Bộ Công Thương phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ khai mạc
Lễ Phát động cũng là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2023 thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương nhằm triển khai Quyết định số 1035/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 15/3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động mới mẻ, hấp dẫn hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023.
Phát biểu khai mạc Lễ Phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, trong năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Thứ trưởng đánh giá thêm, năm 2022, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả quan trọng, tích cực như:
Thứ nhất, trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010 là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu dùng hiện nay. Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, được nhiều cơ quan, đại biểu Quốc hội đánh giá cao về nội dung và chất lượng.
Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam
Thứ hai, việc triển khai Chỉ thị số 30 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các Ban Đảng quan tâm chỉ đạo và đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.
Thứ ba, tiếp tục mở rộng hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838, tăng số lượng đầu mối Tổng đài lên 52 điểm trên phạm vi cả nước, tạo nền tảng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đồng thời, cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ tư, hàng triệu người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử.
Thứ năm, hàng triệu người tiêu dùng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng thông qua các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp. Công tác hợp tác quốc tế đã được khai thác chủ động, thường xuyên để tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những hành động tạo được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội, từ đó giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng khi tham gia mua sắm.
Lễ hưởng ứng thực hiện Bộ Quy tắc kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong TMĐT
“Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người tiêu dùng để biết được quyền của người tiêu dùng để người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi cho mình và giúp cho doanh nghiệp, cộng đồng nâng cao trách nhiệm hơn nữa để thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, các sản phẩm hàng hóa phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, không được làm ra những sản phẩm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, bà Trần Thị Lan Phương cho biết.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15 tháng 3) là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương làm đầu mối. Các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức thống nhất, với sự tham gia của gần 60 tỉnh, thành trên cả nước vào dịp tháng 3 hàng năm. Sự tham gia tích cực và hiệu quả của các địa phương trong khuôn khổ hoạt động do Bộ Công Thương phát động đã mang lại giá trị kết nối và lan tỏa hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Ngày Quyền của người tiêu dùng được tổ chức hằng năm cũng nhằm nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bích Ngọc