CBO Thái Nguyên – Những “chiến binh cứu sốc”
Việc coi mình được "cứu sốc", thật ra chỉ là một sự liên tưởng, so sánh mang tính cường điệu. Nó có được khi chúng tôi nghe câu chuyện kể của anh Lê Trung Tấn – Trưởng nhóm Thành Công (Văn phòng tại xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, Thái Nguyên).
Trưởng nhóm CBO Thành Công Lê Trung Tấn và "thuốc tiên" |
Anh Tấn từng là “ngôi sao” trong cộng đồng người chích ma túy (NCMT), cả trong quá khứ đen tối của bản thân anh và sự tỏa sáng hiện tại từ anh. Không giấu nổi niềm tự hào, anh kể: “Bây giờ, anh em tiếp cận viên (TCV) trong nhóm CBO của chúng tôi thực sự đã giành được niềm tin yêu của cả cộng đồng cũng như các cán bộ y tế và công an cơ sở. Từ những công việc thường ngày của anh em theo nhiệm vụ mà Dự án VUSTA – Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giao cho như: chuyển gửi khách hàng (KH) đi điều trị, thu nhặt bơm kim tiêm bẩn và trao các vật phẩm an toàn cho KH, đến việc tư vấn giảm hại của ma túy, của việc lây truyền HIV/AIDS và bên cạnh đó là ích lợi của việc sử dụng Methadone…, cho đến cả việc “cứu sốc” cho KH khi họ sử dụng ma túy tổng hợp quá liều”.
-Anh có thể kể kỹ hơn về việc “cứu sốc” này không - tôi hỏi anh Tấn.
Anh Tấn lấy ra một hộp thuốc và nói:
-Là do “thuốc tiên” này đây. Khi có điện thoại báo đã phát hiện hiện tượng này trong cộng đồng, tôi đều cùng TCV đến tận hiện trường, xem xét tình hình thực tế của KH, tiến hành ép tim rồi tiêm Naloxone cho họ, thế là họ thoát tử. Có lần, sau khi KH được cứu sốc, họ cảm ơn công an, thì anh ấy chỉ sang tôi và nói: Cảm ơn anh “bác sĩ” đây này. Nhờ thuốc tiên của anh ấy đấy”.
Những lần cứu sốc theo nghĩa đen thế này, anh Tấn không coi là nhiệm vụ chính của mình và các TCV trong nhóm, bởi mục tiêu của Dự án là giảm hại và đẩy lùi HIV/AIDS. Nhưng họ - những người tiêm chích ma túy là đối tượng mà các anh cần tiếp cận tuyên truyền, hỗ trợ để hạn chế thấp nhất hệ lụy tiếp theo trong việc lây truyền HIV/AIDS mà họ là nhóm có nguy cơ cao. Cho nên, sau mỗi lần cứu được một người, là các anh có thêm một niềm vui trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, những việc khác mà các anh đang làm, đã “cứu sốc” tâm lý, tinh thần cho rất nhiều người thân của những đối tượng này, và cả cộng đồng. Việc trở thành TCV và làm những công việc hữu ích này đã giúp các anh thay đổi cả cuộc đời chính mình, và các anh không còn là nỗi sợ hãi, lo âu của gia đình và xã hội nữa. Chính vì vậy, các anh muốn cộng đồng NCMT cũng sẽ cùng các anh trở thành "chiến binh cứu sốc".
