Báo cáo giải trình về kinh tế-xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV

(SK&MT) - Chiều 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, chia sẻ - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, chia sẻ - Ảnh: VGP

Tạp chí Sức khỏe và Môi trường trân trọng giới thiệu Báo cáo giải trình về kinh tế-xã hội (Báo cáo số 779/BC-CP của Chính phủ) do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày.

BÁO CÁO GIẢI TRÌNH VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI

tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV

_______________

Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm!

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp!

Thưa các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước!

Trước hết, thay mặt Chính phủ, tôi trân trọng cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội (KTXH). Hầu hết ý kiến khẳng định chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây và hiện nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã luôn quan tâm, đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, quyết định các vấn đề quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước.

Chính phủ trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước đã đồng hành, giúp đỡ, chia sẻ, đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương[1]; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi. Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước để tiếp tục đổi mới trong lãnh đạo điều hành. Sau đây, thay mặt Chính phủ, tôi trân trọng báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, chia sẻ và các chỉ đạo mới đây nhất của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

1. Về cập nhật tình hình KTXH 10 tháng năm 2024

Trong tháng 10, KTXH nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực[2]; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) thấp hơn giới hạn quy định[3]. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%[4]. Thu NSNN ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ[5]. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỷ USD[6]. Đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi[7]; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.

Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%[8]; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu KTXH chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng như định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

2. Về giải ngân vốn đầu tư công

Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng; vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công[9] và đạt được những kết quả nhất định[10]. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội, giải ngân còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29%[11] (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%[12].

Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo[13]; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng[14] và quy hoạch sử dụng đất. Thiếu nguồn cung ứng vật liệu[15]; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu. Năng lực quản lý, điều hành của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần "5 quyết tâm", "5 đảm bảo"[16], phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch. Trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu: (1) Đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập[17], thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu… (2) Có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư trên tinh thần nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. (3) Chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm khả thi hơn, hiệu quả hơn; kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. (4) Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia[18]. (5) Tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần "5 rõ"[19]; xử lý nghiêm các vi phạm. (6) Nâng cao hiệu quả của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ[20] và hoạt động giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại các địa phương…

3. Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thời gian qua, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực[21]. Trong đó, quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên[22], dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội[23] và chi đầu tư phát triển[24]; khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải[25]; tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn giới hạn cho phép. Quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được chú trọng; điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trong đó triển khai Đề án 06 góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trên 3 nghìn tỷ đồng hằng năm[26]

Tuy nhiên, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình[27] và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Về nguyên nhân, có tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn lực. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm[28]. Sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục[29]. Thủ tục hành chính còn rườm rà. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…

Có nguyên nhân do một số quy định pháp lý, hiện tượng buông lỏng quản lý, tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và yêu cầu phát triển[30]; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, gây chậm trễ, kéo dài; nhận thức và văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đầy đủ, toàn diện; việc lãnh đạo chỉ đạo chưa được quan tâm thực hiện đúng tầm, đúng mức…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo: (1) Khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật[31]. (2) Tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi NSNN, nhất là chi thường xuyên[32]. (3) Tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". (4) Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém[33]. (5) Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội[34]; (6) Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

4. Về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện[35] trong mọi tình huống. Đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII[36], đã ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái[37]; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối… Hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500 kV mạch 3 Quảng Bình-Hưng Yên[38]; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII[39]

Thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật[40] để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao[41]. Tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng[42]. Tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện. Đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.

Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển KTXH nhanh, bền vững[43], Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân[44], phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... Đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế[45], tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện. Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý.

5. Về thúc đẩy chuyển đổi số

Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, xanh, bền vững và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng, tạo cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số và triển khai hiệu quả Đề án 06[46] từ Trung ương đến cơ sở. Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân; chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người" và tiến bộ vượt bậc[47]. Thương mại điện tử phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới[48]. Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ[49]. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, như một số vị đại biểu Quốc hội đã nêu, đây là lĩnh vực mới nên các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số còn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời[50]. Cải cách hành chính còn chậm; thủ tục còn rườm rà, ách tắc; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét[51]. Chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, co cụm dữ liệu". Nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu[52]. Bên cạnh đó, mặc dù Chỉ số an toàn, an ninh mạng của nước ta năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194], nhưng an toàn thông tin, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, rủi ro[54]. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ[55]; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là người đứng đầu còn thiếu quyết liệt, sâu sát; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, thiếu công cụ theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, xử lý các mặt tiêu cực...

Thời gian tới, với phương châm "tăng tốc, bứt phá", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo: (1) Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp[56]. (2) Hoàn thiện hành lang pháp lý số (như Luật Dữ liệu, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân); đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu[57]; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số. (3) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nhất là công nghệ vệ tinh, Internet vạn vật, điện toán đám mây... (4) Xây dựng trung tâm công nghiệp kỹ thuật số, dữ liệu lớn, ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. (5) Huy động nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển phục vụ chuyển đổi số; xây dựng chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi tài chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn. (6) Phát triển nguồn nhân lực số, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030".

