Lưu giữ, lan tỏa tinh hoa đúc trống đồng Đông Sơn
Trống đồng sau khi hoàn thiện |
Giữ nghề truyền thống
Trong thời tiết se lạnh của mùa đông, nhân dịp kỷ niệm 100 năm phát hiện đồ đồng cổ tại làng Đông Sơn ở ven bờ Sông Mã (Thanh Hóa), Viện nghiên cứu ứng dụng Văn hóa truyền thống Việt Nam và nghệ nhân Lê Văn Dương (xã Thiệu Trung) đã tái hiện lại quy trình đúc trống đồng truyền thống với đường kính 1,18 mét, có họa tiết của trống đồng Quảng Xương.
Thực hiện quy trình đúc trống đồng truyền thống là nghệ nhân Lê Văn Dương, một trong 6 nghệ nhân cao niên của làng nghề đúc đồng và làm trống đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. “Trống đồng Quảng Xương có họa tiết hoa văn cổ là những cảnh sinh hoạt của cư dân trồng lúa nước. Mẫu trống đồng Quảng Xương đang trưng bày tại bảo tàng Thanh Hóa”, nghệ nhân Lê Văn Dương chia sẻ.
Tự hào kể về làng nghề đúc đồng truyền thống, nghệ nhân Lê Văn Dương cho biết, Thiệu Trung xưa kia là đất Kẻ Chè, là tên nôm của làng Trà Đông. Người dân bản địa còn gọi là Trà Đúc bởi làng có nghề đúc đồng cổ truyền nổi tiếng. Không chỉ đúc trống đồng mà đúc cả những dụng cụ sinh hoạt mang đậm nét văn hóa Đông Sơn.
Năm nay ngoài 60 tuổi nhưng nghệ nhân Lê Văn Dương có gần 50 năm tuổi nghề khi đi phụ giúp cha ông. Ông chia sẻ, vào những năm 80 của thế kỷ trước, làng nghề trở nên sa sút khi không có người đặt hàng. Nhiều người trong làng bỏ nghề. Kể từ đó, các lò đúc đồng trong xã bắt đầu lạnh ngắt than lửa. “Ngày đó cũng đã có ý định chuyển sang nghề khác nhưng vì đam mê với nghề truyền thống của gia đình nên tôi đã quyết tâm giữ nghề và chuyển hướng làm các đồ như lư hương, tượng đồng... Tôi trở lại làm trống đống từ khoảng năm 1986 khi có người mang những trống đồng cổ bị hỏng đến nhờ phục hồi, chế tác lại. Đến những năm 1990, trước nhu cầu của xã hội về làm trống đồng trưng bày, tôi đã tìm hiểu lại kỹ thuật đúc đồng xưa của cha ông và đúc lại trống đồng theo mẫu đang được lưu giữ tại bảo tàng Thanh Hoá”.
Những năm gần đây, khách hàng yêu cầu đúc trống có âm thanh vang nên nghệ nhân Lê Văn Dương đã mày mò, tìm tòi tư liệu, tham vấn các chuyên gia để tìm bí quyết đúc trống đồng xưa. Ngoài tỷ lệ pha chế đồng, yếu tố mang tới âm thanh vang còn liên quan đến độ dày của mặt trống và thành trống.
Chia sẻ về quy trình đúc trống đồng truyền thống được tái hiện, nghệ nhân Lê Văn Dương cho biết, trong đúc trống đồng, làm khuôn là khó nhất. Như trống đồng do Viện nghiên cứu ứng dụng Văn hóa truyền thống Việt Nam đặt có đường kính 1.18 mét thuộc dạng trống lớn nặng 400 kg, tôi làm khuôn gần 2 tháng. Những trống đồng nhỏ cỡ 12 cm làm khuôn cũng mất 2 tuần. Đặc biệt, nguồn đất nặn khuôn từ chính đất của làng Thiệu Trung khi phải đào đến độ sâu 8 mét mới có chất đất dẻo. Từ nguồn đất đó, những người thợ như chúng tôi nhào nặn để thành khuôn trong, khuôn ngoài theo từng lớp; sau đó phải phơi nắng cho khô. Đồng thời, họa tiết theo khuôn cũng phải vẽ tỷ mỷ, có hồn để có mặt và tang trống đẹp như xưa. Đó là những bản điêu khắc nổi với hình tượng chim Lạc và những vẩy rồng mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn - nơi phát tích từ miền đất cổ xứ Thanh. Các công đoạn này mất nhiều thời gian nhất trong quá trình đúc trống đồng. Còn sau đó, việc đổ khuôn chỉ mất khoảng một tiếng. Việc chỉnh trang, hoàn chỉnh trống đồng thường mất khoảng 1 tuần.
