Đại dịch Covid-19 vẫn chưa đạt đỉnh
(SK&MT) - Nếu như số lượng các trường hợp nhiễm Covid-19 mới được xác nhận trên toàn cầu trong tháng 5 là 500.000-600.000/ tuần, thì sang tháng 6, con số này đã tăng lên thành 700.000-800.000 ca. Tốc độ tăng trưởng các ca nhiễm bệnh mới trên toàn cầu đã ở mức 13% trong tuần thứ 3 liên tiếp, sau khi đã ghi nhận xu hướng giảm rõ ràng trong những tháng trước.
Top 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhất thế giới cũng đã có sự thay đổi.
Mỹ, đến nay vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 2,1 triệu trường hợp nhiễm bệnh. Trong 7 ngày qua, tốc độ tăng trưởng các ca bệnh mới ở nước này đứng ở mức 8,3%, tăng so với mức 7,6% của tuần trước.
Brazil đứng thứ 2, với gần 1 triệu trường hợp nhiễm bệnh và tăng 22% hàng tuần. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm ở nước này đã chậm lại so với tháng 5. Ở thời điểm đó, trong 1 số tuần, tốc độ lây nhiễm tại Brazil có khi đạt tới 50%.
Nga đứng thứ 3, với khoảng 568.000 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, nhưng tốc độ tăng trưởng các ca nhiễm mới đang tương đối chậm.
Ấn Độ, với hơn 380.000 trường hợp mắc Covid-19 được xác nhận, đứng thứ tư, tiếp theo là Anh với số người mắc bệnh là khoảng 300.000.
Theo số liệu của WHO ngày 19/6, số ca mắc Covid-19 lớn nhất cũng được báo cáo ở Tây Ban Nha (245.268), Peru (240.908), Italia (238.159), Chile (225.103) và Iran (197.647). Đức và Pháp, từng nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn thế giới, hiện xếp thứ 11 và 12./.
Với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay, mặc dù nhiều nước đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng trên quy mô toàn cầu, đại dịch vẫn chưa đạt đỉnh.
Nếu như trên thế gioái phải mất hơn 3 tháng để đạt một triệu người nhiễm covid-19 (ngày 3/4) thì trong hai tháng 4 và 5 con số này tăng thêm 5 triệu người và gần đây, chỉ trong 7 ngày đã tăng từ 7 triệu lên 8 triệu người và sẽ tăng lên 9 triệu người chỉ trong 6 ngày (từ 17 đến 22/6).
L.Đ