Bệnh Parkinson xuất phát từ hệ tiêu hóa ?
Theo hãng tin AFP, một công trình nghiên cứu được công bố tại Mỹ hôm 31/10/2018, đặc biệt quan tâm đến một bộ phận "thừa thãi", đúng như tên gọi của nó, đó là ruột thừa.
Dựa trên các dữ liệu tình trạng sức khỏe của 1,7 triệu người Thụy Điển, mà trong đó có một số người được theo dõi từ nửa thế kỷ qua, các tác giả công trình nghiên cứu này đã chứng minh rằng, những người đã cắt ruột thừa từ nhỏ, thì nguy cơ mắc bệnh Parkinson giảm đi 17%.
Tác động của việc cắt ruột thừa được thấy rõ nhất ở những người Thụy Điển sống tại nông thôn, với nguy cơ mắc bệnh Parkinson giảm đến 25%, trong khi tại các vùng đô thị, việc giảm nguy cơ mắc bệnh này đã không được quan sát thấy.
Tác giả chính của công trình nghiên cứu, bà Viviane Labrie thuộc Viện nghiên cứu Van Andel, bang Michigan (Mỹ), cho biết là về những người đã phát triển bệnh Parkinson, các nhà nghiên cứu nhận thấy là bệnh này xuất hiện trung bình trễ hơn 3 năm rưỡi trong số những người đã cắt ruột thừa.
Từ những kết quả nói trên, các tác giả công trình nghiên cứu nghĩ rằng ruột thừa có thể đóng một vai trò nào đó vào lúc khởi đầu bệnh Parkinson, nhưng bà Labrie nhấn mạnh chắc chắn là vai trò của bộ phận này không phải là duy nhất.
Những bệnh nhân Parkinson thường bị các vấn đề về hệ tiêu hóa, như táo bón, khoảng 10 năm hay hơn thế trước khi xuất hiện các triệu chứng liệt rung đầu tiên. Chính vì vậy mà các nhà khoa học mới quan tâm đến vai trò của hệ tiêu hóa.
Riêng ruột thừa là nơi tích trữ các vi khuẩn đường ruột và dường như cũng đóng vai trò trong hệ miễn dịch. Đây cũng là nơi chứa một loại protein mang tính chất chủ chốt trong căn bệnh Parkinson, có tên là alpha-synuclein. Protein này có trong ruột thừa của mọi người, dù là bệnh hay không. Cho nên các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng một dạng bất thường của alpha-synuclein đôi khi thoát ra khỏi ruột thừa và tiến về phía não, gây tổn hại cho bộ phận này và góp phần gây ra bệnh Parkinson.
Nhưng các tác giả công trình nghiên cứu nhấn mạnh là họ không khuyến cáo mọi người nên đi giải phẫu cắt ruột thừa, nói cách khác họ không hề khẳng định ai cắt ruột thừa thì sẽ không bị Parkinson !
Trước đó, theo nghiên cứu mới của Viện Karolinska của Thụy Điển, căn bệnh thoái hóa thần kinh này được kích hoạt bởi một prôtêin trong bụng và lan tới bộ não thông qua dây thần kinh phế vị. Để đi tới kết luận trên, nhóm chuyên gia đã đối chiếu hồ sơ sức khỏe của hơn 9.400 người từng phẫu thuật vagotomy (cắt bỏ một phần dây thần kinh phế vị) với hơn 377.000 người khác ở Thụy Điển để đánh giá nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.
Qua 40 năm, có 101 bệnh nhân từng làm vagotomy phát triển Parkinson (chiếm tỷ lệ 1,07%) trong khi có đến 4.826 người trong nhóm đối chứng khởi phát bệnh này (1,28%). Khi so sánh kết quả hai loại hình phẫu thuật vagotomy (cắt thân hoặc nhánh dây thần kinh phế vị), các chuyên gia phát hiện những người cắt thân của dây thần kinh này giảm 40% nguy cơ phát triển Parkinson so với những người không phẫu thuật. Nguy cơ của nhóm cắt nhánh dây thần kinh phế vị tuy cao hơn nhóm cắt thân nhưng vẫn thấp hơn nhóm không phẫu thuật.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Bojing Liu, kết quả trên cung cấp thêm bằng chứng cho thấy bệnh Parkinson có thể khởi phát từ trong bụng. Bằng chứng khác cho giả thuyết này là bệnh nhân Parkinson thường có các vấn đề về đường tiêu hóa (như táo bón) từ nhiều thập kỷ trước khi phát bệnh. Cuối năm 2016, nghiên cứu của Viện công nghệ California (Mỹ) cũng từng chỉ ra mối liên hệ giữa vi khuẩn đường ruột với sự phát triển các rối loạn vận động giống bệnh Parkinson ở chuột./.
Linh Đức