Hội LHPN Việt Nam hưởng ứng Tháng hành động vì Môi trường năm 2024
Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán ngày càng trở nên cấp bách, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngọt cung cấp cho người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tưới tiêu và đến hàng chục nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, hạn hán vẫn đang xảy ra khốc liệt ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang đã phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc buổi Lễ |
Với nhịp độ gia tăng dân số, tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hóa như hiện nay, diện tích đất canh tác ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm. Quá trình sản xuất công nghiệp đã phát sinh ra một lượng lớn nước thải và chất thải rắn, trong đó chất thải rắn nguy hại.
Ô nhiễm môi trường, sa mạc hoá và hạn hán đang ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân. Đáng chú ý là phụ nữ và trẻ em gái bị tác động tiêu cực hơn so với nam giới bởi họ chiếm tỷ lệ cao trong các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, sống dựa vào rừng, thiếu kiến thức và kỹ năng hơn.
Các nghiên cứu của Liên hợp quốc chỉ ra rằng việc lồng ghép giới trong các giải pháp phục hồi đất và ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ yêu cầu để bảo đảm quyền con người và bình đẳng giới mà còn giúp nâng cao hiệu quả công tác phục hồi đất và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Trong nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện theo Nghị quyết thứ 13 của Đảng trong việc chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sâu rộng để vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả.
Đặc biệt thông qua cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào “Chống rác thải nhựa”, phong trào trồng cây xanh.... cùng các mô hình, cách làm hay, linh hoạt, sáng tạo tại các địa phương được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng như: “Phân loại rác thải, tích lũy ve chai tạo quỹ nhân ái”; “Mỗi hố rác, một cây xanh”; “Gạch sinh thái”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”...
Ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, trong những năm qua, phong trào thi đua bảo vệ, phát triển rừng, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện không ngừng được phát huy, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì phát biểu tại buổi Lễ |
Hưởng ứng các nội dung do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động tại Lễ mit tinh, UBND huyện Ba Vì cùng cam kết, đồng hành thực hiện các nội dung cụ thể trong tháng hành động vì Môi trường năm 2024 như: Tổ chức phong trào ra quân, làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải, phân loại rác thải tại nguồn; phát động chung tay thực hiện chiến dịch bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH bằng các hình thức thiết thực hiệu quả (treo băng rôn, khẩu hiệu, banner… có tính thân thiện với môi trường tại địa phương) tạo tính lan toả cao; tăng cường công tác kiểm tra các nguồn xả thải trong hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, canh tác nông nghiệp,…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ mít tinh Tháng hành động vì môi trường 2024 |
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì thay mặt cho hội viên, phụ nữ Hà Nội phát biểu cam kết thực hiện bảo vệ môi trường bằng những hành động, việc làm thiết thực cụ thể, nhằm góp phần cho xã, huyện nói riêng mà cho đất nước nói chung càng trở nên xanh – sạch – đẹp bền vững.