Cần Thơ trong tiến trình xây dựng thành phố sinh thái đáng sống
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ.
Nhân dịp đầu năm mới - 2023, trao đổi với Tạp chí Sức khỏe & Môi trường về tiến trình phát triển của đô thị được vinh danh trên bình diện châu lục này, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết:
TP.Cần Thơ là một đô thị cửa ngõ hạ nguồn Me Kong, trung tâm vùng ĐBSCL. Trên địa bàn có 65km sông Hậu đi qua, 350km kênh rạch cấp 1 (sông Cái Sắn, Tắc Ông Thục, kênh Đứng…) và khoảng 800km kênh, rạch cấp 2. Đặc điểm này đã được trung ương xác định rõ trong hoạch định chiến lược và chính quyền địa phương quán triệt xuyên suốt quá trình lãnh chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển thành phố.
Những năm gần đây, dù có nhiều khó khăn khách quan thành phố đã không ngừng nỗ lực huy động đầu tư triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện về môi trường, cảnh quan theo hướng tôn vinh lợi thế đặc thù sông nước, tăng mảng xanh trong không gian kiến trúc đô thị, khuyến khích ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng xanh trong sinh hoạt, sản xuất…
Một góc Cần Thơ – đô thị cửa ngõ hạ nguồn Me Kong.
Kết quả có thể định lượng, thấy rõ là các công trình triển khai theo Đồ án "Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP.Cần Thơ" (từ năm 2015) tiếp tục được thực hiện cùng các dự án nâng cấp đô thị thích ứng biến đổi khí hậu. Có thể quan sát thực tế một số dự án xây dựng, như: bờ kè Xóm Chài, bờ kè rạch Khai Luông, công viên Hồ Xáng Thổi, bờ kè sông Cần Thơ (đoạn từ phà Xóm Chài đến huyện Phong Điền), công viên Tham Tướng (tại rạch Tham Tướng - thuộc Dự án Nâng cấp Đô thị TP.Cần Thơ), bờ kè rạch Ngỗng, hồ Búng Xáng (thuộc các phường An Nghiệp, An Hòa, An Khánh), bờ kè Rạch Cam (quận Bình Thủy), sông Ô Môn, sông Thốt Nốt.... Hiệu quả tích cực từ các công trình này là hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở ven các tuyến sông, kênh, rạch; di dời sắp xếp dân cư có nhà ở ven sông, rạch vào vùng đất ổn định; cảnh quan đô thị, môi trường sinh thái được bảo vệ, khôi phục tốt hơn, khang trang hơn.
Cầu đi bộ bến Ninh Kiều một điểm nhấn thẩm mỹ tôn vinh trên nền cảnh quan sông nước.
Các yếu tố về môi trường sinh thái, môi trường xã hội, môi trường sản xuất, kinh doanh,… của thành phố đang tiếp tục được cải thiện đi vào chiều sâu đã là một trong các ưu điểm trong sự cân nhắc để đi tới quyết định đầu tư phát triển của các nhà đầu tư. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân tích cực đem lại kết quả phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch CoiD-19. Năm 2022 vừa qua tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 12,64% (đứng hạng thứ 6 so với cả nước, xếp thứ 2 trong vùng ĐBSCL); vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 35,5 nghìn tỷ đồng (tăng 40,63% so cùng kỳ) - những con số này phần nào thể hiện rõ điều đó.
Chúng tôi có thể khẳng định rằng: Đến nay, lộ trình xây dựng phát triển thành phố sinh thái đáng sống củ trung tâm vùng ĐBSCL đã được sự đồng thuận, hưởng ứng của dự luận xã hội, nhân dân và cả hệ thống chính trị. Trong lộ trình đó tiếp tục được thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn trong nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiệm vụ này thành phố đã hoàn tất, trình Hội đồng quy hoạch trung ương vào cuối năm qua.
Chợ nổi Cái Răng – một sản phẩm du lịch đậm sắc thái sông nước đã được thành phố chú trọng đầu tư tôn tạo.
*P/V: Được biết, trong quá trình trưng cầu ý kiến xây dựng Dự thảo quy hoạch kỳ này các vị lãnh đạo lão thành qua các thời kỳ của thành phố có nhiều ý kiến cho rằng nên "lấy sông làm mặt tiền". Vấn đề này đã được chính quyền thành phố tiếp thu như thế nào, thưa ông?
