Đại dịch viêm COVID-19 là một "hồi chuông cảnh tỉnh" để thế giới gia tăng hợp tác đa phương về kinh tế cũng như y tế
Ông Guterres đưa ra ý kiến trên trong thông điệp bằng video gửi đến Diễn đàn các quốc gia nhỏ được tổ chức trực tuyến. Sự kiện do Singapore chủ trì với chủ đề “Hiến chương Liên hợp quốc nhân 75 năm ngày ra đời: Chủ nghĩa đa phương trong một thế giới tách rời” .
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Tổng Thư ký LHQ đánh giá: “COVID-19 đang phơi bày sự yếu ớt của thế giới. Mặc dù đạt được những tiến bộ lớn về khoa học và công nghệ trong những thập niên gần đây, một con virus siêu nhỏ đã khiến chúng ta ngã quỵ”. Ông cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 "không chỉ phơi bày sự yếu ớt ở hệ thống y tế mà còn ở tất cả các lĩnh vực và thể chế của thế giới."
Tổng Thư ký Guterres nêu rõ: “Sự yếu ớt trong việc phối hợp các nỗ lực toàn cầu thể hiện rõ qua sự ứng phó kém cỏi đối với cuộc khủng hoảng khí hậu. Sự yếu ớt của cơ chế giải trừ hạt nhân thể hiện qua nguy cơ phổ biến hạt nhân ngày càng tăng. Những hành vi liên tiếp vi phạm an ninh mạng phơi bày sự yếu kém của các giao thức Internet, trong khi chiến tranh mạng cũng đang diễn ra trong một môi trường quốc tế thiếu trật tự”.
Cho rằng phải xem COVID-19 là một "hồi chuông cảnh tỉnh," Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh: "Đã đến lúc phải chấm dứt sự ngạo mạn này. Chúng ta phải khiêm nhường hơn sau khi cảm nhận sâu sắc về sự bất lực".
Tổng Thư ký LHQ nêu rõ việc ứng phó với COVID-19 cũng như tất cả những thách thức toàn cầu hiện nay - từ biến đổi khí hậu đến khủng bố và giải trừ hạt nhân - đòi hỏi sự thống nhất và đoàn kết của thế giới. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác đa phương cũng có vai trò quan trọng giúp hỗ trợ phục hồi kinh tế trên toàn thế giới.
Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế "xóa bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, phân biệt chủng tộc, đồng thời chống lại những âm mưu làm suy yếu các thể chế đa phương".
Theo Báo cáo về Chỉ số Hòa bình toàn cầu năm 2020, do Viện Kinh tế và hòa bình công bố, nền hòa bình thế giới vốn đã trở nên mong manh do những bất ổn trên thế giới trong những năm qua một lần nữa bị đe dọa do sự bấp bênh về kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Báo cáo của viện trên cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 gây tác động tiêu cực tới hòa bình trên thế giới khi dịch bệnh đã làm gia tăng các cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến những bất ổn và xung đột hiện có thêm trầm trọng, đe dọa những thành quả phát triển kinh tế-xã hội trên thế giới trong nhiều năm qua.
Mặt khác, cũng theo Viện Kinh tế và hòa bình, hoạt động hỗ trợ nhân đạo quốc tế bị thu hẹp quy mô có nguy cơ dẫn tới những bất ổn tại những nước mà nền hòa bình đang hết sức mong manh như Liberia, Afghanistan và Nam Sudan.
Ngoài ra, báo cáo về Chỉ số Hòa bình toàn cầu năm 2020 cũng nhấn mạnh: “Các nước có mức xếp hạng tín dụng thấp như Brazil, Pakistan và Argentina cũng có thể gặp khó khăn trong vay và hoàn trả nợ công cũng như hỗ trợ nền kinh tế, điều này làm tăng nguy cơ bất ổn về chính trị, và bạo loạn trong nước”.
Đặc biệt, Viện Kinh tế và hòa bình cũng cảnh báo sự bất ổn có thể xuất hiện tại những nước đang có sự ổn định về kinh tế và chính trị, tuy nhiên, trước sức ép phải đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh, bất ổn chính trị có thể gia tăng tại châu Âu, với các cuộc bạo loạn và đình công.
Linh Đức