Chất lượng môi trường không khí thành phố Hồ Chí Minh sức khỏe cộng đồng
1 - Chất lượng không khí Thành phố Hồ Chí Minh
Đối với phát thải bụi mịn PM2.5, kết quả kiểm kê từ nghiên cứu của PGS. TS. Hồ Quốc Bằng và cộng sự (2017) cho thấy nguồn đường (giao thông) đóng góp 45%, nguồn công nghiệp đóng góp 32%, và nguồn dân sinh đóng góp 23%; Kết quả kiểm kê của GS. TS. Nguyễn Thị Kim Oanh và cộng sự cho thấy các nguồn thải chủ yếu là giao thông đường bộ (58,2%), hoạt động công nghiệp (22,8%), đun nấu dân sinh và thương mại (12,8%) (chưa kể bụi đường và môt số nguồn khác); Gần đây nhất, kết quả nghiên cứu từ Dự án ADB TA 9608 cho thấy giao thông đường bộ phát sinh khoảng 63% tổng lượng phát thải PM2.5 tại TP HCM.
Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM từ năm 2020 đến nay cho thấy nồng độ PM2.5 tại các vị trí giao thông có giá trị trung bình cao hơn các khu vực khác, kế đến là các vị trí ảnh hưởng bởi hoạt động công nghiệp. Theo kết quả quan trắc 06 tháng đầu năm 2024, nếu so sánh với QCVN (QCVN 05:2023/BTNMT, nồng độ bụi PM2.5 trung bình 24 giờ: 50 μg/Nm3), chỉ có các vị trí ảnh hưởng bởi giao thông vượt ngưỡng giá trị tối đa cho phép trung bình 24 giờ và số mẫu vượt chuẩn tương đối thấp (5,9%), các vị trí quan trắc khác đều đạt. Tuy nhiên, kết quả quan trắc từ 2020 cũng cho thấy nồng độ PM2.5 trung bình năm vượt QCVN tại phần lớn các vị trí quan trắc giao thông (QCVN 05:2023/BTNMT, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm: 25 μg/Nm3), nồng độ bụi TSP trung bình năm của tất cả các vị trí giao thông đều vượt QCVN (QCVN 05:2023/BTNMT, nồng độ bụi TSP trung bình năm: 100 μg/Nm3); nếu so sánh với khuyến nghị của WHO thì nồng độ trung bình năm PM2.5 tại tất cả các vị trí giao thông đều vượt mức giới hạn trung bình năm (5 μg/Nm3) nhiều lần. Đồng thời, cũng có thể thấy có thể thấy nồng độ bụi TSP có xu hướng giảm trong khi đó nồng độ PM2.5 có xu hướng tăng qua các năm.
Nồng độ Bụi TSP trung bình năm tại các vị trí quan trắc ảnh hưởng do hoạt động giao thông vận tải giai đoạn 2020 - 5 tháng đầu năm 2024 |
Kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy:
- Nồng độ PM2.5 trung bình 24 giờ tại các vị trí ảnh hưởng bởi giao thông có giá trị trung bình dao động trong khoảng 21,6 – 47,4 μg/Nm3; 5,9% số liệu quan trắc không đạt QCVN với mức vượt dao động từ 8,3% - 41,7 %.
- Nồng độ PM2.5 trung bình 24 giờ tại các vị trí ảnh hưởng bởi công nghiệp có giá trị trung bình dao động trong khoảng 30,0 – 36,4 μg/Nm3; 100% số liệu quan trắc đạt QCVN; So với cùng kỳ năm 2023, nồng độ trung bình của PM2.5 tăng tại tất cả các vị trí với mức tăng từ 1,14 – 1,61 lần.
Nồng độ PM2.5 trung bình 24 giờ tại vị trí quan trắc chất lượng không khí nền 6 tháng đầu năm 2024 |
Nồng độ PM2.5 trung bình 24 giờ tại các vị trí ảnh hưởng bởi hoạt động dân sinh 6 tháng đầu năm 2024 |
Nồng độ PM2.5 trung bình 24 giờ tại các vị trí ảnh hưởng bởi công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 |
Nồng độ PM2.5 trung bình 24 giờ tại các vị trí ảnh hưởng bởi dân cư có giá trị trung bình dao động trong khoảng 23,0 – 31,3 μg/Nm3; 100% số liệu quan trắc đạt QCVN.
