Đề xuất tăng học phí tất cả cấp học
Bộ GDĐT cho biết,Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (Nghị định số 86) sẽ hết hiệu lực từ năm học 2021-2022. Do vậy, việc ban hành Nghị định mới quy định về chính sách học phí, giá dịch vụ giáo dục đào tạo để áp dụng từ năm học 2021-2022 thay thế Nghị định số 86 là rất cần thiết và cấp bách hiện nay.
Đề xuất tăng học phí mầm non, phổ thông 7,5%/năm
Dự thảo cũng nêu đề xuất khung học phí của năm học 2021-2022: Căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm thì tổng cộng biến động của các chỉ số trên sẽ cao hơn 7,5%. Tuy nhiên để bảo đảm an sinh xã hội và chia sẻ với gia đình người học, Bộ GDĐT đề xuất chỉ tăng 7,5%/năm với học phí mầm non, phổ thông. Với lộ trình này thì đến năm học 2025-2026 bù đắp được 50% chi phí đào tạo, đến năm 2030 học phí sẽ bù đắp đủ chi phí đào tạo (đối với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên).
Khung học phí năm học 2021-2022 cụ thể như sau:
(i) Đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước:
Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng
(ii) Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước: Tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tại mục (i).
(iii) Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng trong nước: Tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tại mục (i)
Bộ GDĐT cho biết lý do đề xuất là: Căn cứ thực trạng khảo sát về chi phí giáo dục giai đoạn 2016-2019 và mức độ kiểm định chất lượng tại hơn 300 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên 20 tỉnh/thành phố và nghiên cứu của chuyên gia cho thấy để hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ vào năm 2025 thì mức học phí của nhóm tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư tăng tối thiểu 2,5 lần khung học phí của các trường chưa tự chủ chi thường xuyên. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh trường hợp thu học phí cao nhưng chất lượng thấp nên Bộ GDĐT đề xuất các cơ sở giáo dục phải thực hiện lộ trình đạt kiểm định tương ứng với lộ trình tăng học phí theo quy định nêu trên.
Theo Bộ GDĐT, việc tăng học phí đối với bậc mầm non - tiểu học, là cấp học đang được nhà nước hỗ trợ học phí, do vậy, sẽ tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp học này, mà người thụ hưởng trực tiếp là người học. Nói cách khác, các bé đi học mẫu giáo, tiều học sẽ được hưởng một chất lượng giáo dục tốt hơn, vì đã được nhà nước đầu tư tốt hơn, thông qua chi ngân sách nhà nước cấp tỉnh/thành phố.
Đối với các cấp học phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, mức tăng học phí trung bình 7,5% tính từ năm học 2021-2022 cũng là mức tăng tương ứng với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến giai đoạn 2021-2030 theo Dự báo của Trung tâm thông tin và Dự báo, Tổng cục thống kê. Việc tăng học phí giúp các cơ sở giáo dục có thể có thêm nguồn kinh phí đầu tư thêm vào các hoạt động hỗ trợ người học như định hướng nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp… cho học sinh ở cấp học này.
Đề xuất tăng 12,5% học phí đại học
Tương tự với cấp mầm non và phổ thông, theo kết quả nghiên cứu, khảo sát chi phí đào tạo của 07 trường đại học công lập trên cả nước của Nhóm chuyên gia ĐHQGHN, mức tăng học phí 12,5%/năm sẽ bảo đảm lộ trình tính đủ chi phí đào tạo vào năm 2025. Cụ thể như sau:
(i) Trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH trong nước:
Đơn vị: nghìn đồng/sinh viên/tháng
Nhóm ngành | Mức học phí (NĐ 86) để so sánh | Cơ sở GDĐH chưa tự bảo đảm thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH trong nước | ||||
Năm học 2020-2021 | Năm học 2021-2022 | Năm học 2022-2023 | Năm học 2023-2024 | Năm học 2024-2025 | Năm học 2025-2026 | |
Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên | 980 | 1.250 | 1.410 | 1.590 | 1.790 | 2.020 |
Khối ngành II: Nghệ thuật | 980 | 1.200 | 1.350 | 1.520 | 1.710 | 1.930 |
Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật | 1.170 | 1.250 | 1.410 | 1.590 | 1.790 | 2.020 |
Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên | 1.170 | 1.350 | 1.520 | 1.710 | 1.930 | 2.180 |
Khối ngành V: Toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao. | 1.170 | 1.450 | 1.640 | 1.850 | 2.090 | 2.360 |
Khối ngành VI.1: Sức khỏe | 1.430 | 1.850 | 2.090 | 2.360 | 2.660 | 3.000 |
Khối ngành VI.2: Y dược | 1.859 | 2.450 | 2.760 | 3.110 | 3.500 | 3.940 |
Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, dịch | 980 | 1.200 | 1.500 | 1.690 | 1.910 | 2.150 |
(ii) Học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH trong nước: tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tại mục (i) tương ứng với từng ngành và từng năm học.
(iii) Học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH trong nước: Tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tại mục (i) tương ứng với từng ngành và từng năm học.
Theo Bộ GDĐT, đối với hệ đào tạo đại học, mức tăng học phí trung bình là 12,5%, hướng tới tính đúng tính đủ chi phí đào tạo đại học đến năm 2025. Việc tăng học phí này sẽ ảnh hưởng nhất định đến người học, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, trong Nghị định cũng qui định những điều khoản hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí cho các đối tượng ưu tiên, nhằm đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục.
THU QUỲNH