Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN thảo luận về bệnh truyền nhiễm mới nổi
Mở rộng bảo hiểm y tế đối với khu vực phi chính thức
Phát biểu tại Hội nghị bên lề về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân với chủ đề “Bao phủ bảo hiểm y tế đối với khu vực phi chính thức”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế đối với khu vực lao động phi chính thức cũng là những thách thức mà Việt Nam nói riêng và ASEAN+3 nói chung đã và đang phải đối mặt. Đây cũng là mục tiêu quan trọng yêu cầu mỗi quốc gia phải đẩy nhanh thực hiện trên con đường tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trên lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 69% dân số năm 2013. Cùng với mở rộng bao phủ, tỷ lệ chi từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng chi y tế tại Việt Nam cũng gia tăng qua các năm. Từ khi bắt đầu thực hiện chính sách BHYT, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến các đối tượng người nghèo và dễ bị tổn thương. Từ năm 2006, 100% người nghèo và người dân tộc thiểu số đã được bao phủ BHYT thông qua nguồn thu ngân sách. Đặc biệt, Luật BHYT sửa đổi vừa được quốc hội Việt Nam thông qua ngày 13-6-2014 vừa qua đã quyết định kể từ 1-1-2015, người nghèo và người dân tộc thiểu số sẽ không phải chịu đồng chi trả khi khám chữa bệnh BHYT. Điều này thể hiện nỗ lực trong việc xóa bỏ các rào cản tài chính đối với người nghèo trong khám chữa bệnh.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam xác định BHYT là một cơ chế tài chính y tế bền vững quan trọng phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Việt Nam cũng như các các nước trong khối Asean đang phải đối mặt với thách thức trong việc mở rộng bao phủ BHYT đối với khoảng 30% dân số còn lại, chủ yếu thuộc khu vực phi chính quy. Lâu nay, mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế trong khu vực phi chính thức luôn là một thách thức với các quốc gia, đặc biệt với nhiều nước ASEAN - nơi mà khối phi chính thức còn chiếm tỷ lệ lớn trong dân số.
Tại hội nghị, nhiều kinh nghiệm được chia sẻ giữa các nước ASEAN và các đối tác để đáp ứng mục tiêu này như: Kinh nghiệm tăng ngân sách cho lĩnh vực bảo hiểm toàn dân từ nguồn lợi của tăng trưởng kinh tế tại Thái Lan; lãnh đạo các địa phương quan tâm khuyến khích cá nhân tham gia bảo hiểm tự nguyện và lập các quỹ hỗ trợ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, muốn làm được những điều này, các quốc gia cần giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo một thị trường lao động đem lại nhiều lợi ích.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã được nghe các diễn giả từ các nước ASEAN +3 và các chuyên gia y tế trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Bên cạnh giúp các quốc gia lựa chọn các giải pháp phù hợp, vượt qua thách thức để mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cho người lao động và gia đình thuộc khu vực lao động phi chính thức, Hội nghị còn kêu gọi sự hợp tác giữa các nước thành viên của ASEAN + 3 cùng chung tay thúc đẩy tiến trình chăm sóc sức khỏe toàn dân trong khu vực.
Tăng cường phối hợp phòng chống dịch bệnh mới nổi
Tại Hội nghị về phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi, các đại biểu đã được cập nhật thông tin về dịch bệnh do virus Ebola tại các nước Tây Phi, dịch bệnh MERS-COV, việc giám sát và đáp ứng dịch cúm A (H7N9), bệnh sốt rét và tình trạng kháng thuốc trong phòng chống sốt rét...
Đồng thời, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác và phối hợp giữa các nước ASEAN trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi, đồng thời đánh giá thực trạng xây dựng và triển khai chiến lược Châu Á Thái Bình Dương trong phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi tại các nước châu Á.
Đánh giá về nguy cơ lây lan của virus Ebola vào khu vực, các đại biểu cho rằng, mặc dù khả năng ca bệnh Ebola sẽ vào khu vực là rất thấp nhưng vẫn có thể bởi loại virus này lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể của người bị nhiễm bệnh do virus Ebola. Các đại biểu nêu ý kiến, nếu có một ca bệnh du nhập vào khu vực, hậu quả tiềm tàng đối với y tế công cộng sẽ ở mức trung bình. Tuy vậy, các quốc gia cũng cần cảnh giác và chuẩn bị cho việc phát hiện, điều tra và quản lý các trường hợp bệnh Ebola. Hiện nay, Ebola lây nhanh và lan rộng tại các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone thuộc khu vực Tây Phi. Đã có trên 4.000 ca mắc, trong đó có trên 2.000 ca tử vong, trong khi đó, số mắc và chết tiếp tục tăng...
Theo các đại biểu, dịch bệnh do virus Ebola khác biệt là do không thể dự báo mức độ rộng lớn và phức tạp của dịch từ khi được phát hiện và đây là dịch lớn nhất từ trước tới nay do virus Ebola gây ra. Đặc biệt,những nhân viên chăm sóc y tế có nguy cơ mắc cao nhất; bên cạnh đó, dịch lại bùng phát ở các nước có nội chiến và có hệ thống y tế rất yếu, cùng với đó, tập quán chôn cất của người dân địa phương càng làm cho dịch lan rộng... Trước tình trạng nguy hiểm của dịch bệnh này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định cần chấm dứt lây truyền Ebola tại các nước đang có dịch trong vòng 6 đến 9 tháng tới và đề phòng lây lan trên phạm vi quốc tế; đồng thời thực hiện bao phủ toàn bộ lãnh thổ với bổ sung các hoạt động ứng phó Ebola tại các nước dịch đang lan rộng và mạnh. Tổ chức Y tế thế giới áp dụng tình trạng khẩn cấp về ứng phó toàn diện tại các nước mới có các ca ban đầu hoặc lây lan cục bộ; chuẩn bị sẵn sàng tại tất cả các nước nhằm phát hiện nhanh và ứng phó với phơi nhiễm Ebola.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nhận định rằng, có ít nhất 5 nguyên nhân hiện đang gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, đó là: Sự xuất hiện và lây lan của các tác nhân gây bệnh mới như SARS, cúm A (H7N9), cúm A (H5N6)..; sự toàn cầu hoá trong giao thương, đi lại và an toàn thực phẩm; sự gia tăng kháng thuốc; sự phát tán tác nhân gây bệnh và khủng bố sinh học.
Tại hội nghị, các nước ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó và nhất trí về một chiến lược phối hợp xuyên quốc gia trong phòng chống những dịch bệnh này.
Theo QĐND Online