Giữ gìn văn hóa truyền thống ngày Tết ở phương Nam
Nhà ở đâu, Tết ở đó
Khi những nụ mai vàng bắt đầu bỏ lớp áo lụa bên ngoài cũng là lúc nhà nhà, người người rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Những người dân xa xứ, đang sinh sống và lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng hối hả chuẩn bị đón Tết với những nét đặc sắc của quê mình, vừa có những nét riêng biệt của cái Tết phương Nam.
Chị Ngô Thùy Anh quê gốc Hà Nội đang sinh sống ở thành phố Thủ Đức chia sẻ: “Từ khi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống và lập nghiệp, gia đình tôi đã có 12 cái Tết ở quê hương thứ 2 này. Với tôi, Tết ở phương Nam là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống Tết miền Bắc và phong cách Tết của người miền Nam”.
Mâm cơm ngày Tết của người dân tại TP. Hồ Chí Minh mang đậm hương vị Tết truyền thống |
Ngày Tết của gia đình tôi tại TP. Hồ Chí Minh giờ đã dần dần đơn giản hơn, mang đậm dấu ấn giản dị của người dân phương Nam, nhưng ngày 28 Tết, mẹ tôi vẫn tất bật đi chợ sắm Tết. Thay vì mua hoa thược dược hay lay ơn như trước kia ở Hà Nội, giờ mẹ tôi thường chọn hoa cúc đại đóa, hoa ly hay chậu mai - những loài hoa mang đậm hương sắc phương Nam. Trên mâm ngũ quả cúng gia tiên, chúng tôi cũng kết hợp giữa phong cách của người miền Bắc với những quả chuối xanh, quả bưởi vàng, quất đỏ nhưng cũng không thể thiếu những loại trái cây đặc trưng của miền Nam như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài... Những thay đổi nhỏ ấy lại mang đến một cái Tết đầm ấm, gần gũi mà vẫn đậm đà bản sắc truyền thống” - chị Thùy Anh chia sẻ.
Gia đình anh Nguyễn Quốc Hùng rời quê hương Quảng Nam vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc đã hơn 30 năm, nhưng năm nào anh cũng dành thời gian để chuẩn bị đón Tết như ở quê mình.
“Quê tôi thường đón Tết với những chậu quất, bánh tét, bánh tổ, bánh in, chả bò, nem, tré, dưa món, dưa kiệu… Những thứ này không thể thiếu được trong những ngày Tết quê nên tôi phải chuẩn bị trước. Không chỉ vậy, sống ở TP. Hồ Chí Minh cũng lâu năm rồi, nên Tết ở đây cũng không thể thiếu chậu hoa mai, chậu cúc vạn thọ hay nồi thịt kho trứng, nồi canh khổ qua dồn thịt. Đặc biệt, ngày còn ở quê, đêm 30 nào chúng tôi cũng quây quần cả gia đình bên bếp lửa bập bùng của nồi bánh tét. Khi vào đây sinh sống, chúng tôi vẫn không quên truyền thống này. Vẫn bếp lửa đêm 30, bên cạnh nồi bánh tét sôi sùng sục, mọi người lại kể về những chuyện xưa cũ, về ông bà đã từng đón Tết dù nghèo mà vui như thế nào”, anh Hùng cho biết.
Những người con xa xứ là thế, với anh Nguyễn Văn Tám cũng vậy. Dù quê ở Tiền Giang khá gần, nhưng 20 năm sinh sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, anh cũng đã tiếp nhận nhiều văn hóa vùng miền khác nhau. Mỗi khi Tết đến, nhà anh lại chộn rộn hẳn. Mẹ và vợ anh đảm đương việc đi chợ mua hoa về cắm vào các lọ hoa trên bàn thờ, mua trái cây về chuẩn bị cho mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên và cúng đêm giao thừa; đồng thời chuẩn bị đồ ăn cho cả dịp Tết. Còn anh thì dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, đánh bóng lại bộ lư hương, lau rửa lại bàn ghế… Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của anh là đi lựa mua vài chậu hoa cúc, vạn thọ và không thể thiếu cặp mai vàng để trưng trong nhà ngày Tết.