6. Về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản và chỉ đạo triển khai nhiều cơ chế, chính sách, đề án phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao[58] và đạt được những kết quả tích cực[59]. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong xây dựng chính sách, kết nối, thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 56/100. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 (tăng 4 bậc so với năm 2022). Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào nhóm 200 thành phố đứng đầu về khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Tuy nhiên, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao còn chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa được như mong muốn. Thể chế, cơ chế, chính sách chưa có đột phá; đầu tư cho KHCN, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa thực sự hiệu quả; sự gắn kết giữa các chủ thể, nhất là Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ và có hiệu quả. Khoảng cách lớn về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; hạn chế về nguồn lực, trình độ và năng lực cạnh tranh về KHCN, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những cơ hội thuận lợi của "người đi sau" (có điều kiện nghiên cứu, phát triển, ứng dụng ngay những công nghệ, giải pháp mới, tốt nhất và phù hợp điều kiện Việt Nam); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động, sáng tạo, có năng khiếu về logic và toán học.

Với quan điểm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo là mục tiêu, động lực, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng KHCN, chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương; lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là nền tảng.

Bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi NSNN cho giáo dục và đào tạo[60]; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức... Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng đến chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế[61]. Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50 nghìn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội!

Trên đây là báo cáo giải trình về một số vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, trăn trở, mong đợi, chia sẻ. Ngoài ra, còn có Phụ lục kèm theo Báo cáo này về một số nội dung[62] để các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo.

Sau đây, tôi xin trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!

Ảnh: VGP
Ảnh: VGP

Phụ lục

VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUAN TÂM

(Kèm theo Báo cáo số 779/BC-CP)

__________

1. Về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu[63]. Vừa qua, nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, đặc biệt là cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với 26 địa phương khu vực Bắc Bộ[64].

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong cơn bão số 3 vừa qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở và toàn thể Nhân dân đã vào cuộc, chủ động ứng phó với bão từ sớm, từ xa; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã theo sát tình hình, diễn biến để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng được phát huy mạnh mẽ, thể hiện bản chất tốt đẹp của dân tộc ta, chế độ ta[65].

Thời gian tới, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường[66]. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai, tập trung phòng, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn; tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai. Huy động tối đa các nguồn lực để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, trong đó bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; kịp thời hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhanh chóng phục hồi hoạt động, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho Nhân dân.

Về lâu dài, tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong đó nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, chất lượng dự báo, cảnh báo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH; củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét miền Trung và miền núi phía Bắc.

2. Về bảo đảm mức sinh thay thế

Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến dân số và phát triển bền vững đất nước[67].

Tổng tỷ suất sinh ở nước ta có xu hướng giảm, năm 2023 ở mức 1,96 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ)[68]. Với xu hướng giảm như hiện nay, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự báo sẽ kết thúc vào năm 2039[69]. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí nuôi dạy, chăm sóc trẻ em tăng cao dẫn đến xu thế kết hôn muộn, không muốn sinh, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao; trong khi các chính sách về dân số chậm thay đổi, chưa phù hợp với tình hình thực tế; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo: (1) Khẩn trương sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân số[70]. Chuyển hướng mạnh mẽ công tác dân số từ tập trung vào giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. (2) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Dân số phù hợp với tình hình mới. (3) Khẩn trương xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng. (4) Có các chính sách, biện pháp đồng bộ, đủ mạnh, khuyến khích sinh con ở các địa phương có mức sinh thấp. (5) Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động về phát triển dân số bền vững.

3. Về quy hoạch đất đai

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội khóa XV thông qua[71]; Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định[72] phân bổ cho các tỉnh và cho mục tiêu quốc phòng, an ninh. Qua 3 năm thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, được cụ thể hóa bằng các quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, đã phát huy hiệu quả tích cực, là căn cứ để các địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và của cả nước.

Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, một số địa phương có nhu cầu sử dụng một số loại đất tăng cao để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án có khả năng thu hút đầu tư, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (như: đất khu công nghiệp, đất khu công nghệ cao, đất giao thông, năng lượng…) nhưng chưa được bố trí trong Quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do làn sóng chuyển dịch đầu tư, nhu cầu phát triển công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng tăng cao; còn có nguyên nhân chủ quan là công tác dự báo về nhu cầu sử dụng đất chưa sát với thực tế phát triển.

Để xử lý các vướng mắc này, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030[73], trong đó điều chỉnh 08 chỉ tiêu sử dụng đất gồm nhóm đất nông nghiệp[74] và nhóm đất phi nông nghiệp[75]. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất; trong đó, ưu tiên giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện ngay hồ sơ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất.

4. Về rà soát, hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm đời sống Nhân dân, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung rà soát, phát hiện, tháo gỡ kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cả về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện, cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất[76]. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực[77].

Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Còn hạn chế về tính đồng bộ, ổn định, thống nhất và khả thi, gây khó khăn, cản trở quá trình phát triển. Một số quy định không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung. Thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh còn chưa kịp thời, quyết liệt. Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu…

Nguyên nhân chủ yếu là do thực tiễn biến động nhanh, dẫn đến một số quy định pháp luật chưa kịp sửa đổi, bổ sung, trong khi quy trình ban hành, sửa đổi, bổ sung còn qua nhiều khâu, nhiều cấp; tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý thay vì kiến tạo phát triển; bộ máy còn cồng kềnh, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng với tư duy "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới"; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng pháp luật; triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ chồng chéo, bất cập; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi.

Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ; quyết liệt triển khai Đề án 06. Tiếp tục tinh gọn bộ máy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương; kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin, cho"; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi phục vụ người dân, doanh nghiệp.


[1] Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi.

[2] Nông nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực; sản xuất công nghiệp tăng 8,3%[2]; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%[2]; du lịch phục hồi mạnh[2].

[3] Ước năm 2024, dư nợ công khoảng 36 - 37% GDP (giới hạn Quốc hội cho phép là dưới 60% GDP), dư nợ Chính phủ khoảng 32 - 33% GDP (giới hạn là dưới 50% GDP), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21 - 22% tổng thu NSNN (giới hạn là dưới 25% tổng thu NSNN); bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP (giới hạn là dưới 3,6% GDP).

[4] CPI bình quân 10 tháng tăng 3,78%, 9 tháng tăng 3,88%, 8 tháng tăng 4,04%, 7 tháng tăng 4,12%...

[5] Trong khi đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn 149,1 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí.

[6] Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 51,74 tỷ USD, xuất khẩu gạo trên 7,8 triệu tấn.

[7] Trong đó một số dự án đã có lãi (dự kiến năm 2024, DAP Hải phòng lãi 215 tỷ đồng, Đạm Lào Cai lãi 102 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc lãi 5 tỷ đồng).

[8] Mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP: GDP quý IV tăng 6,5-7%, cả năm tăng 6-6,5%.

[9] Ban hành 01 Nghị quyết, 01 Quyết định; 02 Chỉ thị; 05 Công điện. Thành lập 07 Tổ công tác đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công.

[10] Nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ.

[11] Trong 10 tháng giải ngân đạt trên 355,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương đạt 59,27% kế hoạch; các địa phương đạt 50,73% kế hoạch. Trong khi đó đến nay còn gần 16,8 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết (chiếm 2,5% kế hoạch TTgCP giao) của 11/46 bộ, cơ quan trung ương và 13/63 địa phương.

[12] Ủy ban Dân tộc (1,17%); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,4%); Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (6,6%); Đại học Quốc gia Hà Nội (9%); Thông tấn xã Việt Nam (16,4%); Bộ Giáo dục và Đào tạo (17,6%); Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (17,8%); Hội Nông dân Việt Nam (18%); Thành phố Hồ Chí Minh (9,6%).

[13] Trong đó, các quy định về quy trình thủ tục trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… còn phức tạp, nhiều vướng mắc, bất cập.

[14] Như chậm phê duyệt phương án đền bù liên quan đến giá đền bù; chậm di dời điện cao thế, xây dựng khu tái định cư…

[15] Như thủ tục cấp phép chậm; trữ lượng của mỏ không đáp ứng yêu cầu; giá nguyên vật liệu không sát với giá thị trường…

[16] Trong đó, "5 quyết tâm" gồm: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời gian; quyết tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, đổi mới sáng tạo, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai. "5 bảo đảm" gồm: Bảo đảm chủ động nguyên vật liệu và các điều kiện cần thiết cho các dự án; bảo đảm nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, công tác tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

[17] Đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công, trong đó có quy định việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

[18] Như các dự án: cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng hàng không Quốc tế Long Thành...

[19] Gồm: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

[20] Bao gồm 07 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và 25 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

[21] Qua đó huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

[22] Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, cơ cấu chi thường xuyên trong tổng chi NSNN giảm từ 62% năm 2021 xuống 59% năm 2023.

Trong xây dựng dự toán hằng năm, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền... Đồng thời trong quá trình thực hiện dự toán NSNN, yêu cầu cắt giảm, tiếp kiệm thêm để dành nguồn chi cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Trong đó năm 2024 đã tiết kiệm 5% chi thường xuyên và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để bố trí thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025".

[23] Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, cơ cấu chi cho con người trong tổng chi thường xuyên tăng từ 56,7% năm 2021 lên 62% năm 2023; chi cho an sinh xã hội tăng từ 13,7% năm 2021 lên 17% năm 2023.

[24] Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN tăng từ 27,81% năm 2021 lên 34,4% năm 2023.

[25] Đã cắt giảm số lượng dự án đầu tư công trung hạn từ hơn 10 nghìn dự án trong giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn dưới 5 nghìn dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, qua đó tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, nhất là các dự án đường cao tốc, các dự án kết nối vùng, liên vùng, quốc tế.

[26] Đồng thời, về cơ bản đã ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, định mức theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận.