- Nồng độ PM2.5 tại các vị trí nền có giá trị trung bình dao động trong khoảng 12,1 – 22,1 μg/Nm3; 100% số liệu quan trắc đạt QCVN; So với cùng kỳ năm 2023, nồng độ trung bình PM2.5 tăng nhẹ 1,05 lần tại vị trí Cần Giờ và giảm 1,08 lần tại vị trí Quận 9.
Tuy nhiên, hiện nay công tác quan trắc do Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP HCM được thực hiện thủ công, không liên tục, do đó kết quả quan trắc sẽ không phản ánh đầy đủ diễn biến chất lượng không khí, không thể hiện được đặc điểm biến thiên liên tục của nồng độ PM2.5 theo thời gian.
Biến thiên nồng độ bụi PM2.5 tháng 10 – 12/2020 tại vị trí quan trắc tại Lãnh sứ quán Mỹ (Lý Bích Thủy và cộng sự, 2024) |
Tham khảo kết quả biến thiên nồng độ PM2.5 trung bình năm đo bằng thiết bị tự động liên tục sử dụng công nghệ Beta attenuation monitor (BAM) từ 2016 đến nay (tháng 9/2023) tại Lãnh sứ quán Mỹ cho thấy có sự biến thiên rõ nét giữa các thời điểm trong ngày và theo thời gian (mùa) trong năm (liên quan đến mật độ giao thông và các yếu tố khí tượng). Mức độ ô nhiễm vào mùa khô cao hơn mùa mưa, nồng độ PM2.5 trong không khí có xu hướng đạt mức cao nhất trong khoảng thời gian cuối và đầu năm.
Kết quả từ Dự án ADB-TA9608 (Phương pháp tiếp cận tổng thể để định lượng các tác động sức khỏe là “phương pháp tiếp cận lộ trình tác động” hay IPA (ExternE, 1995)) thấy với chất lượng không khí như hiện nay tại TP HCM ước tính dẫn đến khoảng 9.135 ca tử vong liên quan đến PM2.5 và khoảng 5365 ca tử vong do NOx; tiếp xúc với ô nhiễm không khí được ước tính dẫn đến một loạt các kết quả bất lợi khác cho sức khỏe.
2 - Một vài khuyến nghị
Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng không khí hiện nay có ảnh hưởng quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng TP HCM cũng như những thiệt hại về kinh tế liên quan.
Do đó, TP HCM cần kịp thời tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả để cải thiện tình trạng này, bao gồm cả chính sách quản lý, các giải pháp về quy hoạch, kỹ thuật và truyền thông với sự tham gia của toàn xã hội, không chỉ tập trung lĩnh vực giao thông và mà tất cả các ngành, các lĩnh vực liên quan.
Thứ nhất, đồng bộ triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí, trong đó tập trung giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 đáp ứng QCVN và hướng tới đạt nồng độ theo khuyến nghị của WHO.
-Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm không khí đối với từng ngành (giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dân sinh).
-Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí đối với các cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải, các công trình xây dựng, đốt chất thải,…;
-Từng bước triển khai nghiên cứu thí điểm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các chính sách có liên quan; Tính toán phương thức điều phối giao thông phù hợp để giảm ùn tắc, hạn chế phát sinh khí thải;
-Nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không khí;
-Bồi dưỡng nguồn nhân lực về quản lý chất lượng môi trường không khí; tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế phát sinh khí thải, bảo vệ môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe trong điều kiện không khí bị ô nhiễm;
-Phát triển công viên và cây xanh công cộng, tăng cường mảng xanh tại các khu dân cư, cơ quan, trường học, hộ gia đình trên địa bàn Thành phố;
-Ưu tiên nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho hoạt động quản lý chất lượng môi trường không khí; Tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí.
Thứ hai, song song với các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí, cần tập trung triển khai công tác dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí và các biện pháp dự phòng và bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, đặc biệt đối với các nhóm người lao động phải thường xuyên làm việc ngoài trời, tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm và nhóm người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi).
Thứ ba, TP HCM cần kiến nghị các Bộ ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với khuyến nghị của WHO về giới hạn tối đa cho phép của các chất ô nhiễm trong không khí nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các thiệt hại về kinh tế liên quan.