ANSES(Pháp): Thực phẩm chế biến sẵn có quá nhiều chất phụ gia
Cơ quan ANSES đặc trách về các vấn đề an toàn trên nhiều lãnh vực thực phẩm, môi trường và lao động. Đây là lần đầu tiên cơ quan này phối hợp với INRA (Cơ quan quốc gia nghiên cứu nông học) để công bố một cuộc khảo sát từng được tiến hành ở quy mô lớn: trên 30.000 sản phẩm chế biến của ngành nông thực phẩm được nghiên cứu trong 10 năm liền.
Các loại kem đông lạnh càng cầu kỳ bao nhiêu lại càng có nhiều phẩm màu và hương vị nhân tạo bấy nhiêu
Theo kết quả được báo Le Parisien và Hufftington Post trích dẫn, trong giai đoạn những năm 2008-2016, ngành nông thực phẩm đã có phần giảm bớt các chất phụ gia để chế biến thực phẩm, thế nhưng mức giảm ấy trong gần một thập niên vẫn chưa đủ. Cứ trên 10 sản phẩm được phân tích, là có đến gần 8 (78%) hàm chứa ít nhất là một chất phụ gia.
Hơn một nửa các thức ăn do ngành nông thực phẩm chế biến (53%) hàm chứa đến ba chất phụ gia. Đáng ngạc nhiên hơn cả là các loại bánh ngọt có bơ dùng cho điểm tâm và các bữa ăn nhẹ (viennoiserie) có rất nhiều chất phụ gia để giúp cho bánh thêm nhiều màu, nhiều mùi hương sao cho thật hấp dẫn đối với khẩu vị của người tiêu dùng, nhưng loại viennoiserie này đôi khi lại có tới 5 chất khác nhau trong cùng một chiếc bánh.
Theo cô Céline Ménard, trưởng ban quan sát chất lượng thực phẩm (OQALI) trực thuộc cơ quan ANSES, không phải chỉ có bánh ngọt viennoiserie, mà nhiều món tráng miệng khác cũng như đồ ăn tươi chế biến sẵn và các loại kem đông lạnh" đều có nhiều chất phụ gia. Các loại kem chantilly chẳng hạn (whipped cream) chủ yếu chỉ có đường và kem sữa, nhưng đổi lại có tới ba chất phụ gia dùng để làm đặc sản phẩm như E471, E941 và E942. Mùi vani cũng không phải là hương liệu tự nhiên mà chỉ là nhân tạo.
Cụ thể, Liên minh Châu Âu (EU) cho phép sử dụng 400 chất phụ gia khác nhau. Trong ngành nông thực phẩm, các nhà sản xuất chủ yếu sử dụng hơn 10% các chất được cho phép. Trên số 46 chất phụ gia thông dụng nhất, các nhà chế biến thực phẩm ‘‘công nghiệp’’ thường sử dụng ba loại : E330 (axit citric), có tác dụng điều chỉnh độ chua và độ kiềm. Chất này có mặt trong một phần tư các sản phẩm trong siêu thị. Phụ gia thứ nhì là loại tinh bột biến thể được sử dụng để làm chất dày hay chất đặc (hiện diện trong hơn 20% sản phẩm) và phụ gia thứ ba là chất E322 (lecithin), chất nhũ hóa có mặt trong 17% các thực phẩm.
Một điều khá bất ngờ khác là các tập đoàn quốc tế nổi tiếng như Danone hay Nestlé lại là những công ty dùng nhiều chất phụ gia nhất, các tập đoàn này sử dụng chất phụ gia trong 27% các sản phẩm của mình so với 19% của các nhãn hiệu với giá mềm nhất (Marque Repère hay là Premier Prix).
Một cách chi tiết, việc sử dụng nhiều chất phụ gia dẫn tới nghịch lý là nhiều thức ăn làm sẵn dùng để ăn liền chưa chắc gì đã tốt hơn đồ đóng hộp, như bánh mì sandwich, các khay xà lách trộn, các hộp thức ăn đã nấu chín chỉ cần hâm lại vài phút. Các chất phụ gia ở đây ngoài vai trò điều vị, còn được dùng để duy trì độ tươi của thực phẩm càng lâu càng tốt. Còn các loại soda, nước ngọt ít đường lại tăng thêm chất phụ gia trong cách chế biến.
Một trong những điểm tích cực đáng ghi nhận là ngành nông thực phẩm đã giảm đáng kể lượng nitrite và các chất phụ gia thường được dùng để chế biến xúc xích hay các món thịt nguội. Một cách tương tự các loại pizza đông lạnh đã được cải thiện đáng kể, vì ngày càng loại trừ bớt các chất bảo quản không cần thiết. Ngược lại các loại thức ăn tráng miệng lại gia tăng các chất phụ gia, đặc biệt là các loại kem, càng cầu kỳ bao nhiêu lại càng dùng nhiều phẩm màu và hương vị nhân tạo bấy nhiêu.
Các loại trái cây xay nhuyễn hay ‘‘mứt tươi’’ cũng vậy dùng quá nhiều phẩm màu như E160a (màu cà rốt) E163 (màu đỏ tím), chất bột nổi E500 (carbonate de sodium), chất làm đông đặc E440 (pectine). Theo khuyến cáo của tổ chức ‘‘60 triệu người tiêu dùng’’ ở Pháp, không nên ăn qúa nhiều các thức ăn chế biến sẵn, vì các chất phụ gia có nguy cơ làm tăng các chứng bệnh như tiểu đường, béo phì, rối loạn hệ nội tiết ……
Theo ANSES, toàn bộ các dữ liệu này sẽ được chuyển tới Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu để đánh giá các rủi ro liên quan đến các chất phụ gia, để rồi từ đó hạn chế hay duy trì cách sử dụng trong ngành chế biến thực phẩm. Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu hiện đang rà soát lại các chất phụ gia đã được phép khai thác từ năm 2009.
Trong lúc này, đối với người tiêu dùng, điều căn bản nhất cần nên biết là ta nên mua thực phẩm tươi rồi đem về nhà nấu nướng, bởi vì thức ăn càng thông qua nhiều khâu chế biến lại càng có nhiều chất phụ gia.
Linh Đức