Hà Nội: Gầm đường sắt trên cao bị “xẻ thịt” làm bãi đỗ xe
Tình trạng chiếm dụng gầm đường sắt trên cao để trông giữ xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường
Theo ghi nhận, tại khu vực trước cổng TTTM Royal City trên đường Nguyễn Trãi (Q. Thanh Xuân), tình trạng chiếm dụng gầm tuyến đường sắt trên cao đã diễn ra gần 1 năm nay. Nhiều người dân địa phương cho biết, tình trạng này không những ảnh hưởng đến giao thông trên đường Nguyễn Trãi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trong khu vực và gây ô nhiễm môi trường.
Tại đây, mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe máy ra vào để gửi khiến các điểm trông giữ xe tự phát luôn trong tình trạng kín chỗ, giá mỗi lượt gửi từ 15 đến 20 ngàn đồng/xe, vì ăn nên làm ra nên thường xuyên xuất hiện tình trạng chèo kéo khách và xung đột giữa các chủ bãi trông giữ xe. “Giá cao gấp gần chục lần so với vào gửi xe ở TTTM Royal City nhưng vì gửi ở đây tiện hơn, nhanh hơn nên vẫn chấp nhận để gửi”, bà Hoa – một khách gửi xe tại bãi xe tự phát dưới gầm tuyến đường sắt trên cao cho biết.
Tình trạng chiếm dụng gầm đường sắt trên cao để trông giữ xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường
Tương tự ngay dưới gầm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đoạn qua đường Hào Nam (Đống Đa) cũng bị chiếm dụng để làm bãi trông giữ xe từ nhiều tháng nay. Tại đây, giá trông mỗi chiếc xe máy là 20 ngàn đồng/ lần gửi, 40 ngàn đồng/1 ô tô/ lần gửi. Mỗi ngày, các điểm trông giữ xe này có thể thu về được tiền triệu.
Việc trông giữ ô tô, xe máy tại khu vực này, gây mất cảnh quan đô thị, khó khăn trong việc phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, khi các phương tiện ô tô lùi đỗ vào bãi để xe dưới gầm cầu còn ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông khác khi lưu thông qua đây, gây ách tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Gầm đường sắt trên cao qua đường Hào Nam bị chiếm dụng
Theo Thông tư mới nhất của Bộ GTVT (Thông tư 39/2011 - Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ) chỉ rõ: "Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường...".
Gầm đường sắt trên cao qua đường Hào Nam bị chiếm dụng
Gầm đường sắt trên cao qua đường Hào Nam bị chiếm dụng
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều gầm cầu vượt, gầm đường sắt trên cao vẫn bị chiếm dụng làm bãi gửi xe, đỗ xe mà không cơ quan chức năng nào xử lý?
TRIỆU NHẤT