Đấu giá quyền KTKS tại Thanh Hóa: Công khai, minh bạch và có lợi ích kinh tế
Khai thác khoáng sản (KTKS) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp và đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Trong những năm qua, phương thức đấu giá đã trở thành công cụ phổ biến để cấp phép KTKS ở nhiều địa phương của cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Việc đấu giá quyền KTKS được ví như “kim chỉ nam” tạo ra sự công bằng, minh bạch trong việc phân phối quyền khai thác, giúp tối ưu hóa lợi ích kinh tế từ tài nguyên khoáng sản.
Công tác đấu giá quyền KTKS tại Thanh Hóa theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc minh bạch, công khai, công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư |
Đảm bảo công khai, minh bạch
Tại tỉnh Thanh Hóa đã có các quy hoạch khoáng sản tại Quyết định số 2324/QĐ-UBND ngày 03/7/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Quyết định số 572/QĐ-UBND ngày 23/02/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...
Để tiến hành đấu giá quyền KTKS theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc minh bạch, công khai, công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư, công tác tổ chức đấu giá quyền KTKS được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền KTKS và các quy định của pháp luật có liên quan.
Sau khi UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá, Phương án đấu giá quyền KTKS; UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) thông báo, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá theo quy định. Tiếp đó, Sở TN&MT chuẩn bị hồ sơ đề nghị tham giá đấu giá (quy định tại Điều 15 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ), chuyển cho tổ chức đấu giá tài sản (quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 38 Luật đấu giá tài sản). Kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản chuyển hồ sở đấu giá để Sở TN&MT thẩm định, trình UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá.
Đến giai đoạn UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, Sở TN&MT sẽ có công văn hướng dẫn tổ chức trúng đấu giá lập hồ sơ cấp phép thăm dò, hoặc KTKS theo quy định. Việc cấp Giấy phép KTKS được thực hiện ngay sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá nộp đủ số tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước.
Dựa trên công tác quản lý và giám sát chặt chẽ, việc đấu giá quyền KTKS phải đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020.
Hàng trăm tỉ đồng đã nộp vào ngân sách nhà nước nhờ đánh thức tiềm năng KTKS |
Đem lại lợi ích kinh tế
Theo thống kê của Sở TN&MT, từ năm 2023 đến tháng 7/2024 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đấu giá thành công 71 mỏ khoáng sản, trong đó: 37 mỏ đá làm VLXD thông thường với trữ lượng và tài nguyên dự báo 91.443.470 m3; 28 mỏ đất san lấp với trữ lượng và tài nguyên dự báo 49.971.412 m3; 03 mỏ cát làm VLXD với tài nguyên dự báo 2.150.000 m3; 01 mỏ đá cát kết làm gạch men với tài nguyên dự báo 2.510.000 m3; 01 đất sét làm gạch tuynel với với trữ lượng 1.947.664 m3; 01 mỏ than với trữ lượng 144.680 tấn.
Đến thời điểm hiện tại, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh cấp 06 Giấy phép khai thác khoáng sản; đồng thời đang hướng dẫn, thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác của các doanh nghiệp trúng đấu giá. Sở TN&MT cũng nhận định, từ tháng 7/2017 đến hết tháng 12/2023, có 03 mỏ khoáng sản có giá trị trúng đấu giá tăng đột biến, bất thường (mỏ cát tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước; mỏ cát tại xã Mường Lý và xã Trung Lý, huyện Mường Lát và mỏ đất san lấp tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn).
Nhờ việc khơi dậy được tiềm năng KTKS, năm 2023 các tổ chức, cá nhân KTKS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nộp ngân sách nhà nước 509,9 tỷ đồng, cụ thể: Tiền cấp quyền khai thác 151,1 tỷ đồng; thuế tài nguyên 215 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 11,1 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 119,7 tỷ đồng; ký quỹ môi trường 13 tỷ đồng.
Riêng các cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản trên địa bàn Thanh Hóa đã thực hiện chế biến, xuất khẩu các loại khoáng sản với khối lượng 2,14 triệu tấn đá vôi, 62.105 tấn đá xây dựng, 4,1 triệu tấn xi măng, 400.709 tấn clinke, 6.407 tấn bột đá trắng…nộp thuế xuất khẩu 190,697 tỷ đồng.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm triển khai các giải pháp hữu hiệu để “vá” kẽ hở trong đấu giá quyền KTKS |
Sớm “vá” kẽ hở pháp lý
Trải qua quá trình tiến hành đấu giá quyền KTKS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn tình trạng các mỏ khoáng sản nêu trên được đấu giá ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản (đấu giá R), các doanh nghiệp còn bối rối trong việc trả giá. Nguyên nhận xuất phát từ các quy định của pháp luật trong đấu giá quyền KTKS chưa quy định chặt chẽ như không quy định giá tối đa được trả để phù hợp với giá tính thuế tài nguyên tại địa phương.
Ngoài ra, các quy định của pháp luật hiện hành chưa quy định về việc không công nhận kết quả trúng đấu giá quyền KTKS đối với doanh nghiệp trả giá cao bất thường; trường hợp không công nhận kết quả trúng đấu giá, chưa có chế tài xử lý tiền đặt trước của doanh nghiệp trúng đấu giá.
Doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá quyền KTKS còn chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật, dẫn tới việc xử lý theo thẩm quyền đối với những trường hợp vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền KTKS, các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường (nếu có) còn hạn chế.
Một số doanh nghiệp trúng đấu giá quyền KTKS cho biết, đối với những khu vực mà doanh nghiệp trúng đấu giá mà chưa thực hiện thăm dò khoáng sản, khi doanh nghiệp tiến hành thăm dò, song trữ lượng không đảm bảo để lập dự án đầu tư khai thác có hiệu quả. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp không thực hiện dự án KTKS, việc xử lý tiền đặt trước chưa được quy định cụ thể, tháo gỡ thấu đáo.
Ở một góc độ khác, các quy định về việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá, công khai về khách hàng tham gia đấu giá, thời gian đánh giá hồ sơ giữa Luật Đấu giá tài sản, Luật Khoáng sản, Nghị định số 22/102/NĐCP ngày 26/03/2012 của Chính phủ có nhiều bất cập, không đồng nhất.
Theo Sở TN&MT, thời gian tới Sở sẽ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 22/102/NĐCP ngày 26/03/2012 của Chính phủ về các nội dung: Quy định về việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá, công khai về khách hàng tham gia đấu giá, thời gian đánh giá hồ sơ để đồng bộ với Luật Đấu giá tài sản. Có ý kiến hướng dẫn cụ thể cách thức xác định mức thu tiền cấp quyền KTKS trúng đấu giá đối với khoáng sản đi kèm theo tỷ lệ tăng tương đương đối với loại khoáng sản đưa ra đấu giá.
Đồng thời, quy định về tính không hợp lệ đối với phiếu trả giá cao bất thường (lớn hơn 50% giá tính thuế tài nguyên). Hướng dẫn cụ thể trường hợp việc xử lý tiền đặt trước trong đấu giá ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, sau khi trúng đấu giá doanh nghiệp trúng đấu giá thực hiện công tác thăm dò, song trữ lượng không đảm bảo để lập dự án đầu tư khai thác có hiệu quả, doanh nghiệp không thực hiện dự án.