Cháy rừng ở California, Mỹ thiêu đốt kỷ lục 4 triệu mẫu đất đai
Cháy rừng thiêu rụi nhà cửa xe cộ ở hạt Napa, California trong ảnh chụp ngày 20/8/2020. Ảnh: AP
Đó là một con số chưa từng có tiền lệ, một diện tích lớn hơn cả bang Connecticut (Mỹ), và cao hơn gấp đôi so với kỷ lục trước đó về diện tích đất bị cháy rừng thiêu đốt trong một năm ở California.
“Con số 4 triệu là không thể tin được, nó khiến ta chết lặng”, Scott McLean, phát ngôn viên của Cục Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (Cal Fire), cho biết. "Và con số đó sẽ tăng lên”, ông McLean nói.
Cho đến lúc này, trong mùa cháy rừng lịch sử năm 2020, hơn 8.200 đám cháy rừng ở California đã khiến 31 người thiệt mạng và thiêu rụi “trên 4 triệu mẫu Anh” (hơn 1,61 triệu hecta) đất đai ở California – theo số liệu Cal Fire công bố ngày 4/10. Các đám cháy cũng phá hủy hơn 8.400 tòa nhà.
Con số kinh hoàng này thậm chí lớn hơn gấp đôi so với kỷ lục năm 2018 là 1,67 triệu mẫu Anh bị đốt cháy (khoảng 676.000 hecta) ở California. Cho đến nay, tất cả các năm cháy lớn kể từ khi Cal Fire bắt đầu ghi lại dữ liệu vào năm 1933 vẫn ở dưới mức 4 triệu.
“Năm nay còn lâu mới kết thúc và khả năng cháy vẫn còn cao. Xin hãy thận trọng khi ở ngoài trời ”, Call Fire cảnh báo.
Cảnh tượng cháy rừng rực ngọn đồi phía sau cầu Bidwell Bar ở Oroville, California trong ảnh chụp ngày 9/9/2020. Ảnh: AP
Mức độ khủng khiếp của các đám cháy đồng nghĩa những người dân sống trong khu vực cũng phải trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có, khi chất lượng không khí tệ nhất trong lịch sử và khói dày đặc đến mức làm mờ mịt bầu trời khắp California và vào một số ngày còn che khuất cả Mặt trời.
Tháng trước, một đợt nắng nóng không ngừng ập đến bang đã tiếp lửa cho các đám cháy và gây ra ô nhiễm không khí đến mức ngấm vào trong nhà, khiến các cửa hàng trên khắp California đều “cháy” máy lọc không khí.
Nhiều nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan giữa các vụ cháy rừng lớn ở Mỹ với tình trạng biến đổi khí hậu do đốt than, dầu và khí đốt. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã làm cho California khô hơn nhiều, đồng nghĩa với việc cây cối và các loại thực vật khác dễ cháy hơn.
Mike Flannigan, lãnh đạo chương trình Đối tác Phương Tây về Khoa học Phòng cháy chữa cháy Wildland tại Đại học Alberta, Canada, cho biết tình trạng cháy rừng leo thang ở California và miền Tây Mỹ “phần lớn là do biến đổi khí hậu do con người gây ra”.
Khói đen bốc lên từ Healdsburg, California vào tháng 8/2020. Ảnh: AP
Tuy vậy, bất chấp cột mốc tồi tệ vào ngày 4/10, đã có những dấu hiệu lạc quan.
Những cơn gió mạnh được dự báo có thể thổi bùng ngọn lửa trong những ngày gần đây đã không xảy đến và cảnh báo về hỏa hoạn cực kỳ nguy hiểm đối với hiện tượng thời tiết nóng, khô và gió giật đã hết hiệu lực vào sáng 3/10. Bầu trời quang đãng hơn ở một số khu vực cho phép các máy bay thả chất hãm cháy sau những ngày phải dừng hoạt động vì khói quá dày vài ngày trước đó.
Ông Mclean cho biết: “Ở một số khu vực nhất định, chúng tôi có thể đưa được khá nhiều máy bay vào. Vì vậy, chúng tôi thực sự dập cháy rất mạnh, trong khi một vài khu vực khác thì rất khó khăn với máy bay”.
Các dự báo thời tiết cũng cho thấy khả năng có mưa vào đầu tuần.
Các quan chức cứu hỏa Calìfornia cho biết “Đám cháy thuỷ tinh” (Glass Fire) ở xứ rượu vang trong tuần qua là ưu tiên hàng đầu của họ. Gió dịu vào cuối tuần là tin vui với lực lượng cứu hỏa đang chiến đấu với đám cháy khổng lồ, và hiện đã được kiểm soát 17%.
Tom Bird, nhà khí tượng học của Cal Fire, cho biết tại một cuộc họp báo hôm 4/10 về “Đám cháy Thủy tinh”: “Chúng tôi đang thấy thời tiết có lợi hơn, nhưng sẽ phải mất 3-4 ngày nữa mới thực sự tạo nên sự khác biệt”.
“Đám cháy Thủy tinh” bắt đầu vào ngày 4/10, khi ba đám cháy hợp nhất và lan vào các vườn nho và khu vực núi, bao gồm một phần của thành phố Santa Rosa. Hơn 30.000 người được lệnh sơ tán cùng ngày. Trên khắp tiểu bang, khoảng 17.000 lính cứu hỏa đã làm việc để chiến đấu với gần 20 điểm cháy lớn.
Hầu như tất cả thiệt hại về cháy ở California đã xảy ra kể từ giữa tháng 8, khi bùng phát 5 trong số 6 đám cháy lớn nhất trong lịch sử bang. Sét đánh gây ra một số đám cháy kinh hoàng nhất. Thảm hoạ lửa đã thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà và giết chết 31 người, tuy nhiên phần lớn cháy ở những vùng đất không có dân cư sinh sống.
"Đám cháy thuỷ tinh" ở St. Helena, California ngày 27/9/2020. Ảnh: AP
Nhiều đám cháy khốc liệt nhất bùng lên ở North California, nơi đồi núi rải rác nhiều cây chết khô cung cấp thêm nhiều nhiên liệu cho lửa bùng phát trong bối cảnh nhiệt độ cao và gió mạnh. Khói xám dày đặc từ các đám cháy đã làm ô nhiễm không khí ở nhiều cộng đồng trên đồi và các thành phố lớn trong Vùng Vịnh San Francisco và xa hơn nữa.
Nhà khoa học về hoả hoạn Flannigan ước tính diện tích đất bị đốt cháy do cháy rừng ở California đã tăng gấp 5 lần kể từ những năm 1970.
“Nhiệt độ thực sự quan trọng trong chữa cháy. Nhiệt độ là chìa khóa. Càng ấm thì mùa cháy càng kéo dài ”, ông Flannigan nói, “Đây là một năm chưa từng có tiền lệ và vấn đề là không có vaccine phòng chống cháy rừng. Chúng ta sẽ phải học cách sống chung với cháy rừng và khói bụi”.