[27] Bài viết "Chống lãng phí" của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

[28] Việc triển khai dự toán chi NSNN, đầu tư công ở một số bộ, cơ quan và địa phương còn chậm, kéo dài. Vẫn còn tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, sai phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thát thoát, lãng phí tại một số cơ quan, đơn vị.

[29] Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội nêu cụ thể 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí và trên 1.250 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng giai đoạn 2016-2021. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, lãng phí.

[30] Hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

[31] Trong đó, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng kế hoạch và quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực. Trong đó, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên.

[32] Thời gian qua, Chính phủ, TTgCP đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện quyết liệt tinh thần trên; qua đó đã dành được nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, như dành nguồn tiết kiệm chi năm 2024 để thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, dự kiến tiết kiệm chi thường xuyên và cả chi đầu tư năm 2025 để bố trí và khởi công đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối với Trung Quốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025; qua đó, góp phần tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN theo đúng tinh thần tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị. Tuy nhiên, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN vẫn còn cao, năm 2024 là khoảng 55,8%, năm 2025 dự kiến khoảng 61%, do đó trong điều hành vẫn còn dư địa để tiếp tục tiết kiệm, cắt giảm để giảm tỷ trọng này theo đúng định hướng Kế hoạch tài chính – NSNN 5 năm quốc gia đã được Trung ương, Quốc hội thông qua

[33] Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, Dự án chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, các dự án bất động sản...

[34] Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến và nhân rộng trong toàn xã hội

[35] Năm 2024 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

[36] Đồng thời giao Bộ Công Thương rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phù hợp với tình hình thực tế.

[37] Tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản xuất, tự tiêu thụ.

[38] Đảm bảo cung cấp điện trên cả nước được liên tục, ổn định, hiệu quả.

[39] Theo Báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, trong 9 tháng năm 2024, điện sản xuất và nhập khẩu đạt 232,8 tỷ kWh, tăng gần 11% so cùng kỳ năm 2023; điện thương phẩm đạt 208,3 tỷ kWh, tăng 11,32%, trong đó điện cấp công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 50,6%, tăng 11,3%; cho quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 36,11%, tăng 10,88%, cho thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 5,47%, tăng 12,72%. Dự kiến năm 2024, 2025 đưa vào vận hành thêm khoảng 8.100 MW, trong đó nhiều nguồn lớn vận hành vào năm 2025 như Nhơn Trạch 4, Vũng Áng 2, Hòa Bình MR.

[40] Về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường…

[41] Từ khâu truyền tải tới khâu phân phối.

[42] Như: LNG Nghi Sơn – Thanh Hóa (1.500 MW), LNG Quỳnh Lập – Nghệ An (1.500 MW). Hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, LNG Quảng Ninh (1.500 MW), LNG Thái Bình (1.500 MW), Quảng Trạch 1 (1.430 MW). Triển khai thi công và hoàn thành đường 500 kV Lào Cai – Vĩnh Yên, đường 500 kV Monsoon – Thạch Mỹ để nâng công suất nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc về Việt Nam.

[43] Tính toán sơ bộ Phụ tải điện năm 2045, giả thiết GDP tăng trưởng 10% trong giai đoạn 2030-2045, hệ số đàn hồi khoảng 0,6 (giai đoạn trước 2020, hệ số đàn hồi thường lớn hơn 1), hiệu quả sử dụng điện năng dự kiến tốt hơn khi áp dụng những tiêu chuẩn mới thì tăng trưởng điện năng sẽ đạt trung bình khoảng 6%/năm. Nhu cầu sử dụng điện sẽ cao hơn dự báo của Quy hoạch điện VIII khoảng 20%, đạt 1.200 tỷ kWh vào năm 2045 (so với 1.000 tỷ kWh dự báo của Quy hoạch điện VIII). Công suất đỉnh của Hệ thống toàn quốc vào năm 2045 đạt 213 GW (dự báo là 180 GW).

[44] Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương tái khởi động lại điện hạt nhân.

[45] Đặc biệt, tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện các quy định về chủ trương đầu tư, lựa chọn hoặc chấp thuận nhà đầu tư, cấp phép xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi.

[46] Trong đó, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (Nghị định số 82/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn NSNN; Nghị định số 138/2024/NĐ-CP về quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng).

[47] (i) Với 51 nghìn doanh nghiệp công nghệ số và tạo 1,5 triệu việc làm; (ii) Doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỉ USD, tăng 9,9%; (iii) Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số 9 tháng ước đạt 100,8 tỷ USD, tăng 18,3%; (iv) Nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD của Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor…

[48] Doanh thu thương mại điện tử năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 23%; dự kiến năm 2024 đạt 27,7-28 tỷ USD tăng 36% - cao nhất 10 năm qua. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp cả nước (Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản đạt 87%; tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm đạt 50%; có 9,13 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money).

[49] Từng bước hình thành xã hội số, công dân số.

[50] Hiện nay, các luật về công nghiệp công nghệ số, Dữ liệu và Bảo vệ dữ liệu cá nhân mới đang trong quá trình xây dựng, trình ban hành; 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử chưa được ban hành (về cơ sở dữ liệu dùng chung và chữ ký điện tử); 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông chưa được ban hành (về thi hành Luật Viễn thông, quản lý kho số viễn thông và tài nguyên internet, hoạt động viễn thông công ích).

