Đưa du lịch phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới
Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại Đại hội
Theo báo cáo nhiệm kỳ IV và phương hướng nhiệm kỳ V, trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Hiệp hội cũng thống nhất xác định hướng đi, đề ra những giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, hạn chế, xây dựng kế hoạch cụ thể, tận dụng cơ hội để vươn lên đáp ứng yêu cầu đổi mới, góp phần nhanh chóng khôi phục hoạt động của ngành. Đồng thời, xây dựng Hiệp hội vững mạnh, thực sự là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương.
Ban chấp hành nhiệm kỳ V cũng xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện. Trong đó, tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nhanh chóng phục hồi Ngành và hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp với Tổng cục Du lịch và các cơ quan, tổ chức có liên quan đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách để Nghị quyết 08 của BCT về Phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật du lịch 2017 thực sự đi vào cuộc sống trong tình hình “bình thường mới”.
Căn cứ Nghị định 128/NQ-CP của Chính phủ, tiếp tục đề xuất lên Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan những cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh du lịch nội địa và quốc tế trở lại hoạt động theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ chủ động, tham gia tích cực, đóng góp ý kiến để thực hiện tốt vai trò là thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, thành viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đồng chủ tịch nhóm công tác chuyên ngành Du lịch của Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam Châu Âu (EVBC) .
Tiếp tục có tiếng nói tích cực đối với các cơ quan nhà nước các cấp về việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương; góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền đối với quản lý du lịch; thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, quan trọng, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Đồng thời, thực sự coi Hiệp hội du lịch là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương để cùng phối hợp tổ chức các hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hội viên để giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Các đơn vị trực thuộc, Hiệp hội Du lịch địa phương cần kịp thời phát hiện và phản ánh với Hiệp hội Du lịch Việt Nam những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động vượt khả năng giải quyết của mình để nhận được sự hỗ trợ hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ông Vũ Thế Bình, tân Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu
Vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch cơ cấu lại tổ chức, đổi mới hoạt động, chiến lược và mô hình kinh doanh nhằm duy trì, ổn định hoạt động của doanh nghiệp tiến tới phát triển doanh nghiệp bền vững, xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân
Với nhận thức: Du lịch là ngành kinh tế gắn liền với đời sống xã hội, do vậy cần thiết phải đi trước trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của mình. Cơ cấu lại tổ chức, đổi mới hoạt động nhằm duy trỉ, ổn định hoạt động của doanh nghiệp là hướng đi cơ bản để nhanh chóng chuyển du lịch thành một ngành kinh tế số và góp phần thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển trở lại trong những năm tới. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội hơn khi triển khai chuyển đổi số. Hiệp hội Du lịch Việt Nam xác định hoat động vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch cơ cấu lại tổ chức, đổi mới hoạt động là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ V. Trong đó cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp hội viên, các thành viên của Hiệp hội về lợi ích của việc cơ cấu lại tổ chức, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh theo hướng: thay đổi căn bản để quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch thích ứng điều kiện bình thường mới và yêu cầu mới của khách du lịch. Trong đó xác định tư tưởng phát triển doanh nghiệp bền vững là tư tưởng nền tảng trong văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân trong hoạt động kinh doanh du lịch
Liên quan tới công tác xây dựng, phát triển sản phẩm và thị trường du lịch, từ thực tế kết quả triển khai các Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, nhất là giai đoạn 2020-2022 tổ chức các Chương trình kích cầu, phục hồi du lịch nội địa Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các Liên chi hội chuyên ngành, Hiệp hội Du lịch các địa phương cần nâng cao hơn nữa vai trò định hướng, tổ chức xây dựng và triển khai các loại hình, sản phẩm du lịch mới bên cạnh việc tiếp tục làm mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm, loại hình du lịch đã có để tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu Du lịch trong nước và quốc tế theo hướng thu hút khách du lịch trong nước đến với các vùng sâu, vùng xa, những vùng, miền an toàn, có tiềm năng phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch xanh, du lịch biển, du lịch cộng đồng...
Các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch của từng đơn vị, địa phương, góp phần xây dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam độc đáo, hấp dẫn, đặc biệt là sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh,du lịch khám phá, thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch xanh mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền...
Hiệp hội du lịch các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, khu vực và cả nước...
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan có chức năng căn cứ tình hình hiện nay khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, hoạt động trở lại, dần phát triển ngành ngành kinh tế mũi nhọn. Kiến nghị Bộ Nội vụ chủ trì, nghiên cứu, đề xuất, sớm ban hành Luật về hoạt động của Hội, tạo điều kiện cho công tác tổ chức, hoạt động và quản lý Hội. Đề nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, các Sở quản lý du lịch quan tâm để hoạt động du lịch ngày càng hiệu quả.. Đặc biệt là việc tạo điều kiện về trụ sở làm việc, hỗ trợ nguồn lực thông qua việc phối hợp hoặc giao cho Hiệp hội du lịch tổ chức một số hoạt động, sự kiện du lịch tại địa phương, để Hội thực sự là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tại địa phương và Trung ương.
Đề nghị chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư cho các tổ chức Hội du lịch sao cho tương xứng với vị thế, vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp của một ngành kinh tế quan trọng, có tác động tích cực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
192 đại biểu chính thức về dự Đại hội
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: Bộ VHTTDL cam kết luôn đồng hành cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng các doanh nghiệp du lịch trong mọi hoạt động phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Cùng đó, Bộ VHTTDL cũng mong muốn Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, kế hoạch của Đảng và Nhà nước trong việc phục hồi và phát triển du lịch nước ta trong thời gian tới, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, năm 2022- 2023, ngành Du lịch cần triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người lao động trong lĩnh vực du lịch, xây dựng cơ chế thu hút lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch quay trở lại làm việc; tăng cường đào tạo nhân lực du lịch để bù đắp số lượng lao động bị thiếu hụt do tác động của đại dịch Covid-19, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tăng cường truyền thông, xúc tiến, quảng bá và từng bước phục hồi thị trường du lịch, thiết lập hạ tầng, từng bước thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Trong các năm tiếp theo 2024-2025: nhiệm vụ của ngành là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững, phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc sắc, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong phát triển du lịch, phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần tích cực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch.
Những việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ, giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch. Thứ trưởng mong muốn trong nhiệm kỳ tới, BCH Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ V tiếp tục sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động quản lý và phát triển Du lịch Việt Nam một cách bền vững trong thời gian tới.
Hiệp hội Du lịch cần tiếp tục thể hiện vai trò là chỗ dựa vững chắc của các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân là thành viên của Hiệp hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, các thành viên Hiệp hội; Định hướng, hỗ trợ và liên kết các thành viên trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các chuỗi giá trị bền vững trong phát triển du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia của Việt Nam...
Đại hội đã bầu ra 87 đại biểu vào Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam lần thứ V và bầu ông Vũ Thế Bình là Chủ tịch Hiệp hội, bà Cao Thị Ngọc Lan được bầu là Phó chủ tịch thường trực. Ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam được bầu là Chủ tịch danh dự.
THANH ANH