Đến với vẻ đẹp bí ẩn hoang sơ của Vân Nam
1. Đón chúng tôi là cô gái nhỏ nhắn tên tiếng Việt là Linh (Kuakema). Cô gái bước đi nhanh nhẹn. Em nói tiếng Việt rất sõi, hỏi chúng tôi các anh chị có mệt không. Đi theo em để tìm chỗ ăn tối rồi mới đi tiếp.
Tôi hỏi Linh, em học tiếng Việt ở đâu mà nói tốt thế. Em kể từng học đại học ngành ngôn ngữ ở Việt Nam và em cũng đã tốt nghiệp Thạc sĩ ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
Ở Sân bay Kunming |
Sân bay chiều tối không đông đúc. Mấy chị em rủ nhau dạo quanh để chụp ảnh. Biểu tượng bộ xương khủng long theo Linh đó là đặc trưng của Kunming. Em đưa chúng tôi đi ăn món đặc sản nổi tiếng ở Kunming – món “bún qua cầu”. Món ăn gắn liền với câu chuyện thật cảm động về tình yêu của một cô gái chăm nuôi chồng ăn học đi thi. Đây chính là món ăn người vợ nấu cho chồng không chỉ ninh thịt rau… tăng năng lượng cho chồng mà là một “hành trình” dài, ngày này qua ngày khác để nấu ra được món ăn chứa đựng tình cảm của người vợ. Thế rồi ông trời không phụ công của người vợ. Cảm động trước tình yêu của vợ, người chồng đã đỗ đạt và họ sống hạnh phúc bên nhau suốt đời. Từ đó món “bún qua cầu” trở thành đặc sản của địa phương này.
Món bún qua cầu |
Câu chuyện em kể thật dễ thương, bất chợt tôi nghĩ tới chuyện xưa của Việt Nam nhiều người phụ nữ cũng đã dành tất cả để nuôi chồng ăn học đỗ đạt làm quan… Dường như hai nền văn hóa Việt Nam – Trung Quốc có những nét tương đồng. Sự chịu thương chịu khó, thủy chung của phụ nữ hai dân tộc như nét son tô thắm thêm văn hóa của hai nước.
Xong bữa tối, 21h55’ chúng tôi tiếp tục lên máy bay đến Tây Song Bản Nạp. Sau hơn một giờ bay, 23h10’ (giờ địa phương) chúng tôi đáp xuống sân bay. Các cô gái trong trang phục dân tộc quàng lên cổ mỗi người một dây đeo với quả hình lục lăng nhiều màu sắc, thể hiện sự hiếu khách và trọng thị đối với chúng tôi – những người từ các quốc gia khác nhau đến dự Hội nghị liên minh truyền thông các nước Đông Nam Á.
Các đại biểu dự Hội nghị trải nghiệm các trò chơi ở Công viên Tây Song Bản Nạp |
2. Khách sạn Crowne Plaza - nơi chúng tôi ở là một trong 10 khách sạn tốt nhất của Vân Nam, đạt tiêu chuẩn 5 sao trong quần thể khách sạn ở đây.
Buổi sáng ở Tây Song Bản Nạp thật trong trẻo. Không khí thật dễ chịu. Cái lạnh vừa đủ để cảm thấy nôn nao…
Tây Song Bản Nạp còn có tên gọi khác là Sipsong Panna (Xishuangbanna), là châu tự trị của dân tộc Thái nằm ở phía Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với bề dày lịch sử cùng quang cảnh thiên nhiên hoang sơ, Tây Song Bản Nạp đã trở thành một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Vân Nam. Do ảnh hưởng từ Phật Giáo của dân tộc người Thái nên vùng đất này sở hữu những giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt, thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm..
Một góc ở Trung tâm thượng mại |
Nằm sâu ở phía Nam tỉnh Vân Nam, vùng đất này ẩn trong mình những giá trị lịch sử và văn hóa đa dạng. Song song đó là vẻ hoang sơ chưa được khai phá, khiến bất cứ ai đặt chân đến cũng không khỏi tò mò.
Diện tích của Tây Song Bản Nạp là 19.184,45 km², trong đó đồi núi chiếm 95%, còn lại là bồn địa và thung lũng. Vị trí của châu ngang với tỉnh Lai Châu của nước ta nhưng địa hình lại thấp hơn Hà Giang. Thủ phủ của châu là Cảnh Hồng (Jinghong), có dòng sông Mê Kông (sông Lan Thương) “dạo quanh” trên quãng đường dài 180 km, ở độ cao 800 đến 2.500 mét. Nơi đây còn sở hữu một trong những công trình cầu treo lớn nhất bắc qua sông Lan Thương, mang tên “Tây Song Bản Nạp đại kiều”.
Dân số nơi đây chỉ khoảng 994.000 người, có 14 dân tộc sinh sống cùng nhau, trong đó dân tộc Thái Lặc chiếm tỷ lệ cao nhất (lên đến 34%). Cũng vì thế mà nơi đây còn được mệnh danh là “Thái Lan thu nhỏ” của Trung Quốc. Ngôn ngữ chính của người dân là Thái-Kadai, họ sống trên những ngôi nhà sàn cổ kính, phụ nữ thì thích diện những bộ váy áo sặc sỡ.
