Cuốc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn cam go
Ít nhất 4 bác sĩ ở Trung Quốc đã qua đời vì căng sức chống dịch COVID-19. Mới đây nhất là nữ bác sĩ 51 tuổi qua đời vì kiệt sức sau 18 ngày liên tiếp chống dịch. Nữ bác sĩ Xu Hui (51 tuổi), phó Chủ nhiệm khoa y học Trung Quốc thuốc bệnh viện Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã qua đời ngày 7/2 vì kiệt sức sau hơn nửa tháng làm việc liên tiếp ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
Trước đó, GS.BS Lin Zhengbin (62 tuổi), một chuyên gia nổi tiếng về ghép thận tại Trung Quốc, đã qua đời ngày 10/2 sau khi nhiễm virus corona hay Covid-19. Bác sĩ Lin Zhengbin công tác tại Bệnh viện Tongji ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ông đã thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật ghép thận trong 30 năm gắn bó với nghề y. Theo các đồng nghiệp, vị bác sĩ quá cố là người hiền lành, điềm tĩnh và cống hiến thầm lặng.
Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đã qua đời ngày 7/2 vì nhiễm virus corona chủng mới và trở thành "người hùng" vì là một trong 8 người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về một dịch bệnh giống với SARS.
Ngày 3/2, bác sĩ Tống Anh Kiệt, ở trấn Đông Hồ, huyện Hành Sơn, Hồ Nam, Trung Quốc đã tử vong vì kiệt sức khi đang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình.
Nữ bác sĩ Xu Hui.
Tính đến ngày 13/2, Nhật Bản đã phát hiện 248 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 218 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu ngoài khơi thành phố Yokohama và 12 công dân Nhật Bản trở về từ Vũ Hán.
Bộ Y tế Nhật Bản ngày 13/2 cũng thông báo một phụ nữ Nhật Bản trong độ tuổi ngoài 80 được xác nhận dương tính với virus COVID-19 đã tử vong. Đây là ca tử vong đầu tiên ở Nhật Bản liên quan tới dịch bệnh này.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cho hay người phụ nữ này được xác nhận nhiễm virus COVID-19 sau khi đã tử vong. Ông Kato thêm rằng bà không có liên hệ gì với tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) - nơi khởi phát dịch bệnh và không liên quan đến tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách ly ngoài cảng Yokohama.
Như vậy đây là ca tử vong thứ ba vì dịch COVID-19 được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục. Trước đó là một ca ở Philippines hôm 2/2 và một ca ở đặc khu Hong Kong hôm 4/2.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này sẽ đưa ra các biện pháp khẩn cấp trị giá 15,4 tỷ yen (tương đương 140 triệu USD) để chống lại sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Trong diễn biến liên quan, thông báo của Bộ Y tế Singapore cho biết trong ngày 13/2, "Đảo quốc Sư tử" đã ghi nhận thêm 8 ca nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19), mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số người nhiễm lên con số 58. Tất cả các trường hợp nhiễm mới đều chưa từng tới Trung Quốc, song đều có liên quan tới các ca nhiễm trước đây. Đáng chú ý, trong các ca nhiễm mới có một nhân viên của ngân hàng DBS và một giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore. Điều này là dấy lên lo ngại rằng nguy cơ lây nhiễm sẽ còn lan rộng.
Tạp chí Hospital Infection (Mỹ) ngày 13/2 công bố kết quả nghiên cứu cho hay coronavirus mới, hiện được gọi chính thức là COVID-19, cũng giống như các loại virus khác trong họ của chúng, có thể tồn tại trên bề mặt vật thể trong một tuần hoặc hơn.
Phân tích 22 các công trình nghiên cứu khác nhau cho thấy, virus corona ở người, cũng như SARS, Hội chứng hô hấp Trung Đông coronavirus (MERS), hoặc virus corona đặc hữu ở người (HCoV), có thể sống được ở nhiệt độ phòng trên các bề mặt như kim loại, thủy tinh hoặc nhựa tới 9 ngày. Để dễ so sánh, virus sởi chỉ có thể sống hai giờ đồng hồ trên các vật thể bị ô nhiễm.
Các tác giả tin rằng 9 ngày là giới hạn tối đa, còn thì trung bình họ virus corona có thể sống từ bốn đến năm ngày trên các vật liệu khác nhau như nhôm, gỗ, giấy, nhựa và thủy tinh.
"Nhiệt độ thấp và độ ẩm cao làm tăng tuổi thọ của chúng lên nữa", - thông cáo báo chí dẫn lời tác giả đầu tiên của bài báo, bác sĩ Günter Kampf từ Đại học Greifswald.
Để giảm sự lây lan của virus corona, các tác giả đề xuất khử trùng triệt để các bề mặt bằng các giải pháp hiệu quả đối với SARS và MERS. Họ nghĩ rằng chất khử trùng cũng sẽ có tác dụng đối với COVID-19. Và, tất nhiên, biện pháp bắt buộc là rửa tay thường xuyên và lau chùi các vật mà người nhiễm bệnh có thể tiếp xúc.
Chuyên gia phân tích virus, ông Eike Steinmann của Đại học Ruhr ở Bochum cho biết: “Đã tiến hành phân tích các loại virus corona khác nhau và tất cả các kết quả thu được đều tương tự nhau”.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Công ty Dược phẩm Inovio (Mỹ), kể từ khi giới khoa học Trung Quốc công bố trình tự di truyền của chủng mới virus corona (Covid-19), các nhà nghiên cứu của công ty đã ngay lập tức nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống loại dịch bệnh này. Kết quả, họ đã cho ra một sản phẩm vaccine trong vòng 3 giờ. “Chúng tôi phát triển được một thuật toán và đưa trình tự ADN vào thuật toán đó. Kết quả cuối cùng là chúng tôi đã cho ra đời một loại vaccine trong khoảng thời gian ngắn”, ông Trevor Smith, Giám đốc nghiên cứu và phát triển tại Inovio cho hay.
Cũng theo ông Trevor Smith, phòng thí nghiệm của Inovio cũng chính là nơi đã tạo ra các loại vaccine cho virus Zika, virus gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Ebola. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở Trung Quốc và một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, các nhà khoa học tại Inovio nhấn mạnh, cần gấp rút đưa loại vaccine trên vào sử dụng.
Được biết, hiện loại vaccine đã được thử nghiệm trên chuột. Tiếp theo, nó sẽ được thử trên một nhóm bệnh nhân. Các nhà khoa học hy vọng vaccine sẽ hoạt động giống như một phần mềm sinh học. Nói cách khác, nó sẽ cung cấp các hướng dẫn cho cơ thể con người để tiến hành một cuộc tấn công thích hợp dưới dạng tế bào T và kháng thể chống lại Covid-19. Nếu mọi thứ thuận lợi, vaccine có thể đến tay công chúng vào đầu mùa hè 2020. Khi đó, đây sẽ là khung thời gian kỷ lục của Inovio trong việc tạo ra vaccine.
Linh Đức