- Ông Trần Việt Trường: Thật ra, lịch sử sinh tồn và hình thành vùng đất Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL bắt nguồn từ quy luật chuyển động của nước, bồi tụ trầm tích của dòng Mekong trong quá trình giao thoa với biển. Con người an cư, sinh hoạt, sản xuất,… gắn liền với sông nước. Người Cần Thơ nói chung, đặc biệt là các vị cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ gắn bó địa phương, hiểu sâu, thấy rõ những vấn đề chú trọng đưa vào quy hoạch làm khung cho quá trình quản lý, điều hành xây dựng thành phố sinh thái đáng sống trung tâm vùng.
Ý kiến của các vị lãnh đạo lão thành và nhân dân có ý nghĩa rất thiết thực cho chính quyền thành phố điều chỉnh, bổ sung hoàn tất nội dung Dự thảo quy hoạch. Theo đó, thống nhất về chiến lược phát triển không gian và định hướng tập trung phát triển dọc sông Hậu, sông Cần Thơ. Xác định chiến lược phát triển dọc theo sông Hậu với dải đất ven sông là diện tích đô thị cao cấp, mặt tiền lớn của cả thành phố; chiến lược phát triển dọc theo sông Cần Thơ với toàn bộ dải sông Cần Thơ là mặt tiền có bản sắc nhất của đô thị Cần Thơ, là một vùng tập trung những công năng hấp dẫn nhất về đô thị, du lịch, thương mại dịch vụ...
Dự thảo quy hoạch thành phố cũng đã xác định toàn thành phố là đô thị với 3 vùng phát triển: vùng lõi đô thị trung tâm phía nam, vùng phát triển mới phía Bắc và vùng có điều kiện phát triển không thuận lợi phía tây tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Có 2 hành lang dọc gồm: hành lang phát triển dọc sông Hậu và hành lang dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; 3 hành lang ngang gồm: hành lang phía Bắc, Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh, dọc theo cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; hành lang giữa, dọc theo tuyến liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng và hành lang phía nam, dọc theo tuyến đường sắt cao tốc và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Bờ kè sông Cần Thơ dài hàng chục km vừa chống sạt lở kết hợp sắp xếp lại dân cư, cải thiện điều kiện giao thông, cảnh quan đô thị, giảm thiểu xả thải trực tiếp xuống sông Cần Thơ.
*P/V: Cuối năm qua, thành phố đã công bố danh sách những tuyến kênh, rạch trên địa bàn không được san lấp. Xin ông cho biết ý nghĩa cần thiết của việc này trong tiến trình xây dựng đô thị sinh thái?
- Ông Trần Việt Trường: Thực tiễn chống ngập lụt ở các thành phố trong và ngoài nước cho thấy khó khăn cơ bản nhất chính là vì quá trình đô thị hóa hệ thống kênh rạch tự nhiên trong đô thị bị lấp dần, không đảm bảo điều kiện tiêu thoát nước tự nhiên và theo quy luật thì cứ lấp chỗ này nước sẽ dâng tràn chỗ khác. Một đô thị không còn hệ thống kênh rạch tự nhiên thì không thể tránh khỏi ngập lụt cục bộ, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và điều kiện điều hòa khí hậu cho đô thị bị ảnh hưởng, cảnh quan môi trường sinh thái sẽ mất dần…
Tại địa bàn Cần Thơ những năm gần đây cũng thường bị ngập ngày càng trầm trọng. Trên cơ sở vận dụng Luật Tài nguyên nước, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3771/QĐ-UBND về việc phê duyệt, công bố danh mục gồm 63 hồ, kênh/rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố. Việc này có ý nghĩa kịp thời, cần thiết để các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cùng người dân có cơ sở cụ thể trong quản lý, bảo vệ, tôn tạo hệ thống hồ, kênh, rạch, cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, hệ thống cấp thoát nước kết hợp quá trình triển khai các dự án… đúng định hướng xây dựng thành phố sinh thái đặc thù sông nước đáng sống của vùng ĐBSCL.
Hồ Búng Xáng – một không gian dành cho nước và tôn tạo cảnh quan thẩm mỹ mới được đầu tư thực hiện tại trung tâm thành phố trong những năm gần đây.
*P/V: Đến nay thành phố đã có đủ hành lang về thể chế để vận dụng trong chỉ đạo, điều hành phát triển "thành phố sinh thái đáng sống" chưa, thưa ông?
