Dịch sởi gia tăng đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu
WHO nhận định, xu hướng mắc sởi gia tăng đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng giữa những người không được tiêm chủng.
Theo WHO, tính đến hết tháng 3/2019, các báo cáo từ 172 quốc gia và vùng lãnh thổ cho biết về 112.163 ca nhiễm sởi trên toàn thế giới, cao hơn gấp nhiều lần so với con số 28.123 ca của cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, số ca mắc sởi tại châu Phi trong 3 tháng qua tăng tới 700% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chỉ riêng tại đảo quốc Madagascar đã có gần 67.000 ca mắc bệnh sởi và hơn 920 trường hợp tử vong trong thời gian từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019.
Tại Ukraine, Ấn Độ là một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch sởi, khi cứ 1 triệu người dân thì có hàng chục nghìn trường hợp mắc sởi. Tại Brazil, Pakistan, Yemen sởi gây ra nhiều ca tử vong nhất cho trẻ nhỏ.
Điều đáng báo động nữa, theo WHO, bệnh sởi đã tái xuất hiện ngay tại cả các quốc gia giàu có, nơi tỷ lệ tiêm vaccine thường cao và cả những quốc gia từng tuyên bố thanh toán dịch bệnh này. Trong đó, Nhật Bản từng được tuyên bố xóa sổ bệnh sởi, song từ đầu năm tới nay đã lại ghi nhận hơn 200 ca nhiễm sởi. Tương tự, Mỹ cũng có hơn 300 ca mắc sởi trong 3 tháng đầu năm 2019 dù đã tuyên bố xóa sổ bệnh này từ năm 2000.
WHO cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng phát dữ dội hiện nay của bệnh sởi trên toàn cầu là do sự chủ quan trong công tác tiêm phòng vaccine bệnh sởi, bởi đây là biện pháp hiệu quả duy nhất để tránh căn bệnh truyền nhiễm này. Tại châu Âu hay các nước có thu nhập cao, xu hướng có nhiều người mắc sởi chủ yếu do sự chủ quan và quan điểm sai lệch về việc tiêm vaccine, thậm chí có nơi còn nổi lên phong trào gọi là “nói không với vaccine”. Còn tại các nước đang phát triển, do hệ thống y tế hoạt động kém hiệu quả nên tỷ lệ được tiêm vaccine phòng sởi thấp.
Sự bùng phát của dịch sởi trên thế giới đang gây ra những lo ngại sâu sắc về loại bệnh nhiễm virus cấp tính với đặc trưng ở giai đoạn cuối là phát ban xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh và có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.
Giới chức y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần cho con em mình tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch; với người lớn cũng nên tiêm nhắc lại 5 năm/lần.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, số ca mắc sởi được báo cáo đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan này cho biết thêm, thế giới đang chứng kiến một sự bùng phát bệnh sởi chưa từng có trong lịch sử, trong đó châu Phi chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất với khoảng 700%, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Một người có thể nhiễm virus sởi trong vòng hai giờ đồng hồ sau khi một người mắc bệnh sởi ra khỏi căn phòng. Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vaccine. Một khi người bệnh đã bị nhiễm sởi, thế giới chưa có thuốc điều trị cụ thể nào cho bệnh này, do vậy tiêm phòng vaccine là biện pháp để cứu mạng sống cho trẻ em.
Cùng với WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đã lên tiếng báo động rằng, dịch sởi bùng phát toàn cầu đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với trẻ em. Tổ chức này nêu rõ, bệnh sởi có khả năng gây tử vong cho trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ sơ sinh còn quá nhỏ chưa thể tiêm chủng và hiện vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh này.
Linh Đức