Hoa khôi đá cầu Việt Nam gồng mình trên “sàn đấu” sinh tử
SK&MT- Từng giành 2 huy chương vàng thế giới năm 2005 và năm 2007, nhưng giờ đây cựu cầu thủ - hoa khôi đá cầu Việt Nam, Nguyễn Huyền Trang đang phải gồng mình “thi đấu” với ung thư giai đoạn cuối.
Hoa khôi làm nên sử vàng
Trong tiềm thức của tôi chị là một cầu thủ khỏe khoắn, giỏi giang và xinh đẹp. Và vẫn con người ấy, vẫn khuôn mặt ấy nhưng khác với năm xưa nhà vô địch thế giới nhanh nhẹ, hoạt bát nhưng giờ đây một người mang dáng dấp yếu ớt đang cố gắng ngồi thẳng mình thở từng hơi thở mệt nhọc cố trò chuyện làm tôi không khỏi xót xa. Chẳng ai có thể nhận ra đây chính là hoa khôi Nguyễn Huyền Trang từng “làm mưa, làm gió” trong làng đá cầu Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình có hai chị em, bố mẹ làm công nhân hiện nay đã về hưu. Được sự bao bọc của bố mẹ, với học lực giỏi nhưng chị lại có “máu” mê thể thao từ bé, mặc cho sự ngăn cản và những giọt nước mắt của mẹ chị nhất quyết theo đuổi đam mê của mình. Cuối cùng mẹ chị cũng đành đồng ý, chỉ biết là hậu phương vững chắc cỗ vũ con.
Đến với đá cầu từ năm 9 tuổi, chấp nhận xa gia đình, chấp nhận cuộc sống tự lập. Sau một thời gian luyện tập, năm 1999, lần đầu tiên chị được thi đấu giải quốc gia.
Mang lại nhiều huy chương cho đội tuyển quốc gia trong những năm 2000-2007, đây cũng chính là thời điểm đỉnh cao trong sự nghiệp của Huyền Trang, chị cùng các đồng đội đã giành nhiều huy chương quốc gia, SEA Games và thế giới. Trong số đó có hai HC vàng SEA Games 22 đôi nữ và đồng đội nữ; hai HC vàng thế giới năm 2005 và 2007.
Đằng sau vinh quang
Khi sự nghiệp đang vang dội thì năm 2007, Huyền Trang giải nghệ để lập gia đình, sinh con. Sau 5 năm cuộc hôn nhân không hạnh phúc chị đã chia tay, vì không nghề nghiệp chị chỉ được quyền nuôi dưỡng cháu lớn. Năm 2012, Huyền Trang trở lại đầu quân cho đội Đà Nẵng sàn đấu để có thêm thu nhập.
Tưởng rằng mọi thứ dần ổn định nhưng chỉ một năm sau chi phát hiện có khối u trên ngực. Gia đình đưa chị đến một bệnh viện để làm xét nghiệm. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy đó là khối u lành. Nhưng đến năm 2013, Trang đau lưng nhiều, đi lại khó khăn. Gia đình đưa chị vào bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị. Tại đây Trang được chẩn đoán bị viêm đa khớp cột sống, lao xương, chị đành gửi cháu lớn cho bố cháu chăm sóc.
Tình trạng sức khỏe của Huyền Trang cứ ngày một yếu đi và các bác sĩ đã phải mổ thay một đốt cột sống cho chị và 4 cột sống khác được nẹp. Sau khi tiến hành làm sinh thiết, các bác sĩ mới hay Trang bị ung thư vú từ trước đó, nay di căn vào tận xương. Bệnh tình của chị cứ thế nặng dần lên nên đến tháng 5-2015, chị không đi lại được nữa vì bị liệt nửa người bên dưới, phải nhập bệnh viện Ung bướu Hà Nội điều trị.
Đầu năm 2016 được sự chăm sóc của gia đình và những lời động viên từ bạn bè sức khỏe của chị dần ổn định và động lực lớn nhất của chị là hai đứa con thơ, có lẽ chúng chính là lý do để chị dũng cảm chiến đấu với khối u hằng ngày.
Những chiếc huy chương của Huyền Trang
Sức khỏe ổn định chẳng được bao lâu, giờ đây, Huyền Trang chống chọi từng ngày với căn bệnh quái ác. Đầu đã rụng gần hết tóc vì những đợt xạ trị, tiêm thuốc, ăn bao nhiêu cũng chỉ để nuôi khối u kia.
Gia đình Trang cũng không có điều kiện để chữa trị, ba năm chữa bệnh cho chị bố mẹ phải đi vay mượn khắp nơi. Bà Nguyễn Thị Bái - mẹ của chị, cho biết: “Bác sĩ nói ung thư đã ăn vào đốt cột sống, đang phá hủy từng ngày. Đây là bệnh hiếm gặp. Lần này điều trị cũng đừng hi vọng nhiều quá”.
Bà Bái cho biết thêm: “Bệnh tình của chị ngày một xấu đi, cũng chuẩn bị tâm lý, nhưng còn nước thì còn tát, chị ấy cũng lạc quan lắm, được sự động viên của bạn bè và niềm an ủi là hai đứa con thơ đến nay chống chọi với bạo bệnh cũng được 3 năm rồi, nhưng cứ mỗi năm tầm này chị ấy lại phát bệnh”.
Những ngày chị ốm, bạn bè của chị, đồng đội cũ tới thăm nom, chăm sóc. Trang cũng nhận được sự quan tâm từ phía ngành thể thao, động viên chị bằng cách đưa chị đi chơi, đưa đến những câu lạc bộ đá cầu, để chị làm thủ quỹ, phần nào cho chị khuây khỏa mà có thể dũng cảm “thi đấu” với căn bệnh. Chị chia sẻ, đó thực sự là những lời động viên rất ý nghĩa lúc này, giúp chị có thêm động lực để chiến đấu với căn bệnh.
Nhiều năm khoác trên mình màu áo của đội tuyển quốc gia, chị lại không được hưởng bảo hiểm y tế. Ngày bị bệnh, nhận thấy sức khỏe con gái ngày càng yếu đi, bố mẹ mua cho chị bảo hiểm y tế của người thu nhập thấp, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với những gì gia đình chị phải bỏ ra để chi trả viện phí cho chị.
Từ ngày chị bị bệnh cho đến nay, cứ 21 ngày chị lại nhập viện một lần để tiêm và hóa trị, mái tóc cứ mọc dài được một chút lại rụng đi vì những lần trị xạ, chi phí cho mỗi lần xạ lên đến 15 triệu đồng.
“Có những thời gian không nghĩ chị ấy bị bệnh đâu, đang còn khỏe, da còn đẹp lắm. Chị ấy còn đi cùng đội sang Thái Lan tham để đá cầu, chị ấy đi một tuần kia mà”, bố chị chia sẻ.
Mọi thứ đi đứng, ngồi tất cả đều trở nên khó khăn với chị, từng hơi thở mệt nhọc, giọng nói thều thào do tác dụng phụ của mỗi lần tiêm và hóa trị. Dạ dày bị bào mòn dần, những cơn đau bụng, cồn cào buồn nôn, những cơn đau dai dẵng ở lưng ở ngực đang làm hao gầy người con gái ấy.
Chị bảo, nếu chị không là cầu thủ, nếu không có sự động viên của gia đình và bạn bè chắc chị đã ngã quỵ rồi. Nghĩ về hai đứa nhỏ, nghĩ về công sức của bố mẹ, về những ngày tháng vinh quang của mình, chưa bao giờ chị khao khát sống như bây giờ.
Hạnh Lê