Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu không thể đảo ngược của báo chí
Theo thống kê, tính đến hết năm 2021, cả nước đang có 816 cơ quan báo chí, mặc dù tăng về số lượng nhưng doanh thu lại liên tục đi xuống trong 2 năm trở lại đây. Cụ thể, số liệu từ 159 cơ quan báo chí in và điện tử cho thấy, nếu doanh thu 2020 đang ở mức 3.115 tỷ đồng thì bước sang 2021 con số này chỉ còn 2.123 tỷ đồng, giảm tới 31,4%.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do báo chí trong nước đang tỏ ra tụt hậu và kém cạnh tranh, ngay cả trong mảng cốt lõi của mình là “tin tức” so với các mô hình truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google … Vì vậy, chuyển đổi số được xem là hướng đi sống còn với báo chí nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời gian tới.
Nói về sự thay đổi mang tính bước ngoặt này, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm khẳng định, chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ và nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, báo chí cũng không thể nằm ngoài xu hướng này. Chỉ có chuyển mình theo hướng hiện đại thì báo chí trong nước mới có thể tiếp tục phát triển.
"Trong những năm gần đây, nguồn thu quảng cáo của báo chí tiếp tục dịch chuyển sang các nền tảng truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới. Không dừng lại ở đó, báo chí trong nước đang phải chịu thiệt hại khi chưa được các nền tảng trên chia sẻ thỏa đáng doanh thu từ khai thác thông tin mà mình sản xuất. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng này"- ông Trần Thanh Lâm chia sẻ.
Có thể hiểu rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh... nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí; tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới. Cũng giống như công cuộc chuyển đổi số ở tất cả ngành nghề khác, công cuộc chuyển đổi số ngành báo chí - truyền thông không đơn giản là đưa lên mạng Internet một cách thuần vật lý, mà phải thể hiện ở cả các hoạt động mang tính đồng bộ, cả chiều sâu lẫn bề rộng.
Chia sẻ về con đường chuyển đổi số, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm của nhiều cơ quan báo chí trên thế giới chỉ ra, để chuyển đổi số thành công cần sử dụng các công nghệ: Web, dịch vụ đám mây, mobile internet, big data, internet vạn vật… “Dù vậy, sở hữu các công nghệ mới là khởi đầu, tạo ra thay đổi và sự khác biệt mới là yếu tố quyết định”, ông Minh đúc kết.
Để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Không chỉ nằm ở việc tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn ở khâu hỗ trợ xây dựng hạ tầng, nền tảng công nghệ, phân tích xu hướng mạng xã hội, cảnh báo cùng khắc phục sự cố công nghệ thông tin…
Bên cạnh đó Nhà nước cũng có thể hỗ trợ bằng việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các mô hình liên kết giữa báo chí với các công ty công nghệ số, nhà mạng viễn thông, các doanh nghiệp quảng cáo, các nền tảng phân phối nội dung xuyên biên giới. Thúc đẩy các mô hình liên kết giữa báo chí với các chủ thể kinh tế khác, đa dạng hóa nguồn thu báo chí, khuyến khích phát triển và tăng cường sức mạnh cạnh tranh của ngành công nghiệp nội dung Việt Nam.
Về phía các tòa soạn, như mọi lĩnh vực khác, chuyển đổi số trong báo chí cần bắt đầu từ việc nhận thức, làm rõ vai trò và lợi ích của quá trình đổi mới nhằm tạo sự đồng bộ trong các cơ quan báo chí từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các phóng viên, biên tập viên. Trên cơ sở nắm rõ nội dung, người đứng đầu các tòa soạn hình thành kế hoạch chuyển đổi phù hợp với điều kiện, tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình.
Ngoài ra, để có nguồn nhân lực cho những tòa soạn chuyển đổi số, các cơ quan báo chí phải tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng phóng viên có khả năng nắm vững công nghệ tác nghiệp trên nền tảng số. Tất cả những điều kiện đó sẽ giúp các cơ quan báo chí tồn tại, có tính cạnh tranh, sáng tạo và phát triển phù hợp để không bị bỏ lại phía sau trong xu thế chung của toàn cầu.
SƠN LÂM