[51] Còn 256/1084 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm theo các Nghị quyết của Chính phủ. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình mới đạt 17%.

[52] Cả về số lượng và chất lượng.

[53] Theo kết quả đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

[54] Còn 40 hệ thống thông tin chưa đáp ứng các tiêu chí về bảo đảm an ninh, an toàn. Tình hình tấn công mạng, nhất là mã độc tống tiền, lừa đảo qua mạng tăng mạnh (trong 9 tháng đã ghi nhận 3.378 cuộc tấn công mạng).

[55] Và chưa được quan tâm đúng mức ở một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.

[56] Đây là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số quốc gia.

[57] Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có quyết tâm chính trị cao, đi đầu, tiên phong trong thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận trong chuyển đổi số; phải thay đổi từ những việc làm nhỏ nhất, với tinh thần nêu gương để các cán bộ, công chức noi theo nhằm đưa Đề án 06 và chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả.

[58] Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với các nhiệm vụ, giải pháp để đến năm 2030, đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 phê duyệt chiến lược quốc gia về thu hút nhân tài đến năm 2030; Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

[59] Đội ngũ doanh nhân giỏi, lao động có trình độ cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội. Đến nay có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.

[60] Khoản 1 Điều 96 Luật Giáo dục 2019.

[61] Nhất là những lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, xây dựng, vận hành đường sắt tốc độ cao...

[62] Như về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát, hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quy hoạch đất đai, bảo đảm mức sinh thay thế.

[63] Trung bình mỗi năm, thiên tai, biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại từ 1-1,5% GDP.

[64] Đây là siêu bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, với nhiều yếu tố bất thường, khó dự báo, sức tàn phá lớn, bão số 3 đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, nhiều tài sản của nhà nước, của người dân, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng KTXH bị phá hủy, hư hỏng nặng nề; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn. Thống kê sơ bộ, ảnh hưởng của bão kèm theo các loại hình thiên tai sau bão như lũ quét, sạt lở đất đã làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương; 281.966 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 284.472 ha lúa, 61.114 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029 ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết; 6.151.038 khách hàng bị mất điện, trong đó 432 khu công nghiệp, cụm công nghiệp bị mất điện; 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng.

[65] Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận 2,15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

[66] Trong đó, các khu vực duyên hải Trung Bộ có thể đối diện với những trận bão, mưa lũ lớn vào những tháng cuối năm 2024.

[67] Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030…

[68] Theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Mức sinh thấp kéo dài sẽ làm gia tăng tốc độ già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số, nhất là dân số trong độ tuổi lao động.

[69] Theo dự báo của Tổng cục Thống kê.

[70] Như: (1) Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của BCHTW về những việc Đảng viên không được làm (Điều 18); (2) Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của BCHTW quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số; (3) Văn bản số 05 của UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy định số 69-QĐ/TW, cụ thể: "Vi phạm do nếu thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai sản (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật. Vi phạm do cố ý hoặc cưỡng ép không thực hiện kế hoạch hóa gia đình thì xem xét tăng nặng mức kỷ luật".

[71] Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội ngày 13/11/2021

[72] Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 và Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024

[73] Tờ trình số 660/TTr-CP ngày 18/10/2024.

[74] Trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

[75] Trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh.

[76] Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tổ chức 30 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua gần 110 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 70 luật, nghị quyết, ban hành hơn 390 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 100 quyết định quy phạm.

[77] Trong 10/2024, đã cắt giảm, đơn giản hóa 356 quy định kinh doanh; phân cấp giải quyết 160 TTHC, đơn giản hóa 279 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và 03 TTHC liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp. Tính từ năm 2021 đến 10/2024: cắt giảm, đơn giản hóa: 3.131 QĐKD tại 272 VBQPPL; phân cấp 316 TTHC tại 62 VBQPPL; đơn giản hóa 860 TTHC, giấy tờ công dân và 471 TTHC nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương.

Theo Chinhphu.vn

Các tin khác

EVN Triển khai chương trình hiến máu tình nguyện - Tuần lễ hồng EVN lần thứ X

EVN Triển khai chương trình hiến máu tình nguyện - Tuần lễ hồng EVN lần thứ X

(SK&MT) - Sáng ngày 05/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Đoàn Thanh niên EVN đã phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức triển khai chương trình hiến máu tình nguyện Tuần lễ hồng EVN lần thứ X với thông điệp “Trách nhiệm- Nghĩa tình.
Thủ tướng: Phát triển khoa học công nghệ phục vụ hòa bình, hợp tác và phát triển

Thủ tướng: Phát triển khoa học công nghệ phục vụ hòa bình, hợp tác và phát triển

(SK&MT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có có cuộc tiếp các chuyên gia, nhà khoa học tới Việt Nam nhận Giải thưởng VinFuture được trao tối 6/12 và tham dự Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2024, cùng các thành viên hội đồng xét thưởng.
Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ trao giải thưởng VinFuture 2024

