Độc đáo nghệ thuật nuôi hoa bằng đèn điện ở làng hoa lâu đời nhất miền Bắc
Làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rực sáng trong đêm nhờ giăng mắc đèn khắp nơi.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 20 km, làng hoa Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm có nghề trồng hoa lâu đời và ngày càng phát triển mạnh. Hàng năm, làng hoa Tây Tựu cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 250 triệu bông hoa.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là bước sang năm mới Mậu Tuất, nên các gia đình tại đây đang rất hối hả chăm sóc cho các loài hoa để có thể đưa ra thị trường những loài hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất. Các loại hoa chủ yếu phục vụ Tết gồm: Hoa Ly, Đồng Tiền, Cúc, Hồng, Thược Dược. Hoa được trồng quanh năm, nhưng để phục vụ hoa cho thị trường Tết, có những loài hoa được trồng từ tháng 9, và được người dân chăm sóc rất cẩn thận.
Những ngày này, nếu bạn đặt chân đến cánh đồng hoa Tây Tựu vào buổi tối sẽ vô cùng ngỡ ngàng vì khung cảnh lung linh, thơ mộng với hàng ngàn ngọn đèn cùng lúc được thắp sáng.
Việc thắp đèn trên cánh đồng hoa ở Tây Tựu - vựa hoa nổi tiếng của Hà Nội bắt đầu từ khoảng 17h30 hàng ngày.
Đây là một kĩ thuật phổ biến của người trồng hoa nhằm biến đêm thành ngày để hoa phát triển như ý muốn.
Hãy cứ tưởng tưởng bạn đang đứng ở một không gian mà những ngọn đèn sáng, tưởng như trải dài đến vô tận. Khi trời càng về khuya, cánh đồng càng đẹp hơn. Ánh đèn rọi thẳng vào từng cánh hoa. Những bông hoa đang độ mới nhú, ướt đẫm sương đêm như tỏa sáng khiến cánh đồng trở nên lộng lẫy hơn.
Các ngọn đèn chủ yếu được thắp sáng cho những luống hoa cúc đủ loại. Các loại khác như hoa hồng, ly... thì không cần.
Trong khi du khách có thể ngất ngây vì cảnh ấy thì người nông dân - những người đã tạo dựng nên khung cảnh lộng lẫy này lại chỉ mong việc chong đèn cùng hoa sẽ nhanh chóng kết thúc.
Đối với họ, thắp đèn chong hoa là một kĩ thuật phổ biến của người trồng hoa nhằm biến đêm thành ngày để hoa phát triển như ý muốn. Để kịp hoa Tết, người nông dân vất vả, tìm mọi cách để “hô biến” đêm thành ngày nhằm kích thích cây hoa tiếp tục sinh trưởng vào buổi tối. Như vậy 24/24, các luống hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp để lớn lên, cây cúc sẽ cao lớn hơn nhưng hoa sẽ nở rất muộn. Đó là nghệ thuật “nuôi” hoa bằng đèn điện độc đáo của người dân nơi đây.
Thắp đèn đêm để làm cho cúc "trẻ", không bị nụ, cây dài hơn.
Người trồng hoa ở Tây Tựu đang trồng hai loại hoa cúc chính là cúc Pha Lê và cúc Vàng Tàu. Một loại để phục vụ Tết Nguyên đán, một loại để ra Giêng mới cắt bán và cả 2 loại hoa này, đều đang được “nuôi” bằng đèn để hãm hoa nở theo ý đồ người trồng.
Những luống hoa cúc nhỏ đang được thắp sáng suốt đêm sẽ được bán vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Cúc Pha Lê thắp đèn trong vòng 20 ngày, cúc Vàng Tầu trong vòng 10 - 15 ngày. Trong điều kiện thuận lợi, sau 20 ngày gieo mầm, người nông dân sẽ thắp đèn cho cúc.
Cứ mỗi luống hoa, người dân thắp sáng bằng 5-6 chiếc đèn điện. Việc thắp sáng cho hoa bắt đầu từ 17h30 đến 4h sáng hôm sau. Với mỗi loại cúc, ly… họ lại áp dụng thời gian thắp đèn khác nhau.
Việc thắp đèn có hai tác dụng. Đối với những cây cúc mới trồng, ánh sáng của đèn giúp “trẻ cúc” (cây phát triển đến một độ cao nhất định, theo ý muốn của người trồng, thì mới nở).
Đối với những cây cúc đã ra hoa, người dân thắp đèn để tránh trộm.
Ánh sáng từ ruộng hoa lung linh cùng đèn màu của những ngôi nhà về đêm.
Bác Nguyễn Văn Thu (54 tuổi), người dân trồng hoa cúc ở đây cho biết trung bình, một sào Bắc bộ cần 38 bóng đèn để thắp sáng. Cùng với việc chong đèn, các gia đình phải thường xuyên ra ruộng để trông hoa vào các khung giờ cao điểm là từ 18 - 20h tối và 24 - 4h sáng hôm sau do nạn trộm hoa xảy ra nhiều. Cách đây mấy hôm, một gia đình tại Tây Tựu bị kỷ trộm cắt mất 6 luống cúc chỉ trong một đêm. Nhiều người bức xúc vì vay tiền tỷ trồng hoa mà lúc nào cũng nơm nớp sợ trộm và cầu mong thời tiết thuận hòa.
Đức Cường – Đinh Linh