Hội nghị “Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Sáng 24/3, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và hội nghề nghiệp; đại diện các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới WHO, Ngân hàng Thế giới WB, Liên minh Châu Âu EU và một số nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển y tế cơ sở và thực hiện thành công mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Y tế cơ sở là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế Việt Nam. Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế tuyến huyện và tuyến xã là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội. Ngay từ khi mới dành được độc lập, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu đến y tế cơ sở vì vậy mạng lưới y tế cơ sở đã được hình thành và phát triển đến tận thôn, bản với đội ngũ cán bộ ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng chuyên môn.
Đến nay, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở còn bao gồm cả cô đỡ thôn bản và cộng tác viên y tế. Năm 1954, mạng lưới y tế cơ sở miền bắc chỉ có 2.000 trạm y tế trên tổng số 6.000 xã với 258 y, bác sỹ; 78 dược sỹ đại học và trung học; 5.000 y tá và 1.800 nữ hộ sinh; 30.000 vệ sinh viên thôn xóm. Đến nay, Việt Nam đã có gần 11.000 trạm y tế xã với hàng trăm ngàn cán bộ y tế công tác. Hệ thống Y tế của Việt Nam đặc biệt là Y tế cơ sở đã được các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá cao.Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới, hải đảo.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, hiện còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức như: Mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng gia tăng nhanh chóng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích, đan xen với bệnh nhiễm trùng; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu; vấn đề kiểm soát yếu tố nguy ảnh hưởng đến sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn (như ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội), trong khi khả năng đáp ứng về dịch vụ y tế còn hạn chế, đặc biệt là ở y tế cơ sở; Chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng ngày càng cao. Tình trạng sức khỏe của nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa tuy đã có cải thiện, nhưng tiến bộ chậm hơn so với mức chung của cả nước; Hệ thống y tế cơ sở vẫn bộc lộ nhiều điểm bất cập; Chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở ở nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở còn gặp khó khăn do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; đầu tư cho y tế cơ sở cả về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu....
Vì vậy các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho việc xây dựng y tế cơ sở về các mặt: nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính, chính sách thu hút và đãi ngộ cán bộ nhằm đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tiến tới xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ông Takeshi Kasai, Giám đốc Lĩnh vực Kế hoạch và Quản lý, Văn phòng WHO Khu vực Tây Thái Bình dương (WPRO) nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những cộng đồng dân số có sức khỏe tốt nhất tại khu vực, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực y tế nhờ mạng lưới y tế cơ sở mạnh.Sự phát triển kinh tế nhanh chóng làm thay đổi tình hình liên quan đến y tế và hệ thống y tế cần phải đổi mới. Ngoài ra, mạng lưới y tế cơ sở đóng vai trò then chốt giúp hệ thống y tế mới ứng phó với thách thức và nhu cầu mới, việc đổi mới y tế cơ sở cần phải tập trung vào vùng sâu vùng xa, lấy con người làm trung tâm, đồng thời thiết lập mối quan hệ chặt chẽ của y tế cơ sở; tiếp tục tăng cường năng lực cho y tế cơ sở tuyến dưới, đầu tư vào quản lý nguồn nhân lực, cơ chế tài chính, tối ưu hóa các biện pháp can thiệp trong lĩnh vực y tế. Đổi mới mạng lưới y tế cơ sở không phải là một quá trình tách biệt mà cần phải đi cùng với việc thiết kế toàn bộ hệ thống y tế cơ sở và Tổ chức Y tế thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ cho lĩnh vực này tại Việt Nam.
Khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị, ông Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu cho rằng, với vai trò là đối tác quan trọng của Việt Nam, Liên minh Châu Âu đánh giá cao những thành tựu y tế của Việt Nam, đặc biệt là y tế cơ sở đạt được những thành tựu y tế rất ấn tượng, tin tưởng trong tương lai triển vọng của y tế Việt Nam rất lạc quan do có sự lãnh đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành y tế. Hội nghị là dấu mốc quan trọng để đánh giá kết quả đạt được trong CSSK toàn dân tại Việt Nam.
Ông Thomas Palu, Giám đốc phụ trách Dân số - Dinh dưỡng và Dinh dưỡng toàn cầu khu vực Tây Á - Thái Bình dương, Ngân hàng Thế giới nêu rõ: Việt Nam là một trong 10 quốc gia đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ về y tế bình diện toàn cầu, tuy nhiên để phát huy những thành tựu đạt được cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tại Việt Nam việc cung cấp dịch vụ y tế đang đòi hỏi ngày càng toàn diện hơn. Việt Nam cần một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu hiện đại, cần tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở làm cho mục tiêu bao phủ toàn dân bền vững. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, có được hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt là do họ có tầm nhìn, cam kết ý chí chính trị mạnh mẽ để triển khai đổi mới công tác y tế,đảm các dịch vụ y tế, vì vậy Việt Nam cần tiếp tục chú trọng nâng cao nguồn nhân lực y tế, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, trang thiết bị y tế, đồng thời với sự cam kết cao về mặt chính trị và nỗ lực của toàn hệ thống y tế sẽ đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ).