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ trao giải thưởng VinFuture 2024

(SK&MT) - Tối 6/12, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ trao giải thưởng VinFuture lần thứ tư. Tạp chí Sức khỏe và Môi trường trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại sự kiện này.
Thủ tướng: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để bứt phá

Thủ tướng: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để bứt phá

Phát biểu tại Lễ trao giải thưởng VinFuture 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để chúng ta bứt phá, vươn xa, bay cao, hội nhập trong tiến trình phát triển, làm cho thế giới, nhân loại ngày càng tốt đẹp, ấm no và hạnh phúc hơn.
Hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trên màn ảnh, sân khấu

Hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trên màn ảnh, sân khấu

(SK&MT) - Thông tư 14/2024/TT-BVHTTDL quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tổng kết Nghị quyết số 18: Nhiệm vụ của các ban đảng, Ban Cán sự Đảng, đảng đoàn

Tổng kết Nghị quyết số 18: Nhiệm vụ của các ban đảng, Ban Cán sự Đảng, đảng đoàn

Trưởng Ban Tổ chức TW kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW đã ký ban hành Công văn số 21-CV/BCĐ về triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18.
Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

(SK&MT) - Sáng ngày 6/12, tại TP Cần Thơ, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí khu vực phía Nam bàn về Báo chí chất lượng cao trong chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững.
Tháng 2/2025, Trung ương, Quốc hội sẽ họp bàn về tinh gọn bộ máy

Tháng 2/2025, Trung ương, Quốc hội sẽ họp bàn về tinh gọn bộ máy

Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 yêu cầu các đơn vị hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12/2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường diễn ra vào tháng 2/2025.
Tổng kết Nghị quyết số 18: Nhiệm vụ của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TW

Tổng kết Nghị quyết số 18: Nhiệm vụ của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TW

Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TW quyết liệt thực hiện sắp xếp đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý để bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.
Xem thêm

Đọc nhiều

Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Mỹ Duyên: Tâm huyết góp sức vào chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam

Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Mỹ Duyên: Tâm huyết góp sức vào chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam

Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Mỹ Duyên: Tâm huyết góp sức vào chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Cần Thơ dự kiến hoạt động vào cuối quý 4/2024

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Cần Thơ dự kiến hoạt động vào cuối quý 4/2024

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Cần Thơ dự kiến hoạt động vào cuối quý 4/2024
Huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh: Công ty Phú Quân chở cát gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh: Công ty Phú Quân chở cát gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

(SK&MT) - Trong thời gian gần đây, tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, hàng loạt xe tải chở cát của Công ty Phú Quân đã trở thành “cơn ác mộng” đối với người dân sống dọc các tuyến đường tại địa phương. Không chỉ gây ô nhiễm không khí ng
Đắk Nông: Trạm trộn bê tông Công ty LBM hoạt động gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Đắk Nông: Trạm trộn bê tông Công ty LBM hoạt động gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

(SK&MT) - Trạm trộn bê tông của Công ty LBM Đắk Nông tại thôn Thuận Nam, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông trong quá trình hoạt động gây tác động tiêu cực đến môi trường khu vực xung quanh khiến nhiều người dân bức xúc.
Hà Giang: Người dân chịu đựng sống chung với ô nhiễm môi trường hàng chục năm qua

Hà Giang: Người dân chịu đựng sống chung với ô nhiễm môi trường hàng chục năm qua

(SK&MT) - Thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang đầu tư các dự án phát triển chăn nuôi gia súc với quy mô lớn. Tỉnh cũng kỳ vọng các dự án sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương đi
ban tin tong hop so 8 thang 11 cua tap chi suc khoe moi truong
ha noi qha dong moi truong song cua nguoi dan khong duoc dam bao boi nhung cong trinh vi pham ttxd
giai phap giam thieu dot ngoai troi su dung thuoc bao ve thuc vat trong nong nghiep co hoi tu gahp
nganh thep huong toi tieu hao nguyen lieu thap
chinh thuc thong cau phao tam thay the cau phong chau phu tho
cach xu ly ve sinh moi truong sau mua bao lut
ta p chi suc khoe moi truong chia se kho khan voi dong bao chiu thiet hai do con bao yagi
thai nguyen gong minh vuot qua trong con lu lich su
thuc trang o nhiem moi truong tu du an xay dung tro thanh noi lo hien huu cua nguoi dan tai hung yen
bo y te ra khuyen cao phong chong dich dau mua khi
Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Ngày 6/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng đã được hoàn thiện, chỉnh sửa một bước sau Hội nghị Tr
Sửa đổi Luật Điện lực: yêu cầu xuất phát từ thực tiễn

Sửa đổi Luật Điện lực: yêu cầu xuất phát từ thực tiễn

(SK&MT) - Sau gần 20 năm triển khai thi hành và sửa đổi, bổ sung một số điều, Luật Điện lực hiện hành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung, điện lực nói riêng, đáp
Chuyển đổi số báo chí: Thực trạng, thách thức và giải pháp

Chuyển đổi số báo chí: Thực trạng, thách thức và giải pháp

(SK&MT) - Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án để chỉ đạo xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhan
Petrovietnam: Sẵn sàng tâm thế cho chặng đường phát triển mới

Petrovietnam: Sẵn sàng tâm thế cho chặng đường phát triển mới

Với nguồn lực hiện có, chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế và giữ vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) có đủ năng lực và điều kiện để phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp n
Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện thành công việc tinh gọn bộ máy trước Đại hội Đảng bộ cấp huyện, tỉnh.

Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện thành công việc tinh gọn bộ máy trước Đại hội Đảng bộ cấp huyện, tỉnh.

(SK&MT) - Ngày 11/12, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức gặp mặt, trao đổi với cán bộ, công chức, viên chức 3 cơ quan thuộc diện sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy là Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh và Sở Ngoại vụ.
Tháo gỡ vướng mắc đối với quy định về kiểm soát thuốc đặc biệt

Tháo gỡ vướng mắc đối với quy định về kiểm soát thuốc đặc biệt

(SK&MT) - Bộ Y tế cho biết, sau 7 năm triển khai, quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã bộc lộ vướng mắc đối với quy định về kiểm soát thuốc đặc biệt.
Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam

(SK&MT) - Sáng 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Miền Bắc lại sắp đón thêm không khí lạnh

Miền Bắc lại sắp đón thêm không khí lạnh

(SK&MT) - Từ chiều và đêm 11/12, ở khu vực Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm. Từ đêm 12/12, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 14-17 độ, vùng núi 11-14 độ, vùng
Tháo gỡ vướng mắc đối với quy định về kiểm soát thuốc đặc biệt

Tháo gỡ vướng mắc đối với quy định về kiểm soát thuốc đặc biệt

(SK&MT) - Bộ Y tế cho biết, sau 7 năm triển khai, quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã bộc lộ vướng mắc đối với quy định về kiểm soát thuốc đặc biệt.
Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam

(SK&MT) - Sáng 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Thanh Hóa: Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18

Thanh Hóa: Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18

(SK&MT) - Ngày 9/12, Ban Chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, với mục tiêu xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Hà Nội: Vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển

Hà Nội: Vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển

(SK&MT) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho Hà Nội để phát triển mạnh mẽ hơn.
Cơ sở để ngăn tình trạng “cát tặc” lộng hành

Cơ sở để ngăn tình trạng “cát tặc” lộng hành

(SK&MT) - Luật Địa chất và Khoáng sản bổ sung một chương riêng về quản lý cát, sỏi lòng sông, hồ, tránh được tình trạng cấp phép, quản lý không thống nhất giữa các địa phương làm thất thoát tài nguyên.
Thanh Hóa: Tạm dừng khai thác khoáng sản đối với Công ty Minh Phúc Group do chưa đảm bảo về môi trường

Thanh Hóa: Tạm dừng khai thác khoáng sản đối với Công ty Minh Phúc Group do chưa đảm bảo về môi trường

(SK&MT) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản tạm dừng khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trong diện tích dự án Trại gà giống Xuân Phúc tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân đối với Công ty cổ phần đầu tư Minh Phúc Group.
Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng

Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng

(SK&MT) - Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là những vấn đề liên quan đến quảng cáo trên internet.
Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc

Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc

Chiều 21/11, theo kết quả biểu quyết, có 426/430 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,94% tổng số đại biểu Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
An Giang: Hội thảo khoa học “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”

An Giang: Hội thảo khoa học “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”

An Giang: Hội thảo khoa học “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”
Vĩnh Phúc: Tuyên dương, khen thưởng giáo viên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc năm 2024

Vĩnh Phúc: Tuyên dương, khen thưởng giáo viên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc năm 2024

(SK&MT) - Sáng 11/11, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Vĩnh Phúc tổ chức lễ tuyên dương giáo viên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu, xuất sắc năm học 2023 - 2024.
Hotel Academy Việt Nam khai giảng lớp quản trị khách sạn và trao học bổng toàn phần Vet by Ehl

Hotel Academy Việt Nam khai giảng lớp quản trị khách sạn và trao học bổng toàn phần Vet by Ehl

(SK&MT) - Ngày 28/10/2024, Học viện Hotel Academy Việt Nam đã tổ chức lễ khai giảng khóa học Quản trị Khách sạn và trao học bổng toàn phần VET by EHL tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Cần Thơ: Trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 13

Cần Thơ: Trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 13

Cần Thơ: Trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 13

Nổi bật

Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện thành công việc tinh gọn bộ máy trước Đại hội Đảng bộ cấp huyện, tỉnh.

Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện thành công việc tinh gọn bộ máy trước Đại hội Đảng bộ cấp huyện, tỉnh.

