Cô đuổi học em đi!
Biết chắc cuộc gọi liên quan đến một cô cậu học sinh tinh nghịch nào đó mà mình đang dạy, tôi quyết tìm ra thủ phạm và đã nghĩ nếu bắt được em nào đó tôi sẽ phạt thật nặng cái tội vô lễ, khủng bố tinh thần thầy cô. Tôi đem chuyện ra lớp, tất nhiên chẳng em nào nhận mình có liên quan.
Những tin nhắn, những cuộc gọi khủng bố ngày càng nhiều. Nhưng lần này tôi không hỏi học trò nữa, thay vào đó thông báo cho các em biết: “Cô coi như mọi chuyện đã hết, cô không điều tra, không truy cứu nữa!”. Cả lớp ồ lên vì cô bất lực trước hành động vô lễ ấy. Cô bó tay rồi!
Tôi ngấm ngầm với một cuộc điều tra bí mật. Quyết phải đưa vụ này ra ánh sáng, tôi khoanh vùng những học sinh chưa ngoan thường bị mình nhắc nhở nhiều về nề nếp tác phong, kết quả học tập rồi tìm một số học trò thân thiết từ các khối lớp, hướng dẫn các em dò hỏi, điều tra chủ sở hữu số điện thoại kia bằng cách tiếp cận người thân, bạn bè của những học sinh đã được khoanh vùng.
Hơn một tháng sau, một học sinh đã bí mật trao cho tôi kết quả. Trong giờ sinh hoạt lớp, tôi bắt đầu bằng câu hỏi: “Em nào trong lớp mình liên quan đến những cuộc gọi khủng bố cô trong thời gian qua?”. Câu hỏi của tôi rơi vào im lặng trong chốc lát rồi dần dần những tiếng rì rầm nhưng không em nào nhận.
“Cô không gặp riêng hay giấu giếm gì nữa, đây là cơ hội cuối cùng để em tự nhận lỗi” - tôi dịu giọng. Có những tiếng xì xào: “Ai làm thì nhận đi, sao chơi ác vậy?”, “Chắc không phải lớp mình đâu cô”...
“Là một thành viên của lớp mình đấy!” - tôi nghiêm giọng, mắt như xoáy vào Minh. Em cúi đầu, cả lớp nhìn nhau dò hỏi.
“Minh! Em đứng lên cô hỏi nào! Từ trước đến nay cô đã làm gì có lỗi với em?” - tôi hỏi trong sự ngỡ ngàng của cả lớp.
- Không có.
- Vậy tại sao em nhờ bạn khủng bố cô bấy lâu?
- Làm gì có?!
- Bạn em tên là Thắng, đúng hơn là bạn của anh trai em.
Chỉ nghe đến cái tên ấy, em cúi đầu.
- Vì sao em làm thế?
- Ai bảo cô đến nhà báo ba mẹ em là em nghỉ học một tuần để đi chơi game!
Tôi há hốc miệng, không thể tin vào tai mình nữa. Em chưa ngoan, vi phạm quá nhiều, hết đánh nhau thì nói chuyện trong giờ học, hết nói chuyện thì bỏ giờ, nghỉ học để đi chơi game. Hồ sơ vi phạm của em cứ đều đều dày lên như thế.
- Giờ tội cũng đầy tội rồi, cô muốn phạt em, đuổi học em thì làm đi! - em nhìn tôi thách thức.
Tôi lặng người. Đuổi học em? Thêm chuyện nhờ bạn đe dọa thầy cô em đủ điều kiện ra hội đồng kỷ luật xét mức phạt dừng học một năm.
Cố gắng trấn tĩnh, tôi dịu giọng: “Cô không đuổi học hay phạt em gì hết, cô cố công tìm cho ra thủ phạm chỉ để muốn cho em và anh bạn kia biết một điều rằng đừng bao giờ làm điều gì khuất tất, sẽ không giấu mãi được đâu mà phải trả giá vì điều đó. Cô muốn em làm một người tốt. Nhưng nếu em và bạn em không dừng ngay chuyện này cô sẽ chuyển hồ sơ sang công an, hậu quả như thế nào em biết rồi đấy. Giờ thì cô đang rất buồn, cô xin lỗi cả lớp, chúng ta dừng tại đây”.
Không còn những cuộc gọi, những tin nhắn khủng bố, cũng không có lời xin lỗi, không một hình phạt, tôi nói với lớp cho em cơ hội cuối cùng. Em lầm lì ít nói hơn, chỉ cúi đầu mỗi lần chạm mặt tôi và rồi em tốt nghiệp ra trường...
Chiều nay, Tài - một bạn cùng lớp với em - về thăm tôi và khoe rằng lấy số điện thoại của tôi từ em. Tài nói: “Minh thuộc nằm lòng hai số điện thoại của cô, nó bảo cũng muốn về thăm cô nhưng sợ, còn ngại. Bây giờ nhìn nó hiền và chăm chỉ lắm cô ạ”.
Câu chuyện của tôi và Tài cứ xoay quanh em để tôi biết bây giờ em dù chưa thành đạt nhưng đã là một người tốt.
LÝ THỊ THỦY
“Nếu ngày xưa tôi không đủ bình tĩnh, cứ kỷ luật em, cứ theo tội mà góp phần đuổi học cậu học trò có cha nghiện rượu và người mẹ lam lũ thường xuyên phải chịu những trận đòn roi vô cớ của chồng, đang cố tình gây sự chú ý của thầy cô, muốn bị đuổi học để đi bụi đời thì hôm nay em sẽ như thế nào? Có thể em vẫn trở thành người tốt nhưng chắc chắn tôi chẳng thể thấy tâm mình bình yên khi nhớ về em như lúc này được”.
Theo Tuoitreonline