Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Quyết liệt giám sát nhiễm khuẩn phòng chống dịch bệnh MERS- CoV
Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS – CoV), chiều 8/6 tại đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tư tưởng chỉ đạo của ngành y tế là quyết liệt giám sát, phòng chống dịch bệnh MERS –CoV, nhằm đạt mục tiêu cao nhất ngăn chặn không cho dịch bệnh này vào Việt Nam. “Tuy nhiên không thể lơ là trong công tác phòng chống MERS – Co. Vì người Việt Nam sống và làm việc ở Trung Đông, Hàn Quốc không ít, người Hàn Quốc làm việc ở Việt Nam cũng nhiều. Vì thế giám sát nhiễm khuẩn là việc làm cần thiết nhất để phát hiện sớm ca bệnh để từ đó xử lý triệt để, tránh lây lan. Nếu dịch bệnh vào Việt Nam thì kịp thời khoanh vùng, từ đó thực hiện các biện pháp dập tắt, không cho dịch lan rộng. Đó là quy trình đã đem đến thành công cho Việt Nam trong việc xử lý các dịch bệnh bùng phát trên thế giới, trong nước từ trước tới nay. Trong đó, truyền thông phải đi đầu, mỗi cơ sở y tế cũng phải là một cơ quan truyền thông cho chính công việc của mình” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim tiến nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị trực tuyến này, tại đầu cầu Hà Nội có 6 báo cáo chính được trình bày, bao gồm báo cáo “Đánh giá nguy cơ, đáp ứng dịch bệnh” (WHO), “Tình hình dịch bệnh và kế hoạch đáp ứn”’ (Cục Y tế dự phòng), “ Kế hoạch tổ chức thu dung, phân tuyến điều trị bệnh” (Cục quản lý Khám, chữa bệnh), “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm tại cơ sở y tế” (Bệnh viện Nhiệt đới TW), “Công tác giám sát, xử lý ổ dịch, hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm” (Viện Vệ sinh Dịch tễ TW), “Truyền thông phòng, chống dịch” (Vụ Truyền thông, Thi đua và Khen thưởng)
Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, đại diện Tổ chức WHO lưu ý rằng, phơi nhiễm MERS- CoV qua tiếp xúc với lạc đà (trực tiếp, qua giọt nước bọt hoặc sữa lạc đà tươi). Bệnh truyền từ người sang người chủ yếu là tại bệnh viện (từ khi xảy ra dịch bệnh năm 2012 đến nay ở Trung Đông 50% ca bệnh bị lây ở bệnh viện; lây ở gia đình chỉ có 4%). Tỷ lệ tử vong cao nhất đối với những người có bệnh tật khác đi kèm như hô hấp, chạy thận nhân tạo, tiểu đường. Tuy nhiên việc lây từ người sang người chưa có dấu hiệu bền vững. Nhưng do lạc đà là vật nuôi gần gũi với con người trên diện rộng, nên việc phòng dịch bệnh này cần phải được có kế hoạch lâu dài, không phải chỉ trong thời điểm dịch đang bùng phát như hiện nay; nguy cơ sẽ còn tiếp diễn ngay cả sau khi dịch kết thúc ở Hàn Quốc.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tại thời điểm này Việt Nam chưa phát hiện có ca bệnh MERS- Cov và Bộ Y tế đã có kế hoạch cho cả 3 tình huống đối với dịch MERS – CoV.
Hiện nay đang tập trung vào tình huống thứ nhất (chưa ghi nhận ca bệnh). Từ ngày 20/5, Bộ đã có Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chống dịch. Ngày 2/6, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về phòng chống dịch. Ngày 5/6, Bộ có cuộc họp liên ngành với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải bàn biện pháp ứng phó khi dịch lan rộng .
Công tác dự phòng đã được triển khai chặt chẽ. Bộ đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm dịch y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường các hoạt động giám sát, tuyên truyền và triển khai các hoạt động phòng chống tại cửa khẩu. Từ 1/7 áp dụng tờ khai y tế đối với 9 quốc gia vùng Trung Đông và từ 5/6, áp dụng thêm với Hàn Quốc, Bahrain. Tại bệnh viện tiến hành giám sát viêm đường hô hấp cấp, hội chứng cúm. Tại cộng đồng giám sát các trường hợp nghi ngờ có tiền sử đi từ khu vực có dịch. Bộ đã thành lập 4 đội đáp ứng nhanh cấp Trung ương, khu vực. Các viện, bệnh viện, các tỉnh, thành phố cũng thành lập đội chống dịch cơ động; tổ chức thường trực phòng chống dịch tại các đơn vị y tế; tập huấn công tác giám sát, dự phòng, xử lý ổ dịch, xét nghiệm. Các bệnh viện có khả năng xét nghiệm là Viện vệ sinh dịch tễ TW, Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện các bệnh nhiệt đới TW và Bệnh viện nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm xét nghiệm mẫu từ các địa phương gửi về.
Về điều trị, ngày 13/6 tới đây Bộ sẽ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị MERS- CoV, thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị cách ly bệnh nhân; đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện; kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Trong công tác truyền thông, Bộ cam kết thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho các phương tiện truyền thông; khuyến cáo người dân khai báo thông tin, khuyến cáo cộng đồng, khuyến cáo khách du lịch, khuyến cáo hành khách nhập cảnh, xuất cảnh, truyền thông tại cửa khẩu, xây dụng hệ thống theo dõi, điều tra và phản ứng tin đồn.
PGS. TS. Trần Đắc Phu: Việc dịch MERS – CoV vào Việt Nam là “có thể”. Vì thế ngay trong tình huống thứ nhất công tác dự phòng cần phải được thực hiện nghiêm túc.
Duy Kiên