Đảm bảo môi trường an toàn lao động là nguyên tắc vàng
Thời gian gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người thương vong, mang đến nỗi đau tột cùng cho nhiều người lao động và gia đình họ.
Điển hình như vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh, làm 4 công nhân chết; vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương. Tiếp đó là vụ tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Gần đây nhất là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do nổ lò hơi tại Nhà máy gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khiến 6 người chết và nhiều người bị thương... Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, những cái chết thương tâm xảy ra trước và trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 khiến dư luận bàng hoàng, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Từ thực tiễn cho thấy, dù đã có nhiều bài học đắt giá trong việc phải tuân thủ cũng như tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động nhưng đến nay câu chuyện về đảm bảo an toàn lao động vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn, cơ quan chức năng nhận thấy nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn, lên tới 73%. Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài, không tuân thủ quy trình, quy định, chủ quan, thiếu trách nhiệm.
An toàn động không chỉ là khẩu hiệu treo tại các doanh nghiệp, công trường, mà trở thành nguyên tắc vàng, là yêu cầu bắt buộc trong quá trình lao động, |
Ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, từ những nhà máy, xí nghiệp lớn đến những xưởng sản xuất nhỏ lẻ, nếu có "khoảng trống" về ý thức, trách nhiệm, chủ quan, lơ là...
Chúng ta có thể giảm tai nạn lao động khi ý thức được đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác thanh, kiểm tra. Phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm thì mới đủ sức "cảnh tỉnh" để tránh những nỗi đau khôn nguôi do tai nạn lao động.
Không ai dám chắc rằng sẽ có những giải pháp 100% không để xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng ý thức cảnh giác đối với công tác an toàn lao động là vấn đề rất quan trọng, càng cẩn thận bao nhiêu thì tai nạn càng ít bấy nhiêu. Khi tai nạn lao động giảm xuống mức thấp nhất thì có nghĩa là chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao.
Để dòng chữ "An toàn là trên hết" không chỉ là khẩu hiệu treo tại các doanh nghiệp, công trường, mà trở thành nguyên tắc vàng, là yêu cầu bắt buộc trong quá trình lao động, đòi hỏi phải có sự vào cuộc và hưởng ứng tích cực từ nhiều phía. Trong đó, các ngành cần chủ động và phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo nên ý thức trách nhiệm và hiểu biết về an toàn lao động trong toàn xã hội.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các doanh nghiệp. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ các đơn vị kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc… Ngành chức năng cần nắm bắt, nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị, tập trung vào một số nội dung, như thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; quan tâm công tác quản lý, kỹ thuật an toàn; chú trọng phòng ngừa tai nạn, đình chỉ, xử lý các hoạt động sản xuất kinh doanh trái phép… Từ đó mới có thể bảo đảm được tính mạng và tài sản, hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động, giảm thiệt hại cho người lao động và doanh nghiệp.