Nhờ có địa hình thấp hơn phần còn lại của tỉnh Vân Nam nên nơi đây được thiên nhiên khí hậu nhiệt đới ưu ái, thời tiết quanh năm dễ chịu cùng vườn trái cây vô cùng đa dạng. Gần thủ phủ Cảnh Hồng chính là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều loại động thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới. Được thành lập từ năm 1959, đến nay khu bảo tồn đã có hơn 10.000 loài thực vật quý hiếm.
Những dãy núi phủ xanh, xen kẽ là các công trình đền chùa khiến vùng đất này toát lên vẻ đẹp yên bình nhưng cũng không kém phần huyền bí và linh thiêng. Nơi đây chính là địa danh để quay bộ phim Tây Du Ký. Sự hùng vĩ của nơi này đã từng xuất hiện trong tập phim thầy trò đường tăng đến Tây Thiên thỉnh chân kinh và lúc thu phục thỏ ngọc.
Những đồi trồng trà san tuyết |
Thăm những đồi trồng trà bạt ngàn |
Thưởng thức điệu múa ở vùng trồng trà cho nhà máy trà Đại Ích |
Những ngôi đền chùa Phật Giáo nguyên thủy là một phần trong cuộc sống của người dân ở Tây Song Bản Nạp. Các ngôi nhà đều được xây theo lối kiến trúc đặc trưng của người Thái, lấy cảm hứng từ những ngôi đền. Ngoài ra, với họ nước là biểu tượng của ánh sáng, hạnh phúc và là linh vật được thần linh ban tặng. Vì thế mà xung quanh các giếng nước đều được xây ngôi đền hình voi và công, trước miệng giếng có hai con rồng cai quản.
Ở Tây Song Bản Nạp có nhóm dân tộc thuộc thiểu số Đại, theo đạo Phật dòng tiểu thừa và thừa kế truyền thống văn hóa tôn giáo của người Thái Lan. Nhờ đó, nơi đây sở hữu những giá trị tâm linh quý giá cùng hàng loạt lễ hội truyền thống đa dạng.
Đó là Lễ hội té nước: Người Trung Hoa gọi lễ hội té nước là Po Shui Jie, còn đối với người Thái là lễ Songkran. Thực chất cả hai lễ hội đều giống nhau vì có nguồn gốc từ nghi lễ thanh lọc trong Phật Giáo để chào đón năm mới. Lễ hội được diễn ra khi nhóm dân tộc Thái và Đại cùng chào đón năm mới. Tuy nhiên, thời điểm đón năm mới của người Đại lại khác với người Trung Quốc. Người Đại đón năm mới vào ngày sinh của Đức Phật (nhằm ngày 13 - ngày 16 tháng 4), trong khi Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc thường rơi vào cuối mùa đông.
Lễ Phật Đản: Với một vùng đất mang đậm dấu ấn Phật Giáo như Tây Song Bản Nạp, Lễ Phật Đản (hay còn gọi là Lễ Sinh Nhật Đức Phật) là một trong những ngày lễ quan trọng. Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày. Trong 2 ngày đầu, người dân sẽ tổ chức tiệc tùng, đua thuyền rồng và diễu hành. Cuộc đua thuyền ở đây không chỉ dành cho các chàng trai mà cả những cô gái khỏe khoắn cũng tham gia vào chặng đua về đích. Những ngày này, các cô gái sẽ diện những bộ trang phục cầu kỳ, đầy màu sắc và tay cầm ô dù. Ngày thứ 3 là sự kiện đỉnh cao của lễ hội, hay còn được gọi là nghi thức “tắm Phật”. Vào ngày này, những bức tượng Phật tại các đền thờ địa phương sẽ được tắm rửa với nước sạch. Nước dùng để “tắm” Đức Phật sau đó sẽ được bán lại cho những người tham gia lễ hội như một nghi thức gột rửa đi những cái cũ, đón chào những điều mới và cầu sự may mắn cho năm mới.
Lễ diễu hành: Diễn ra vào ngày nghỉ lễ tại Tây Song Bản Nạp, học sinh không phải đi học và công nhân được nghỉ 3 ngày để tận hưởng lễ hội. Nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về chỉ để được tham gia lễ hội này và trải nghiệm sự độc đáo trong văn hóa của người Đại.
Quả đặc sản ở Tây Song Bản Nạp |
3. Đến Tây Song Bản Nạp, chúng tôi đã gặp Chella (tên Trung Quốc của em là Cheng Cheng) – người đã liên hệ và kết nối với chúng tôi từ lúc gửi thư mời, trao đổi về hành trình đến hướng dẫn các thủ tục làm visa, gửi vé máy bay… Qua tin nhắn, điện thoại em thật nhiệt tình và hiếu khách. Gặp nhau lần đầu mà như đã quen từ lâu lắm rồi. Suốt mấy ngày ở Tây Song Bản Nạp, trong mọi sự kiện em đều take cake chúng tôi tận tình, chu đáo.
