại có một số hạn chế nhất định như sinh sản muộn, thức ăn hoàn toàn bằng thóc tự nhiên, đòi hỏi sự chăm sóc cầu kỳ trong thời gian khá dài cũng như “bí quyết” luyện gà đặc biệt…
Khi hương vị Tết truyền thống đến, những “giọt” xuân thấm từng trong thớ đất cũng là lúc người dân Lạc Thổ chuẩn bị hoàn tất công việc để đón cái tiết đầu năm. Rời Lạc Thổ, những dấu ấn xưa của ngôi làng cổ vẫn còn, hình dáng gà Hồ xưa vẫn hiện hữu và có lẽ với người dân nơi đây những nét đẹp trong văn hóa vẫn lưu truyền đến ngàn năm.
Phúc Lâm