Cà Mau: Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn
Cà Mau: Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn |
Mục tiêu của Hội thảo còn hướng tới tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các viện, trường, nhà khoa học; các sở, ngành, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp; người trực tiếp sản xuất để xác định được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn địa phương. Đồng thời, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, nhân lực, khoa học và công nghệ, tín dụng và các ngành phụ trợ để giải quyết các vấn đề sản xuất tỉnh Cà Mau đang gặp phải.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận xoay quanh các nội dung như giải pháp tổng quát huy động nguồn lực tài chính quốc tế trong đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực trạng ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh; những thuận lợi, khó khăn, giải pháp phát triển ngành tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đối với các nước đang phát triển...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, dù đã đạt nhiều kết quả, song việc phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ thời gian qua đang gặp không ít khó khăn. Trong đó có việc chọn đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ chưa sát thực tế, chưa đáp ứng thiết thực nhất cho đời sống, sản xuất và phù hợp với nguồn lực địa phương.
Giai đoạn từ năm 2020-2024, toàn tỉnh chỉ có 7 đề khoa học công nghệ cấp quốc gia. Con số này là quá ít so với tiềm năng và những thách thức mà tỉnh đang phải đối diện do biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế liên quan về tài chính trong thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ cũng còn không ít khó khăn.
“Nguồn ngân sách của tỉnh hiện nay dành cho nhiệm vụ khoa học công nghệ hằng năm không lớn cùng với sự huy động và sử dụng nguồn lực xã hội còn nhiều khó khăn đã phần nào khiến cho việc ứng dụng và nhân rộng của đề tài, dự án khoa học-công nghệ đã được công nhận vào thực tế còn rất chậm, rất khó," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau phân tích.
Ồng Lê Văn Sử đề nghị người đứng đầu các sở, ngành, địa phương xác định rõ mục tiêu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết để đăng ký và đầu tư hiệu quả các nhiệm vụ, dự án.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin để các sở, ngành, doanh nghiệp đăng ký nhiệm vụ về những chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; phổ biến các cơ chế, chính sách cho khoa học và công nghệ đang có cho các đối tượng có liên quan.
Việc huy động các nguồn lực khoa học và công nghệ cần có sự liên kết chuỗi các ngành hàng. Sở cần nhân rộng dự án điểm về phát triển công nghệ RAS-IMTA trong nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh…
Dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện “Chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn"./.