(SK&MT) - Ngày 11/12, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức gặp mặt, trao đổi với cán bộ, công chức, viên chức 3 cơ quan thuộc diện sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy là Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh và Sở Ngoại vụ.
Tháo gỡ vướng mắc đối với quy định về kiểm soát thuốc đặc biệt

Tháo gỡ vướng mắc đối với quy định về kiểm soát thuốc đặc biệt

(SK&MT) - Bộ Y tế cho biết, sau 7 năm triển khai, quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã bộc lộ vướng mắc đối với quy định về kiểm soát thuốc đặc biệt.
Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam

(SK&MT) - Sáng 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Thay đổi tư duy sản xuất, định vị nông nghiệp với đa góc độ

Thay đổi tư duy sản xuất, định vị nông nghiệp với đa góc độ

Thay đổi tư duy sản xuất, định vị nông nghiệp với đa góc độ
Vĩnh Phúc: “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”

Vĩnh Phúc: “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”

(SK&MT) - Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2024 mang thông điệp “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc” khẳng định tầm quan trọng của công tác dân số trong phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Hơn 30 chuyên gia từ Mỹ và Anh khám từ thiện cho bệnh nhân nghèo

Hơn 30 chuyên gia từ Mỹ và Anh khám từ thiện cho bệnh nhân nghèo

Dự kiến sẽ có khoảng 60 bệnh nhân được thăm khám trong Chương trình phẫu thuật từ thiện, các bệnh nhân đủ điều kiện sức khỏe sẽ được phẫu thuật trong đợt 1 này.
TTYT huyện Yên Lạc: Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng người bệnh

TTYT huyện Yên Lạc: Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng người bệnh

(SK&MT) - Cải cách thủ tục hành chính là một nội dung trọng tâm trong cải cách hành chính, vừa có ý nghĩa trong tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, vừa tạo cơ hội cho hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế – xã hội.
Bệnh viện C Thái Nguyên: Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong công tác khám, chữa bệnh

Bệnh viện C Thái Nguyên: Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong công tác khám, chữa bệnh

(SK&MT) - Bệnh viện C Thái Nguyên là một trong những bệnh viện uy tín cung cấp các dịch vụ Đa khoa khu vực Thái Nguyên. Kể từ khi thành lập đến nay, trải qua 32 năm phát triển và trưởng thành, Bệnh viện không ngừng phát triển lớn mạnh về quy mô cũng như làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Thái Nguyên nỗ lực vượt mọi khó khăn trong khám và điều trị bệnh

Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Thái Nguyên nỗ lực vượt mọi khó khăn trong khám và điều trị bệnh

(SKMT) - Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Thái Nguyên là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (tiền thân là Viện Điều dưỡng Khu tự trị Việt Bắc) được thành lập ngày 12/10/1955. Qua hơn sáu thập kỷ xây dựng và phát triển, với sự đổi mới về cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, nay đã trở thành một bệnh viện lớn của tỉnh.
Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên: Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin

Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên: Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin

(SK&MT) - Là bệnh viện công lập Hạng 3 tại tỉnh Thái Nguyên, TTYT thị xã Phổ Yên luôn đảm bảo chuyên môn và hạ tầng để đảm nhận chức năng thăm khám tại địa phương. Đồng thời, liên tục nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh, phấn đấu đạt các tiêu chí Trạm đạt chuẩn Quốc gia về Y tế xã, để người dân luôn an tâm khi tới đây khám và điều trị.
Bệnh viện A Thái Nguyên: Nỗ lực, cống hiến, vì sức khỏe nhân dân

Bệnh viện A Thái Nguyên: Nỗ lực, cống hiến, vì sức khỏe nhân dân

(SK&MT) - Ngay từ ngày đầu thành lập (31/12/1965), Bệnh viện A Thái Nguyên luôn định hướng rõ sứ mệnh là chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn và phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày đó. Trong chặng đường hơn 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy thuốc của bệnh viện đã luôn nỗ lực rèn luyện, cống hiến hết mình cho sứ mệnh cao cả ấy, làm nên thành tích chung của ngành Y tế Thái Nguyên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trung tâm y tế huyện Đồng Hỷ: Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

Trung tâm y tế huyện Đồng Hỷ: Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

(SK&MT) - Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ (TTYT huyện Đồng Hỷ) là bệnh viện công lập hạng III trực thuộc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Những năm qua, TTYT huyện Đồng Hỷ đã không ngừng nỗ lực thực hiện tốt vai trò phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng và thực hiện tốt tiêu chí cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp”.
Trung tâm Y tế Chợ Đồn (Bắc Kạn): Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Trung tâm Y tế Chợ Đồn (Bắc Kạn): Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

(SK&MT) - Nằm ở một huyện vùng núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, thế nhưng trong những năm qua, tập thể cán bộ, thầy thuốc, y bác sĩ tại Trung tâm Y tế Chợ Đồn luôn phát huy tinh thần vượt khó, đoàn kết một lòng, từng bước xây dựng đơn vị ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác khám chữa bệnh của người dân đồng bào dân tộc miền núi tại địa phương.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn: Địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của người dân

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn: Địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của người dân

(SK&MT) - Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã không ngừng chú trọng áp dụng công nghệ tiên tiến để triển khai nhiều kỹ thuật mới trong công tác chuyên môn, điều này đã giúp người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương mà không phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.
Giao diện di động