Tĩnh là trí tuệ
Chữ "TĨNH" của thư pháp gia Phó Đức An
“Tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức” đấy là câu nói của người xưa. Tài sản quý giá nhất của cuộc đời là sự tĩnh lặng. Người càng yên tĩnh càng có sức mạnh, trái tim càng yên tĩnh thì càng có phúc khí. Tĩnh là một loại trí tuệ, một loại cảnh giới.
Làm người tâm tĩnh thần minh, nhân sinh chi lộ (Đường đời) mới càng đi càng xa. Chỉ khi bạn tĩnh, tinh thần của bạn mới có thể tiến xa hơn trong cuộc sống.
Người xưa có câu: “Thuỷ thanh cực tắc hình tượng minh, tâm tĩnh cực tắc trí tuệ sinh”, nghĩa là “Nếu nước cực kỳ trong, hình ảnh sẽ rõ ràng, và nếu tâm cực kỳ tĩnh lặng, trí tuệ sẽ khởi sinh”. Sau khi mặt nước phẳng lặng, thế gian vạn vật sẽ dần hiện ra. Sau khi nội tâm tĩnh lặng, bạn sẽ có trí tuệ để phân biệt đúng sai và nhìn thấu mọi việc.
Khổng Tử, nhân vật tiêu biểu của Nho giáo Trung Quốc, đã đạt được trí tuệ vĩ đại sau nhiều thập kỷ tĩnh tu thiền định. Lời dạy của Khổng Tử về sự tĩnh lặng có thể tạo ra trí tuệ không phải là việc ngồi thiền mà là việc duy trì sự bình yên nội tâm ngay cả trong những lúc thân lâm loạn thế. Cho đến ngày nay, trí tuệ của ông vẫn lan tỏa sâu rộng và có ảnh hưởng đến hàng triệu thế hệ tương lai.
Người xưa nói: “Định năng sinh tĩnh, tĩnh năng sinh tuệ, tuệ sinh vạn vật”. Tâm vững có thể sinh ra tĩnh lặng, tĩnh lặng có thể sinh ra trí tuệ, trí tuệ có thể sinh ra vạn vật. Chỉ khi quyết tâm vững vàng, bạn mới có thể tĩnh tâm và đạt được trí tuệ.
Có một khu vực miền núi, trước khi băng tuyết tan, nhiều con hươu sừng dài sẽ bước lên lớp băng dày để tìm thức ăn ở bên kia sông, nhưng sẽ luôn có một đàn hươu sừng dài sẽ bỏ lỡ cơ hội này. Khi nhìn thấy mặt sông gần như tan băng, chúng giận dữ húc đầu vào cây cối, tảng đá, cuối cùng chết thảm hại.
Tuy nhiên, những con linh dương hoang dã cũng bỏ lỡ thời gian đã có thể vượt sông một cách thuận lợi. Phương pháp của chúng là lặng lẽ ngày đêm chờ đợi bên bờ sông, cuối cùng dựa vào lượng băng tan còn lại không ngừng trôi đến để lên bờ.
Trong cuộc sống này, con người cũng vậy, khi gặp khó khăn, bối rối sẽ dễ phạm sai lầm. Chỉ có bình tĩnh suy tư thì mới có thể làm sáng tỏ mọi việc.
Như người ta thường nói: Khi tâm tĩnh lặng thì mọi sự sẽ sáng tỏ, khi tâm tĩnh lặng thì mọi việc sẽ đột nhiên trở nên rõ ràng. Người thực sự thông minh biết im lặng một cách hợp lý và tích lũy sức mạnh trong im lặng.
Người ta thường nói “tĩnh tại tâm, bất tại vật”, tức sự bình yên thực sự nằm ở trái tim chứ không phải ở sự vật, không nằm ở môi trường bên ngoài mà xuất phát từ nội tâm của chúng ta.
Khi còn trẻ, tôi rất nóng nảy và thường xúc phạm người khác. Về sau, được sư phụ tặng cho một chữ “Tĩnh”. Từ đó trở đi, tâm dịu hẳn, tôi luôn tự thuyết phục mình bình tĩnh, không dễ tức giận, nóng nẩy, và cuộc đời thấy êm đềm, dễ chịu.
Người xưa đã nói: “Tâm trí tĩnh lặng thì sinh ra tinh thần vui vẻ, tinh thần vui vẻ thì sinh ra hạnh phúc”. Tĩnh không chỉ là một phẩm chất mà còn là trạng thái cao nhất của cuộc sống con người. Tâm tĩnh bao nhiêu, phúc sâu bấy nhiêu, chỉ cần yên tĩnh, phúc khí tự nhiên đến.
Tĩnh có thể tu thân, càng có thể dưỡng tâm, những người thành công đều nắm được “sức mạnh” của tĩnh.
Chúng ta không nên ngưỡng mộ vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn núi, cũng không nên đố kỵ với sự mềm mại thi vị của dòng sông, hay khinh bỉ sự nhỏ bé tầm thường của bụi bặm. Chúng ta nên cởi trói cho những xiềng xích của trần thế, gạt bỏ những rắc rối phàm trần. Liệng bay trong hồng trần ngàn vạn lần, với con mắt nhìn đời đạm bạc, không màng danh lợi, nhẹ nhàng ôm một khoảng trời hiểu biết, mang theo một mối tình thơ mực, hoà mình vào cõi tự nhiên, hít thở hương hoa ven đường, ôm ấp những phong cảnh đẹp đẽ bắt gặp.
Trong cuộc sống, càng có nhiều thứ hữu hình thì càng mất đi nhiều thứ vô hình. Chúng ta hãy làm một người giản dị và nhân hậu, dành chút thời gian cho sự tĩnh lặng, giữ trái tim bình yên giữa thị phi ân oán, nhẹ nhàng khoác lại trên mình màu sắc ấm áp đã mất đi của năm tháng.
Trong mùa bão gió, hãy yên tĩnh chờ mùa hoa nở. Trong lữ hành của sinh mệnh, không thể bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió. Chúng ta phải tĩnh tâm và ổn định trạng thái, như vậy chúng ta mới bước được lên con đường không hề hối tiếc, đầy thi vị, đầy hoa thơm cỏ lạ của cuộc đời.
Trong khói mưa hồng trần, luôn có nụ cười nở rộ với chúng ta, luôn có một luồng gió làm chúng ta mát mẻ, và luôn có một tia nắng làm chúng ta ấm áp.
Chỉ cần chúng ta có trái tim bình yên “An chi nhược tố” (bình thản ung dung), thì chúng ta có thể “Đạp ca nhi hành” (ca hát và bước đi), và luôn ngửi thấy hương thơm thoang thoảng của năm tháng, luôn tìm được hướng đi của niềm vui và hạnh phúc.
Từ bây giờ hãy giữ tâm hồn tĩnh lặng, bình tĩnh khi mọi chuyện xảy ra, bình tĩnh khi xử lý mọi việc và tĩnh lặng như nước, để có thể sống một phiên bản tốt hơn của chính mình!