- Ông Trần Việt Trường: Đúng theo quy định, trình tự thủ tục và tiến độ, đến nay thành phố đã hoàn tất dự thảo Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, thành phố cũng tiến hành lập Điều chỉnh Quy hoạch chung (Quy hoạch đô thị), hiện Nhiệm vụ quy hoạch đang được trình Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các đồ án Quy hoạch này sau khi chính thức được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý và căn cứ quan trọng để chính quyền thành phố thuận lợi triển khai các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, chính trang đô thị tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn theo hướng đô thị sinh thái.
Việc quy hoạch phát triển thành phố sinh thái theo hướng phát huy lợi thế sông nước là một bước cụ thể hóa, phù hợp với quan điểm “Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế” mà Nghị quyết số 120/NQ-CP (tháng 11/2017) Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Đây cũng là bước tiến mới, rõ nét hơn trong lộ trình thực hiện mục tiêu: “Cần Thơ là thành phố sinh thái văn minh hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐSCL…” đã được Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết số 59-NQ/TW (ngày 05/8/2020) về xây dựng thành phố Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Nhìn chung, lộ trình xây dựng thành phố Cần Thơ theo hướng đô thị sinh thái đáng sống trung tâm vùng ĐBSCL đã có hành lang thể chế cơ bản.
Rạch Ngỗng trước bị lấn chiếm, ô nhiễm, từ khi xây kè, di dời nhà ở ven rạch, mở rộng đường giao thông và khu phố hai bên ngày càng khang trang.
*P/V: Xin ông cho biết những vấn đề cốt lõi chính quyền thành phố đang chú trọng chỉ đạo thực hiện để đô thị sinh thái trung tâm vùng sớm khởi sắc?
- Ông Trần Việt Trường: Trọng tâm vẫn là phải tiếp tục huy động tốt các nguồn lực đầu tư triển khai các dự án công trình và phi công trình chống sạt lở, di dời sắp xếp dân cư có nhà ở ven sông, rạch vào các khu dân cư an toàn, bảo vệ hệ thống hồ, sông, kênh, rạch trên địa bàn theo các đồ án, quy hoạch đồng thời thực hiện các biện pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Theo đó, tôn vinh các dòng sông, kênh, rạch, phát triển giao thông thủy liên kết các địa phương trong vùng, cãi thiện chất lượng môi trường sống cư dân, cải thiện cảnh quan đô thị, khôi phục môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu cho đô thị, tạo không gian cho nước, giảm thiểu các vấn để về ngập lụt, xâm nhập mặn,… vào địa bàn thành phố.
Do đó, triển khai quy hoạch phải chú trọng thực hiện các nguyên tắc kiến trúc không gian dành nhiều không gian cho nước, nghiên cứu ứng dụng mô hình “đô thị nước”; ứng dụng các mô hình thiết kế xây dựng kiểu mới như nhà sàn kiên cố, giảm thiểu tình trạng dùng vật liệu san lấp và dành không gian cho nước, đồng thời tiết kiệm tài nguyên cát, chống sạt lở, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Chú trọng tăng diện tích cây xanh từ khâu kiển trúc xây dựng ở từng khu dân cư, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm hành chính, trường học, bệnh viện, các tuyến đường bộ, đường sông… Ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch; tạo không gian cho cư dân sử dụng các phương tiện giao thông thô sơ, giảm phát thải và tốt cho sức khỏe.
Một cư dân nhà ở đường Lê Anh Xuân, chiều nào ông cũng ra bờ kè rạch Cái Khế câu cá, ngắm cảnh trên bờ người xe, dưới rạch tàu, ghe qua lại, thừa nhận: Việc đầu tư kè con rạch này giúp chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của bà con được cải thiện rất rõ nét.
Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 80% cư dân có nhà ở ven sông được di dời vào các khu dân cư ổn định và đến năm 2050 toàn thành phố không còn nhà cọc ven sông, trả lại hiện trạng xanh cho sông, kênh, rạch... mà đề án quy hoạch chống sạt lở sông rạch đã triển khai từ nhiều năm qua phải tiếp tục chú trọng phấn đấu thực hiện.
Đã có danh mục cụ thể 63 hồ, kênh/rạch không được san lấp, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cùng bà con nhân dân trên địa bàn thành phố cần tập trung bảo vệ, tôn tạo, khôi phục môi trường sinh thái và cho các phương tiện vận tải đường thủy cỡ nhỏ như tàu chở khách du lịch có thể di chuyển được trong nội ô thành phố… để bộ mặt đô thị Cần Thơ khởi sắc.
*P/V: Xin cảm ơn ông!
HÙNG LONG (thực hiện)