Đốt là, đổ hợp kim đồng vào khuôn đúc trống đồng |
Đốt là, đổ hợp kim đồng vào khuôn đúc trống đồng |
Lan tỏa văn hóa trống đồng
Qua nhiều thăng trầm, nghề đúc đồng ở Trà Đông vẫn được lưu giữ với những công đoạn thủ công, thực hiện theo phương thức cha truyền con nối. Khâu quan trọng nhất vẫn là tạo ra các hoa văn họa tiết tinh xảo, tỷ lệ hài hòa với kích thước trống, giúp sản phẩm giữ được nguyên bản dáng vẻ thần thái của trống đồng Đông Sơn xưa.
Thời gian gần đây, đơn đặt hàng đúc trống đồng nhiều hơn giúp các cơ sở đúc đồng ở Thiệu Trung thường xuyên “đỏ lửa”. Tuy nhiên, để sống được với nghề, các nghệ nhân làng đúc đồng Thiệu Trung còn phải kết hợp làm hàng chục mặt hàng khác nhau như tranh đồng, tượng đồng, hoành phi câu đối... miễn có hợp đồng.
Anh Lê Văn Tuấn, con trai của nghệ nhân Lê Văn Dương cho biết: “Ngày nay, số người chơi trống đồng cũng nhiều hơn trước, tính bình quân, một tháng cơ sở của gia đình làm theo đơn đặt hàng hơn 20 trống đồng các loại từ 12 cm đến loại cỡ lớn 2 mét. Tuy nhiên, loại cỡ trung bình 36 cm được nhiều người đặt nhất bởi dễ trưng bày”.
Dỡ khuôn trống đống |
Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc bảo tàng Thanh Hóa cho biết, nền văn hóa Đông Sơn được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven bờ Sông Mã (Thanh Hóa) có niên đại cách ngày nay 2.000 - 2.500 năm. Tại Bảo tàng Thanh Hóa lưu giữ ba bảo vật quốc gia đều đúc bằng đồng, trong đó có thanh kiếm hình người và trống đồng tượng vịt niên đại khoảng 2.000 năm và chiếc vạc đồng.
“Về hình thức, họa tiết, các trồng đồng đúc mới tại làng nghề Thiệu Trung cơ bản làm giống mẫu trống đồng xưa. Còn âm điệu vẫn đang được các cơ sở tiếp nhận để hoàn thiện. Quy trình tái hiện đúc trống đồng theo nghi thức truyền thống phục vụ công tác bảo tồn và phát triển du lịch đã được các cơ sở tại Thanh Hóa triển khai. Một số đoàn nghiên cứu của các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đến đây rất ngạc nhiên khi thấy người làng Thiệu Trung vẫn giữ được nghề truyền thống”, ông Trịnh Đình Dương chia sẻ.
Ông Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hiệp hội có ý tưởng đề xuất với tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ hội trống đồng, tạo thành một thương hiệu và xây dựng thành một sản phẩm du lịch. Chúng tôi nhận thấy dùng mô hình trống đồng làm quà tặng lưu niệm rất có ý nghĩa, đặc biệt là khi gắn với nền văn hóa Đông Sơn.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại từ khoảng thế kỷ VI-VII trước công nguyên đến thế kỷ I-II sau công nguyên, phân bố rộng khắp Bắc Bộ kéo dài đến tận Quảng Bình, tập trung chủ yếu ở lưu vực các sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Trống đồng là di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, có phạm vi phân bố rộng từ vùng Hoa Nam (Trung Quốc) tới Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Người xưa làm thế nào để đúc được những chiếc trống đồng có kích thước lớn, hoa văn tinh xảo như vậy là một bí ẩn chưa có lời giải. |