Ấn Độ: Trao quy chế thể nhân để bào vệ sông Hằng
(SK&MT) - Tại Ấn Độ, sông Hằng và Yamuna từ bao đời nay được người Hindu xem như là những dòng sông thiêng liêng có thể gột rửa mọi tội lỗi cho những ai tắm trên sông. Nhưng điều nghịch lý là hai con sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhằm bảo vệ hiệu quả hơn hệ sinh thái của hai con sông này, một tòa phúc thẩm ở bang Uttarakhand, nằm trên dãy núi Himalaya, vừa mới công nhận quy chế là thể nhân – như một người sống. cho hai dòng sông thiêng liêng.
Các thẩm phán ở bang Uttarakhand đã lập luận theo lô-gích đơn giản: Họ cho rằng người Hindu coi sông Hằng là thiêng liêng, thậm chí sông này còn được gọi là Đức Mẹ và có khả năng gột rửa các tội lỗi cho những ai tắm trên sông. Việc trao quy chế thể nhân là một biện pháp pháp lý để mọi người có trách nhiệm bảo vệ, chống lại mọi hành động làm tổn hại đến sự toàn vẹn thân thể của thể nhân.
Và do con sông là trẻ vị thành niên, các giám hộ Nhà nước đã được chỉ định để bảo vệ trẻ.
Quả thực là tình hình hiện nay rất nghiêm trọng: sông Hằng đã bị bạc đãi vì phải tiếp nhận hàng triệu mét khối nước bẩn không được xử lý từ 29 thành phố lớn, nước thải có thủy ngân của các xưởng thuộc da, cũng như xác người chết được ném xuống sông để “người chết được đến cõi Niết Bàn”. Theo các nhà chuyên môn con sông này ô nhiễm đến mức có thể gây ung thư nếu ta tắm ở đó.
Các nhà tranh đấu môi sinh vui mừng khi thấy một tòa phúc thẩm trao quy chế thể nhân cho con sông là một bộ phận cơ thể sống. Điều này gây ấn tượng mạnh và thừa nhận là cần phải chấm dứt khai thác quá mức các con sông này như xây thêm các đập mới làm giảm dòng chảy và thúc đẩy nhanh tiến trình hủy hoại con sông. Và như thế họ có thể sử dụng việc công nhận về mặt pháp lý quy chế thể nhân của con sông để chống lại các dự án như vậy.
Linh Đức