Trong những ngày ở Tây Song Bản Nạp, sự kiện gây ấn tượng đối với chúng tôi là các nước tham dự Hội nghị đều có đại diện chia sẻ về cuộc sống và công việc hiện tại. Một cô gái duyên dáng trong trang phục áo dài truyền thống màu vàng của Việt Nam trình bày bằng tiếng Trung về quá trình khởi nghiệp và hội nhập của bản thân ở Vân Nam – Trung Quốc. Kim Ngọc Mai, tên cô gái. Em đến từ Đắk Lắk. Bố mẹ em từ Hải Dương vào Tây Nguyên lập nghiệp, gặp nhau, lấy nhau. Mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió tạo cho em tính cách tự lập. Em kể, dạo học xong lớp 12, em thi vào trường Đại học An ninh chỉ đơn giản là học xong ở đó sẽ dễ xin việc làm. Với vóc dáng cao dong dỏng, em dễ dàng vượt qua vòng sơ tuyển. Nhưng số phận thật run rủi, thi đại học em bị rớt vì thiếu nửa điểm. Khi ấy có người cần em sang Kunming hỗ trợ việc nhập khẩu hàng về Việt Nam. Em qua đây làm hai, ba năm và ở lại cho đến nay. Hiện em đang học năm thứ 3 đại học ở Kunming ngành truyền thông. Ngoài việc học đại học em còn kinh doanh hàng từ Quảng Châu về Việt Nam. Các bạn trẻ ở Việt Nam tự tìm cho mình những con đường đi riêng vừa để phù hợp với bản thân vừa hội nhập với quốc tế…
Sau buổi trình diễn, em nhập đoàn chúng tôi như đã thân từ lâu. Chella và Mai đưa chúng tôi đi chợ đêm. Các em bảo: Ngoài những hoạt động lễ hội sôi nổi ban ngày, Tây Song Bản Nạp về đêm cũng nhộn nhịp không kém. Chợ đêm ở đây được thiết kế mang đậm dấu ấn của Thái. Ngoài các trò chơi, còn bán nhiều đặc sản như thảo dược, đá mỹ nghệ... Yếu tố “bắt khách” nhất của chợ đêm chính là ẩm thực nướng với nhiều chủng loại và sắc màu. Từ rau, quả đến thủy sản ở đây đều được chế biến thành những món đặc sản thơm ngon, đặc sắc. Đặc biệt món khô bò nướng nơi đây được chế biến theo kỹ thuật độc đáo, mới lạ. Những quầy hàng vỉa hè, không có nhiều tiện nghi như nhà hàng, nhưng đây lại chính là yếu tố thu hút khách du lịch. Hầu hết các du khách khi đến đây đều muốn được thưởng thức ẩm thực nướng vang danh của xứ này.
Tây Song Bản Nạp ban đêm |
Một góc chợ đêm |
Toàn cảnh chợ đêm |
Chúng tôi hòa vào dòng người trong chợ đêm, dạo quanh, xà vào những hàng quán xem, thưởng thức những món ăn mà chỉ có ở đây…
Trong những ngày ở Tây Song Bản Nạp, chúng tôi cũng đã được đến thăm Làng nghề Tam Mạn, thăm làng trồng trà phục vụ cho nhà máy trà Đại Ích nổi tiếng.
Cổng làng nghề Tam Mạn |
Các sản phẩm làng nghề làm gốm |
Làm bình gốm |
Phụ nữ làng nghề làm gốm |
Một góc nhà dân ở Làng nghề Tam Mạn |
Quán cafe ở Làng nghề Tam Mạn |
Trải nghiệm xâu vòng đeo tay từ đá hỗn hợp |
Làng Tam Mạn là nơi ba làng hợp lại, cũng là tên của làng người dân tộc Thái chuyên làm gốm thủ công. Trong các gia đình các chị phụ nữ và trẻ em ngồi nặn những lọ, bình gốm… Đường làng ngõ xóm thật khang trang, sạch sẽ. Khung cảnh làng quê thật thanh bình. Giữa ngôi làng có quán cà phê pha máy hiện đại, quán trà sữa… Nhà nhà đều có ô tô, cuộc sống người dân no đủ.
Vùng trồng trà cổ thụ có cây 300 tuổi, 500 tuổi và 800 tuổi. Cả một vùng 2 triệu ha trà cung cấp nguyên liệu cho nhà máy trà sản xuất ra những bánh trà đủ loại và những loại trà san tuyết đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đi giữa rừng trà cổ thụ, tôi bỗng nhớ về những cây trà san tuyết ở Hà Giang…
Tạm biệt Tây Song Bản Nạp, lưu luyến một vùng đất đầy bí ẩn hẹn sẽ có ngày trở lại để được tham gia vào những lễ hội truyền thống đặc sắc.
Hà Nội những ngày cuối năm