Cả nước khai giảng năm học mới
Tại Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ khai giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Khai giảng năm học mới 2021-2022 của hơn 2,1 triệu học sinh Thành phố Hà Nội diễn ra lúc 7h30. Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) là nơi tổ chức lễ khai giảng chung cho toàn thành phố và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, phát thanh.
Buổi lễ được tổ chức trang trọng, ngắn gọn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào đón năm học mới, tuy nhiên vẫn bảo đảm các điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Lễ khai giảng tại trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Tham dự chương trình khai giảng năm học mới có ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Hà Nội, cùng nhiều lãnh đạo thành phố và lãnh đạo ngành giáo dục.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ghi nhận những thành tích của ngành giáo dục Thủ đô năm học 2020-2021: “Trong diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành GD&ĐT Thủ đô đã vươn lên khó khăn thách thức, thực hiện mục tiêu kép của ngành là bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 và hoàn thành kế hoạch năm học với chất lượng cao. Với tinh thần tạm dừng đến trường, không dừng học, ngành Giáo dục Thủ đô chủ động hơn, nhanh chóng triển khai đồng bộ quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp và hơn 150 nghìn cán bộ giáo viên của toàn thành phố”.
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đánh trống khai giảng năm học 2021-2022
Năm học 2021-2022 sắp tới sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND Thành phố kỳ vọng sự đồng lòng, đồng sức hơn nữa, thống nhất ý chí và hành động, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, quyết tâm cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ năm học mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ Thành phố với những định hướng mới rõ nét hơn, mang tầm cao hơn, để ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục có thêm nhiều thành tựu trên bước đường đổi mới, hội nhập và phát triển hòa chung vào nhịp phát triển của cả nước.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, đang là vùng dịch lớn nhất cả nước với gần 250.000 ca Covid-19, trước đó thành phố dự kiến không tổ chức khai giảng. Chỉ có duy nhất Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức khai giảng trực tiếp với một số ít giáo viên, đại biểu và học sinh dự. Sau lễ chào cờ, toàn thể đại biểu dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ tới những người đã hy sinh, đã mất bởi dịch bệnh Covid-19.
Tại Quảng Ninh, hơn hai tháng qua không có thêm ca mới, tỉnh Quảng Ninh cho phép các trường tổ chức khai giảng trực tiếp với nhiều biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách…
Tại các tỉnh, thành khác, lễ khai giảng cũng được thực hiện theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại một điểm trường chung.
Năm nay, cả nước có khoảng 23 triệu học sinh các cấp. Theo khung thời gian năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em sẽ kết thúc học kỳ I trước 16/1/2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước 25/5/2022 và kết thúc năm học trước 31/5/2022, tương tự mọi năm.
Dựa vào khung này, chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền quyết định kế hoạch thời gian năm học cụ thể đảm bảo phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương. Trường hợp dịch quá căng thẳng, đến 15/6 chưa thể kết thúc năm học, địa phương báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để có hướng dẫn sao cho đảm bảo an toàn phòng dịch và hoàn thành kế hoạch năm học.
Nhị Giang