Anh Tám chia sẻ: “ngày 30 Tết là thời gian cả nhà gác hết công việc riêng để quây quần cùng nhau. Dù là người miền Tây “rặt”, nhưng đêm 30 Tết, cả nhà tôi lại quây quần bên nồi bánh chưng - món ăn truyền thống đậm hương vị của người miền Bắc. Mỗi dịp Tết tôi hay nấu bánh chưng và bánh tét vừa để cúng trong mấy ngày Tết, vừa để biếu cho hàng xóm, bạn bè xung quanh. Theo anh Tám, thời nay, việc ra ngoài mua cái bánh chưng, bánh tét không khó, nhưng anh vẫn chọn cách tự gói và nấu. bởi “đó là lúc mọi người được sống trong không khí gia đình đậm nét nhất. Thời điểm mà mọi thành viên như trút bỏ mọi sự lo toan, bộn bề của cuộc sống mưu sinh và trở về quỹ đạo gia đình, nơi tình yêu thương là trên hết”, anh Tám tâm sự.
Người dân sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh luôn dạy bảo con cháu nhớ về tổ tiên và cùng nhau giữ gìn văn hóa Tết Việt |
Nét văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ
Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Huỳnh Ngọc Trảng cho biết, những người dân dù xa xứ, sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh phía Nam nhiều năm vẫn giữ gìn được những nét văn hóa, phong tục truyền thống đặc sắc của người Việt trong dịp Tết.
Đối với người dân miền Tây, mỗi khi cùng nhau gói bánh Tét là thấy Tết đang về. |
Không phân biệt người miền Bắc, miền Trung hay miền Tây Nam Bộ mỗi dịp Tết đến mọi người dân đều nhớ về các giá trị truyền thống của dòng tộc. Trước Tết, từ ngày 23 đến 26 tháng Chạp, tất cả thành viên trong gia đình, từ người già đến trẻ nhỏ, đều tham gia vào nghi thức tảo mộ - một nét văn hóa thể hiện sự kính trọng đối với tổ tiên, ông bà. Họ đi thăm mộ, lau dọn mồ mả và mời ông bà, tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Những ngày cận Tết, như từ 28 đến 30 Tết, mọi người trong nhà lại cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa để đón năm mới, tạo không khí ấm cúng và đầy đủ cho những ngày Tết.
Không thể thiếu trong dịp Tết là những mâm cơm đặc trưng của từng vùng miền. Đối với mỗi gia đình, dù sinh sống ở đâu, Tết vẫn luôn là dịp để họ chuẩn bị những món ăn đậm đà hương vị quê nhà. Người miền Bắc không thể thiếu nem rán, bánh chưng trong mâm cơm Tết. Người miền Tây lại đặc biệt với bánh tét, canh khổ qua, thịt kho tàu - những món ăn gắn liền với bản sắc của miền đất phương Nam. Mỗi món ăn không chỉ mang hương vị đặc trưng, mà còn chứa đựng tình cảm, sự nhớ nhung về quê hương, về gia đình.
Đối với người dân miền Tây, mỗi khi cùng nhau gói bánh Tét là thấy Tết đang về |
“Nhắc đến việc đón Tết tại TP. Hồ Chí Minh, đối với người dân gốc Bắc sẽ có món bánh chưng, còn người dân gốc miền Tây, miền Trung sẽ có đòn bánh tét. Khác với bánh chưng miền Bắc được gói vào ngày 30 Tết thì với người miền Tây và miền Trung, bánh tét sẽ được gói vào ngày mồng 2 Tết và được luộc trong đêm để sáng Mùng 3 dâng bánh tiễn chân ông bà. Những loại bánh này từ bao đời đã trở thành linh hồn Tết của người Việt Nam, đang được người Việt lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau khi sinh sống, làm việc ở bất kỳ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S này”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận xét.