Đoàn giám sát của VUSTA làm việc tại CBO Thành Công |
Đến với nhóm CBO Family của cộng đồng MSM (đồng tính nam), chúng tôi lại được “cứu sốc” theo một cách khác. Nhìn những gương mặt tươi trẻ, rạng ngời và tự tin của các TCV trong nhóm, tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người đã thay đổi hẳn những kỳ thị trước đây về cộng đồng MSM. Được biết thêm, trong số các TCV, có bạn đang học BS nội trú, có bạn đa tài: vừa là họa sĩ, thiết kế thời trang, vừa là chuyên gia trang điểm có thương hiệu ở Thái Nguyên. Đa số các bạn đều có công việc làm rất tốt, cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Cuộc giao ban giữa các trưởng nhóm CBO Thái Nguyên (Smile, Family, Thành Công) và nhân viên y tế tại Phòng khám thân thiện |
TS Kim Anh – Phó Giám đốc CDC Thái Nguyên nói thêm: CBO Family là một điểm sáng trong 3 CBO của Thái Nguyên, với rất nhiều hoạt động truyền thông sáng tạo và hiệu quả, xứng đáng được bình chọn xuất sắc nhất trong các năm 2016, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.
Anh Đàm Huy Hoàng – Trưởng nhóm CBO Family chia sẻ với chúng tôi: Tiền thân CBO Family là một nhóm tự lực hoạt động từ năm 2015 với nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ, giảm hại cho cộng đồng MSM nói riêng và LGBT nói chung – những người mà chưa được xã hội biết đến cũng như chưa được thừa nhận ở xã hội và đặc biệt ở gia đình và cơ sở y tế. Với nhiều hoạt động như: tổ chức game show, sự kiện (có sự kiện rất hot như cuộc thi Nam vương - Đại sứ truyền thông HIV/AIDS), tập huấn cho cán bộ y tế, truyền thông cho cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử…, CBO Family đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng MSM và xã hội. Đặc biệt, dưới sự tài trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS thành phần VUSTA thông qua ISMS và CDC, hoạt động chăm sóc KH, truyền thông, tư vấn, cung cấp vật phẩm giảm hại (BCS, CBT, chuyển gửi KH đến các dịch vụ PrEP, PEP, STI, ARV, OPC là hoạt động lâu dài và hiệu quả nhất của nhóm.
Cuộc thi Nam vương Thái Nguyên - Đại sứ truyền thông HIV |
Chúng tôi rất quan tâm đến một hoạt động mang tính “cứu sốc” cho KH của nhóm, trong đó có việc triển khai mô hình phòng khám thân thiện - một phòng khám PrEP tại bệnh viện đa khoa An Phú, mà có bạn Thao là trưởng nhóm CBO Smile tham gia. Mục tiêu chính của mô hình này là việc CBO hỗ trợ cơ sở y tế bằng các hoạt động cập nhật kiến thức cho nhân viên y tế về cộng đồng đích, truyền thông cho khách hàng, khảo sát nhu cầu khách hàng, tổ chức gặp mặt giữa các nhân viên y tế và các TCV để cùng hiểu và chia sẻ với nhau trong công việc tiếp cận khách hàng, thực hiện các mục tiêu của Dự án đặt ra.
Ngoài ra, CBO Family còn giúp duy trì và hỗ trợ kỹ thuật cho fanpage của cơ sở y tế, tổ chức họp giao ban giữa cơ sở y tế với các CBO trên địa bàn…
Với những hoạt động này, quan hệ giữa nhân viên y tế và các khách hàng đã không còn sự cách biệt, xa lánh mà đầy ắp sự thân thiện và cảm thông.
Đúng như tên gọi của mình, nhóm CBO Family đã thực sự là một ngôi nhà chung thân thiện của cộng đồng LGBT nói chung và MSM nói riêng ở Thái Nguyên, để họ chia sẻ với nhau về giới, giúp nhau có cuộc sống hạnh phúc, đem lại một góc nhìn mới của xã hội đối với cộng đồng mình. Và một điều quan trọng nhất, từ khi tham gia Dự án VUSTA - Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, các bạn đã tạo cho mình một tâm thế sống tốt hơn, lạc quan và tự tin hơn, khẳng định được vai trò vị trí của mình trong xã hội.
Đoàn Dự án VUSTA-Quỹ Toàn cầu cùng với CDC Thái Nguyên và nhóm CBO Family tại Văn phòng nhóm. |