Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe. Ảnh: Thanh Hà |
Hệ thống giao thông thông minh ITS của TP. Hà Nội. Ảnh: A.V |
Cấm người điều khiển giao thông có nồng độ cồn trong máu và hơi thở: Số liệu thống kê năm 2023 và hết tháng 10 năm 2024 cho thấy, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã xử lý gần 1,6 triệu trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 20,65% tổng số vi phạm), tính trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.300 trường hợp. Do đó, việc cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ dần hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”, đảm bảo xây dựng nền giao thông đường bộ văn minh, an toàn.
Trừ điểm giấy phép lái xe: Điều 58 của Luật qui định giấy phép lái xe (GPLX) gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực. GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép này. Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông do lực lượng CSGT tổ chức, nếu có kết quả đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm.
Bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ: Điều luật quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em được chở trên xe. Quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ô tô có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Luật còn quy định xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh phải có đầy đủ thiết bị ghi nhận hình ảnh, cảnh báo chống bỏ quên trẻ em trên xe, có dây đai an toàn, ghế ngồi phù hợp với trẻ. Trên xe đưa đón trẻ phải có tối thiểu 1 người quản lý (trường hợp xe 29 chỗ trở lên không kể chỗ lái xe chở từ 27 trẻ em trở lên phải có tối thiểu 2 người quản lý); không được để trẻ em trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe. Xe chở trẻ em mầm non, học sinh có niên hạn sử dụng không quá 20 năm và phải có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe: Giấy phép lái xe (bao gồm cả xe điện) được phân chia thành 15 hạng, tăng 2 hạng so với quy định hiện nay, bao gồm A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E. Đồng thời tăng độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ (điểm e, khoản 1, Điều 59).
Cho phép đấu giá biển số xe : Điều 37 quy định việc đấu giá là biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy phải được tổ chức công khai, với giá khởi điểm một biển số ô tô không thấp hơn 40 triệu đồng và không thấp hơn 5 triệu đồng so với biển số xe mô tô, xe gắn máy. Người trúng đấu giá nếu không thực hiện việc nộp đủ số tiền trúng đấu giá đúng thời hạn 30 ngày kể từ khi có thông báo kết quả sẽ không được hoàn trả số tiền đặt trước, không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng. Đồng thời, nếu không thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số xe theo quy định thì biển số xe trúng đấu giá sẽ được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe; người trúng đấu giá không được hoàn trả lại số tiền đã nộp.
Những quy định mới nêu trên vừa gia tăng quyền lợi và trách nhiệm của người lái xe tham gia giao thông trong việc bảo đảm an toàn tính mạng cho mình và cho người dân nói chung, trong đó có những người yếu thế, đặc biệt là trẻ em.