Môi sinh tịnh độ ngay tại nhân gian
Một không gian tịnh độ tại Tịnh cốc trà (Đồng Nai)
Từ trước đến nay, một số môn phái truyền thống Phật giáo khác vẫn thường hay phê phán pháp môn Tịnh Độ về việc cầu sinh Tịnh độ dựa trên nền tảng của niềm tin và cách thực hành niệm Phật.
Trong không khí Tết cổ truyền đang về, xin cùng đọc lại lời của Tổ Trần Nhân Tông để xem tổ tiên ta xưa tiếp nhận pháp môn Tịnh độ và thiết lập một Tịnh độ tại nhân gian đất Việt như thế nào.
“Tịnh độ chính là lòng trong sạch,
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương.
Di Đà chính là tính sáng soi,
Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”.
Qua 4 câu phú trong Cư trần lạc đạo, Tổ Trần Nhân Tông đã khái quát rất sâu sắc về tư tưởng xây dựng Tịnh độ tại nhân gian.
Ở đây lòng trong sạch và tính sáng soi là điều kiện căn bản để thiết lập thế giới Tịnh độ (Cảnh Cực lạc).
Tịnh là sạch (trong sạch). Độ là quốc độ thuộc về một chiều kích không gian. Tịnh độ là một nơi (không gian) rất trong sạch, không ô nhiễm, vẩn đục.
Để sống được ở một nơi (không gian) không ô nhiễm, vẩn đục là một phước báu lớn của mỗi chúng sinh. Phước báu ấy từ đâu mà ra? Từ chính lòng trong sạch và tính sáng soi (bản thể thanh tịnh) trong mỗi con người mà ra vậy.
Như thế việc thiết lập bất cứ Tịnh độ tại nơi đâu cũng phải bắt đầu từ “lòng” (trong sạch) và “tính” (sáng soi) đó.
Đức Phật A Di Đà còn có danh hiệu là Vô Lượng Thọ (thời gian vô cùng) và Vô Lượng Quang (không gian vô tận), bản thể thanh tịnh bao trùm pháp giới, không phân cao thấp, đây kia…
Vì vậy nếu mỗi chúng sinh thiết lập được Tịnh độ từ trong bản thể đến ngoài không gian sống, thì chính họ phần nào đã nhiêu ích chúng sinh, trang nghiêm quốc độ cho cả pháp giới rồi.
Nếu ngay nơi tâm mình không còn dung chứa nổi một chút lòng trong sạch, nếu ngay nơi ở của mình không thể thiết lập tối thiểu một không gian sạch, thì y báo chánh báo không thể cùng lúc trang nghiêm. Việc “cầu sinh Tây phương” thực khó vô cùng. Vì vốn nơi ấy được miêu tả là một màu thanh tịnh không có ô nhiễm, rác rưởi, không có tiếng đau khổ, oán hờn…
Khi ta có con sông sạch thì đó là con sông Tịnh độ. Khi ta có khu rừng trong lành thì đó là khu rừng tịnh độ. Khi ta có ngôi nhà sạch sẽ thì đó là ngôi nhà tịnh độ… Mục đích là thiết lập không gian, cách thức là nhất tâm bất loạn. Khi lòng trong sạch tính sáng soi hiển bày, thì niệm một câu cũng quyết vãng sinh. Vãng sinh không phải biến mất, rời khỏi mà là đi đến. Đi đến một không gian mà chính lòng trong sạch đã thiết lập.
Cũng như vậy, một quốc gia sẽ không thể có cảnh an dưỡng thực sự khi chung quanh toàn là cánh rừng chết, sông suối ao hồ ô nhiễm và những ngôi nhà chỉ biết sống cho riêng mình.
Tịnh độ không phải nơi ta có thể tuỳ tiện vất rác nhà người, hay hắt bẩn cho kẻ khác. Giữ được lòng trong sạch, bảo vệ được một không gian không ô nhiễm thì đâu còn phải nhọc tìm Tịnh độ nơi đâu. Thiên đường cũng ngay tại nhân gian này vậy!
Trong bốn câu trên, ta lưu ý Tổ Trần Nhân Tông nói đến việc “chớ còn ngờ”. Người ta nói nhiều đến chữ Tín (trong tín - hạnh - nguyện), nhưng người ta hiểu chữ tín ấy theo nghĩa “hãy cứ tin đi” vì Đức Thích Ca đã nói về Đức Di Đà và thế giới Tây phương như vậy thì không thể sai được?!
Thực ra tin và không còn nghi (ngờ) lại có phần khác xa nhau. Không còn nghi (dứt trừ lưới nghi bủa vây) là tiệm cận trình độ sơ quả, chứ không phải nhắm mắt không biết gì mà tin.
Không còn nghi là trạng thái thanh tịnh không phân biệt. Còn ngờ thì khó thấy ra lòng vốn (tự) trong sạch và thể tính vốn (tự) sáng soi của mình. Nói cụ thể là khả năng tự điều chỉnh, tự hoàn thiện nơi mỗi con người.
Trong kinh Pháp Hoa miêu tả Bồ tát Thường Bất Khinh chuyên lễ lạy mọi người và cho rằng “tôi không dám khinh quý ngài đâu vì quý ngài đều sẽ thành Phật”. Bồ tát Thường Bất Khinh không còn ngờ về Phật tính sáng soi nơi mỗi con người (khả năng thành Phật) nên hoàn toàn thanh tịnh. Sự thanh tịnh ấy cũng thiết lập nên Tịnh độ.
Nhưng biết bao người đã nghi ngờ câu nói ấy của Bồ tát Thường Bất Khinh. Phật gọi đó là hạng bất tín. Còn ngờ thì mới bất tín. Vì thế “tín” chính nó phải mang nội hàm giải thoát, tức là không còn ngờ (không gì ngăn ngại được cái tính sáng soi và lòng trong sạch ấy bộc lộ ra). Và vì thế “tín” khác nghĩa với kiểu nói “cứ tin đi”, “tin sâu, tin tha thiết vào”…
Vì sao dứt lưới nghi (1 trong 5 kiết sử phiền não) lại tiệm cận trình độ sơ quả? Vì nghi ngờ người khác nhiễm ô, không thanh tịnh là khởi nguồn của phiền não. Cho nên một nội dung căn bản trong thọ giới và đắc giới là dứt nghi (giới tử không nghi giới sư, giới sư không nghi ngờ giới hạnh của nhau). Không nghi vốn là thanh tịnh giải thoát. Thanh tịnh giải thoát là đắc giới. Còn truyền giới tướng, ai truyền cho ai không còn quan trọng nữa, nếu cả thầy và trò đã cùng dứt nghi.
Hỏi đến Tây phương, Tịnh độ, hỏi đến giải thoát trang nghiêm mà ngay nơi trong sạch sáng suốt của mình nảy sinh nghi ngờ, như thế có khác nào thân mình đang tụt dần xuống đầm lầy mà vẫn muốn nhảy cao nhảy xa.
Khi dứt nghi thì tự lực cũng là tha lực, tha lực cũng là tự lực. Tương quan mật thiết giữa ta và người giữa tâm và cảnh thiết lập y báo chánh báo trang nghiêm.
Nguyện đồng sinh Tây phương an dưỡng quốc cũng có ý nghĩa như vậy.