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Phiên khai mạc toàn thể sáng nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng đã chia sẻ về vấn đề y tế cơ sở Việt Nam: Kết quả thực hiện, bài học kinh nghiệm, thách thức và định hướng. Theo đó, mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, quận, huyện, thị xã trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được CSSK cơ bản với chi phí hợp lý. Mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã và đang không ngừng được củng cố qua các thời kỳ và đảm bảo được khoảng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở. Tính đến năm 2012, trên cả nước có 622 bệnh viện tuyến huyện với tổng số 68.959 giường bệnh; 651 phòng khám đa khoa khu vực với 6.752 giường bệnh; 11.105 trạm y tế xã. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ làm việc tại trạm chiếm 73,5%; 96,4% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 73,4% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm 71,6%; khoảng 78,8% trạm y tế xã đã thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Việc triển khai khám chữa bệnh BHYT tại TYT xã làm tăng tính tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ngay tại tuyến cơ sở. Tỷ lệ thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại TYT xã chiếm 41% và tại bệnh viện huyện chiếm 45% tổng số thẻ đăng ký KCB ban đầu. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi với bệnh không lây nhiễm, tại nạn, thương tích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp, tình trạng già hóa dân số, sẽ là thách thức đối với ngành y tế thời gian tới. Do vậy, giải pháp để tăng cường y tế cơ sơ cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là cần có các chính sách ưu tiên đầu tư phù hợp cho y tế cơ sở; Công tác truyền thông vận động nhân dân hiểu và tham gia vào CSSKBĐ; Có sự cam kết và hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển; Sự cam kết chính trị mạnh mẽ và nhất quán xuyên suốt qua các thời kỳ cho đầu tư và phát triển y tế cơ sở làm nền tảng cho việc thực hiện công tác CSSKBĐ ở Việt Nam; Phát huy sự tham gia liên ngành và huy động cộng đồng tham gia vào công tác CSSKBĐ: trong đó sự tham gia của cộng đồng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể là một yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong công tác CSSKBĐ ở Việt Nam...
Hội nghị cũng đã nghe Giáo sư Recep Akdağ , Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ kinh nghiệm trong Chương trình cải cách y tế tại Thổ Nhĩ Kỳ và TS. Suwit Wibulpolprasert, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm về củng cố mạng lưới y tế cơ sở và tăng cường sự gắn kết của cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu: kinh nghiệm qua 4 thập kỷ và hành trình tiếp tục của Thái Lan.
GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cũng đã chia sẻ về vấn đề xây dựng y tế cơ sở gắn kết với thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu: một chiến lược quan trọng của y tế VN. Theo đó, Y tế cơ sở là những đơn vị y tế phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản (gần 80% bệnh tật). Nếu các đơn vị y tế cơ sở phát triển và cung cấp được các dịch vụ có chất lượng cho dân tạo ra sự tiết kiệm rất lớn cho dân trong chăm sóc sức khỏe. Do vậy, để xây dựng và phát triển y tế cơ sở, chúng ta cần lưu ý những phương hướng sau:Phải gắn kết việc hoàn thiện và củng cố y tế cơ sở với thực hiện nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu và luôn luôn đề cao chất lượng của y tế cơ sở; Đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của y tế cơ sở gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu từ cách nhìn theo phân cấp hành chính sang phân loại theo chức năng; Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở với nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu phải theo nguyên tắc gần dân, bám sát dân; Coi trọng khâu nhân lực cho y tế cơ sở với nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu và coi đây là khâu cốt yếu. Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở với nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu...Y tế cơ sở dễ bị coi nhẹ và chưa được ưu tiên trong đầu tư tài chính, nhưng khi có nguồn đầu tư lại hay đầu tư dàn trải và ít tính đến hiệu quả. Vì vậy phải luôn nhấn mạnh đến sự quan tâm xây dựng cơ chế tài chính theo hướng có nguồn đầu tư riêng và ưu tiên đầu tư tài chính từ nguồn Nhà nước cho y tế cơ sở....
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ Y tế lần đầu tiên phối hợp với các tổ chức quốc tế WHO, Eropean Union, The World Bank đã tổ chức Hội nghị về tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chính phủ yêu cầu, trên cơ sử những thảo luận, kết quả của Hội nghi sẽ là tiền đề để Bộ Y tế tiếp tục xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở VN, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: Xác định vai trò, phạm vi của mạng lưới y tế cơ sở và mối quan hệ giữa y tế cơ sở và hệ thống bác sĩ gia đình. Xác định những dịch vụ kỹ thuật được cung cấp tại tuyến y tế cơ sở đồng thời chuẩn hóa và có hệ thống đánh giá nghiêm ngặt các dịch vụ kỹ thuật này. Đào tạo, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở làm việc tại cộng đồng. Nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế cơ sở trên toàn quốc. Đề xuất cơ chế tài chính cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tuyến y tế cơ sở. Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo cho người bệnh được chữa trị, chăm sóc bằng những nguồn lực tốt nhất nhưng với mức chi phí người bệnh phải chi trả thấp nhất. Tăng cường đầu tư toàn diện cho y tế cơ sở. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở như: ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống bệnh viện vệ tinh, nâng cao năng lưc bác sĩ gia đình...Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân để chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, đồng thời tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế như là một phương thức tốt nhất cho chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Chiều 24/3, Hội nghị chia thành 03 phiên họp nhóm và tập trung vào những nội dung về Cung ứng dịch vụ CSSKBĐ tại tuyến y tế cơ sở; Tổ chức và phát triển nhân lực cho y tế cơ sở; Tài chính và đầu tư cho y tế cơ sở.
Phạm Hằng