Bèo hoa dâu - Siêu sinh vật chống biến đổi khí hậu
Tại hội thảo “Bèo hoa dâu: Tiềm năng và thách thức trong sản xuất nông nghiệp bền vững”, TS Phạm Gia Minh - Trung tâm Bèo hoa dâu Việt Nam - Azovi, cho biết, một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan… đang ứng dụng bèo hoa dâu ở quy mô lớn trong trồng trọt, chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất dược phẩm.
Ngoài ra, bèo hoa dâu có năng lực hấp thụ mạnh CO2 gấp 8 lần cây xanh và giảm phát thải CH4 20-40% từ ruộng lúa. Thế nên, cần xem xét ứng dụng bèo hoa dâu là một hướng hợp tác với các quỹ tài trợ chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ..., ông Minh cho hay.
Trên thế giới, một số nhà khoa học phương Tây coi bèo hoa dâu là siêu sinh vật giúp vượt qua cơn bão hủy diệt do biến đổi khí hậu.
Ở nước ta, bèo hoa dâu là loại thực vật quen thuộc với người nông dân, đã được sử dụng từ rất lâu. Tuy nhiên những năm gần đây cây bèo này dần vắng bóng trên những cánh đồng, thửa ruộng, trong khi loại thực vật nhỏ bé này đem lại cho ngành nông nghiệp rất nhiều hiệu quả mà không phải ai cũng biết.
Bèo hoa dâu - Siêu sinh vật chống biến đổi khí hậu |
Theo Phó Giám đốc HTX Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) Nguyễn Khắc Hoàng, trong sản xuất nông nghiệp bèo hoa dâu không cạnh tranh không gian và dinh dưỡng với cây trồng chính, chi phí đầu tư thấp nhưng tốc độ nhân đôi số tiền đầu tư nhanh (trong 2-3 ngày) do khả năng nhân sinh khối. Cây bèo hoa dâu còn là nguyên liệu đầu vào hữu cơ với giá thành rẻ của ngành trồng trọt và chăn nuôi.
Ngoài ra, đưa bèo hoa dâu vào canh tác lúa sẽ tạo được dòng sản phẩm phát thải thấp với số lượng lớn, mở ra cơ hội giao dịch tín chỉ carbon từ những vùng sản xuất (1ha lúa thu được 20 tín chỉ carbon), ông Hoàng chia sẻ.
Tuy nhiên, việc phát triển và nhân rộng cây bèo hoa dâu đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm bèo dâu bị tàn lụi, khó nhân rộng; khả năng đảm bảo số lượng, chất lượng và kịp thời về mùa vụ của bèo dâu giống chưa đáp ứng; chưa ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong canh tác bèo hoa dâu; chưa xây dựng các định mức trong trồng trọt và chăn nuôi có ứng dụng bèo hoa dâu…, TS Phạm Gia Minh dẫn chứng.
Ngoài những khó khăn thách thức trên, đại diện Sở NN-PTNT Bắc Kạn bổ sung, ở nước ta chưa đo được lượng giảm phát thải khí nhà kính khi ruộng lúa có bèo hoa dâu. Hay muốn nhân thả bèo hoa dâu phải quản lý được ốc bươu vàng, nhưng hiện tại chưa có thuốc sinh học hoặc thuốc thảo mộc đặc trị loài này...
Các chuyên gia và cơ quan chức năng cho rằng, cần sớm có chính sách phân loại bèo hoa dâu thuộc nhóm phân bón hay cây trồng. Cùng với đó, phân loại vùng phát triển cây bèo này hợp lý bởi chúng chỉ sống và phát triển được trong điều kiện nhiệt độ từ 20-30 độ C...
Xây dựng chương trình khảo sát lại ở quy mô phù hợp để xác định tính thích hợp trong điều kiện của chúng ta. Đơn cử, ảnh hưởng của bèo dâu lên độ phì nhiêu của đất, vai trò cải tạo đất, năng suất cây trồng, khả năng giảm phát thải CH4, hấp thụ carbon, cung cấp dinh dưỡng thức ăn gia súc.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng, cây bèo hoa dâu không lớn, nhưng giá trị mà nó mang lại cho nhân loại lại không hề nhỏ. Theo ông, câu chuyện về cây bèo hoa dâu sẽ khởi tạo một tư duy mới để phát huy tối đa giá trị của những tài nguyên đang hiện hữu xung quanh mình, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, thuận thiên, giảm phát thải và phát triển bền vững.
Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Hoan, phải cộng hưởng được sức mạnh từ nhiều phía. Với những kinh nghiệm, thành tựu đã đúc rút qua nhiều thế hệ và các mô hình thực tế, cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần tiếp cận theo chiều sâu để có cơ sở vững chắc chỉ rõ tại sao phải đầu tư phục hưng bèo hoa dâu và xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật.