Chỉ có 7 quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới WHO
Thu thập dữ liệu mới nhất từ hơn 30.000 trạm giám sát trên toàn thế giới, IQAir đã chỉ ra rằng chỉ có 7 quốc gia - Úc, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland, Mauritius và New Zealand - đang đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc tế trên tổng số 134 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 5%.
Tình trạng ô nhiễm khói bụi tại New Delhi. Ảnh: AFP/Getty Images |
Hiện nay, nhiều nơi có mức độ ô nhiễm bụi mịn đặc biệt nguy hiểm như Pakistan - với mức độ PM2.5 cao hơn 14 lần so với tiêu chuẩn. Tiếp theo là Ấn Độ, Tajikistan và Burkina Faso cũng đều là những quốc gia ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngoài ra, các đất nước phát triển và có nhiều thành công trong việc ngăn chặn ô nhiễm như Canada - được coi là quốc gia có không khí sạch nhất ở thế giới phương Tây - đã trở thành quốc gia ô nhiễm nặng nhất sau đám cháy rừng trên diện rộng. Hoặc tại Trung Quốc, mức độ PM2.5 tăng 6,5% nhưng việc cải thiện chất lượng không khí gặp khó khăn do sự phục hồi của hoạt động kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 7 triệu người trên thế giới mỗi năm - nhiều hơn cả AIDS và sốt rét cộng lại. Tình trạng này đặc biệt nặng nề ở các quốc gia đang phát triển, những nơi vẫn phải phụ thuộc vào nhiên liệu để sưởi ấm, chiếu sáng và nấu nướng.
"Khoa học đã thể hiện tác động rõ ràng về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ, nhưng chúng ta đã quá quen với mức độ ô nhiễm cao.” - Glory Dolphin Hammes - Giám đốc điều hành Khu vực Bắc Mỹ của IQAir chia sẻ. Ông Hammes cho biết các quốc gia nên hành động để khuyến khích người dân đi bộ nhiều hơn và ít phụ thuộc vào ô tô, cải thiện các biện pháp lâm nghiệp, nhanh chóng chuyển sang sử dụng những loại năng lượng sạch thay cho nhiên liệu. Điều này sẽ cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cư dân thành phố, từ đó làm giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường.
Aidan Farrow - nhà khoa học chất lượng không khí cấp cao tại Greenpeace Quốc tế - cho biết cần nghiêm túc hơn trong việc giám sát chất lượng không khí: "Trong năm 2023, ô nhiễm không khí vẫn là một thảm họa sức khỏe toàn cầu, các dữ liệu của IQAir nhấn mạnh về kết quả và sự cần thiết triển khai các giải pháp để có thể giải quyết vấn đề này".