Giàn khoan Hưng Vượng: ''Cảnh giác cao độ với mọi tình huống''
(Suckhoemoitruong.com.vn) - “Mặc dù giàn khoan kia chưa xâm phạm trực tiếp tới vùng biển thuộc chủ quyền của VN nhưng phải tiếp tục theo dõi những diễn biến tiếp theo trên tinh thần cảnh giác cao độ trước mọi tình huống''.
Chia sẻ với PV, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu I nhận định:
“Vốn nằm ở vị trí địa lý hiểm yếu và liền kề với lãnh thổ trên đất liền với Trung Quốc, ông cha ta ngàn đời nay đã tích cực đấu tranh dưới nhiều hình thức và mức độ tùy thời điểm lịch sử để giữ vững quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc. Thời đại ngày nay cũng không phải ngoại lệ đòi hỏi toàn Đảng và toàn dân ta cần có những phương cách phù hợp trong tình hình mới”.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu I chia sẻ với PV về tình hình Biển Đông.
Mưu đồ ở Biển Đông là quá rõ ràng
Tình hình hiện nay trên Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Điều này được minh chứng bằng việc Trung Quốc đã và đang tiến hành rất nhiều hoạt động bồi đắp, cải tạo các bãi đá ngầm, đảo chìm thành đảo nổi nhân tạo.
Mục đích nhằm cố hiện thực hóa cái gọi là “Đường lưỡi bò” hay “Đường 9 đoạn” đầy phi lý mà phía Bắc Kinh nêu ra từ mấy năm nay. Theo đó, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, chồng lấn với cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ: "Ý đồ của Trung Quốc nhằm độc chiếm vùng Biển Đông được cho là nhiều tài nguyên dầu khí này đã được các nhà lãnh đạo nước này tính từ cách đây cả gần nửa thế kỷ.
Đó là năm 1974 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang diễn biến đầy gay go, ác liệt. Lợi dụng tình hình đó, “người bạn lớn” này đã âm thầm đổ quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để chiếm giữ trái phép.
Những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã gia tăng đáng kể các hoạt động đơn phương nhằm xây dựng trái phép các công trình trên cái gọi là “Thành phố Tam Sa” mặc cho dư luận quốc tế lên tiếng phản đối nhiều lần và bày tỏ quan ngại sâu sắc.
Gần đây Trung Quốc còn ráo riết cho xây dựng và mở rộng diện tích các đảo, nhóm đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam như Vành Khăn, Gạc Ma… thành các đảo nhân tạo, có diện tích lớn hơn nhiều diện tích ban đầu và có thể làm sân bay quân sự để hòng tạo ra thế “sự đã rồi”.
Việc làm của chính quyền Bắc Kinh còn trở nên ngang nhiên hơn khi mới đây họ còn công khai mời Mỹ cùng vào Biển Đông để dùng chung các đảo nhân tạo để nhằm mục đích “Tăng cường khả năng dự báo thời tiết, cứu hộ cứu nạn và phòng chống thiên tai trên biển”.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác yêu cầu trên của phía Trung Quốc và cho rằng các hành động này của chính quyền Bắc Kinh là không đem lại hòa bình và ổn định trong khu vực."
Việc đơn phương bồi đắp và mở rộng các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa của TQ là nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp, biến những nơi này thành lãnh thổ của nước này hiện vẫn đang bị cộng đồng quốc tế, nhất là Việt Nam lên tiếng phản đối mạnh mẽ. (Ảnh: Internet).
"Đảng, Chính phủ và nhân dân ta cần nhận thức rõ hơn bản chất của phía Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Kiên trì đấu tranh bằng con đường ngoại giao hòa bình cùng các biện pháp có lợi để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo trên. Tuyệt đối không được để mắc mưu anh hàng xóm này”, nguyên Tư lệnh Quân khu I nhấn mạnh.
Giàn khoan chỉ là con bài trong chiến lược của Trung Quốc
Nhắc tới động thái gần đây nhất khi hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin, ngày 30/4 nước này đã điều giàn khoan Hưng Vượng xuống Biển Đông để tiến hành thăm dò và tìm kiếm dầu khí nhưng chưa công bố vị trí hạ đặt cụ thể, vị Tướng nguyên Tư lệnh Quân khu I thận trọng cho biết:
“Chúng ta phải hết sức cảnh giác trước những động thái gần đây của Trung Quốc trong việc đẩy nhanh xây dựng đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự. Còn việc có điều giàn khoan xuống Biển Đông hay không thì vẫn phải tiếp tục theo dõi sát sao những diễn biến của tình hình”.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, "một khi đã có dã tâm và ý đồ bành trướng như vậy thì phía Trung Quốc đã có những toan tính rất kỹ từ trước đó nhiều năm.
Hiện giờ ta vẫn chưa nắm bắt được giàn khoan Hưng Vượng hiện di chuyển như thế nào, hạ đặt tại đâu trên Biển Đông và mục đích để làm gì nên chưa thể đưa ra bình luận gì cụ thể.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng giàn khoan có thể coi là một trong những “con bài” của Bắc Kinh trong chiến lược của nước này để mở rộng lãnh thổ xuống phía nam.
Giàn khoan Hưng Vượng - một trong những chiếc giàn khoan nước sâu nửa chìm nửa nổi hiện đại của Trung Quốc được cho là sẽ kéo xuống Biển Đông.
Vào thời điểm này năm ngoái (từ 1/5 - 15/7/2014) phía Trung Quốc cũng đã cho kéo giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Kèm theo đó là một số lượng lớn các tàu quân sự, tàu kéo và cả máy bay hộ tống để bảo vệ cho giàn khoan này. Việc làm này của phía Trung Quốc đã bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, quyết liệt.
Cuối cùng thì sau hơn 2 tháng cố tình xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc cũng đã phải rút giàn khoan đó cùng toàn bộ các tàu hộ tống, máy bay về nước do áp lực dư luận và phản ứng kiên quyết cùng sự đấu tranh mạnh mẽ của Việt Nam.
Liên hệ với sự việc năm nay Trung Quốc tiếp tục có ý định đưa thêm một giàn khoan nước sâu nữa xuống Biển Đông để thăm dò dầu khí đã dấy lên quan ngại sâu sắc của nhiều quốc gia.
Ngay trong hội nghị thứ 26 mới đây của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra nghị quyết trong đó bày tỏ quan điểm của khối trước sự bành trướng và đơn phương xây dựng trái phép, mở rộng các đảo đá ngầm, bãi đá thành đảo nhân tạo làm thành lãnh thổ của Trung Quốc."
Tướng Thệ nhấn mạnh rằng: “Công cuộc đấu tranh với Trung Quốc để giữ vững chủ quyền biển đảo là công việc lâu dài đòi hỏi phải có quyết sách đúng đắn từ Đảng và Chính phủ. Tuyệt đối tránh bị mắc mưu, sẽ không hề có lợi cho ta trên trường ngoại giao quốc tế. Đấu tranh trên các mặt trận từ Kinh tế, chính trị, ngoại giao đều phải có tính toán thật kỹ lưỡng”.
“Mặc dù giàn khoan kia chưa xâm phạm trực tiếp tới vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng ta cần phải tiếp tục theo dõi những diễn biến tiếp theo trên tinh thần cảnh giác cao độ trước mọi tình huống.
Chủ động hội nhập trên trường ngoại giao quốc tế để lên án và đấu tranh với Trung Quốc khi tiến hành xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam”, Tướng Phạm Xuân Thệ cho biết thêm.
Theo Minh Nhật - Người đưa tin