Các nhà khoa học Anh giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu
Trang mạng Tạp chí Môi trường của Anh loan tin hôm 6/2 cho biết các dự án sẽ được hỗ trợ bởi Quỹ Newton, một chương trình của Vương quốc Anh liên kết với 17 quốc gia trên thế giới để chia sẻ kiến thức khoa học và chuyên môn về môi trường tại các trường đại học. Tổng vốn đầu tư của Chính phủ Anh cho Quỹ Newton là 735 triệu bảng Anh tính đến năm 2021.
Tạp chí Môi trường của Anh nói tác động của biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của người dân đang sống ở Việt Nam, từ thiệt hại về nhân mạng cho đến tài sản cũng như công ăn việc làm của người dân khi hệ thống giao thông, cung ứng điện, và đất nông nghiệp bị ảnh hưởng…
Các dự án hợp tqacs khoa học nói trên sẽ khởi động vào cuối năm 2019, kéo dài từ 30 đến 36 tháng, và cũng sẽ được hỗ trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Môi trường Tự nhiên (NERC), Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế & Xã hội (ESRC) và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED).
Chương trình nghiên cứu được hy vọng sẽ mang lại hiểu biết rõ hơn về khí tượng thủy văn ở Việt Nam, từ đó sẽ cho phép phát triển và thực hiện các biện pháp thích ứng. Các chuyên gia nêu ra những ví dụ như thiết kế hệ thống phòng lũ hiệu quả, hoặc hệ thống phòng chống tự nhiên như rừng ngập mặn.
Đồng bằng sông Cửu Long từng được đánh giá là một trong những khu vực nông nghiệp màu mỡ nhất trên thế giới vì lượng phù sa sông Cửu Long bồi đắp trong hàng ngàn năm. Tuy nhiên nay do hệ thống đập thủy điện mà các nước thượng nguồn xây dựng lên, nguồn phù sa này bị cạn kiệt rõ rệt. Chuỗi những đập thủy điện đó và hoạt động khai thác cát trên sông Cửu Long còn tác động bất lợi đến hệ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi này cũng được các chuyên gia nhận định là đang bị đe dọa bởi tình trạng biến đổi khí hậu.
Linh Đức