Khắc phục khó khăn, quyết tâm chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030
Toàn cảnh Hội nghị |
Tham dự cuộc họp có đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Ban lãnh đạo Bệnh viện phổi Trung ương và Chương trình chống lao Quốc gia.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nêu rõ kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu lên 12 vấn đề cần giải quyết. Trong đó cần khắc phục một số vấn đề về sự phối hợp giữa các đơn vị và các vấn đề liên quan để hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu |
Đại diện Bệnh viện phổi Trung ương đã trình bày báo cáo chi tiết về hoạt động của chương trình chống Lao quốc gia. Mạng lưới chương trình chống Lao quốc gia trên toàn quốc: 3 bệnh viện chuyên khoa Trung ương, 49 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (12 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa). Hệ thống xét nghiệm được tổ chức tương ứng; tổ chống Lao tuyến huyện; nhân viên phòng chống bệnh truyền nhiễm tại trạm y tế xã; mạng lưới phòng, chống Lao trong trại giam, y tế tư nhân … Tổng số nguồn nhân lực toàn mạng lưới phòng, chống Lao là khoảng 12.000 cán bộ. Chương trình chống Lao quốc gia nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nhóm đối tác bao gồm: Nhóm đối tác quốc tế: WHO, USAID, CDC, Quỹ Toàn cầu; Nhóm đối tác là các Bộ ngành, tổ chức chính trị - xã hội: Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ; Nhóm đối tác là các tổ chức phi Chính phủ: KNCV, FIT, CHAI, FHI; Nhóm đối tác là các tổ chức dựa vào cộng đồng: SCDI; Nhóm đối tác là các đơn vị nghiên cứu, học thuật: UCSF, Woolcock, UNC, Học viện Quân y ...; Các cơ sở y tế y tế từ tuyến cơ sở trở lên, hệ thống nhà thuốc tư nhân.
Đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương cũng nêu lên thực trạng thiếu nhân lực thực hiện công tác phòng, chống lao tại địa phương, khó khăn trong việc thu dung điều trị tại các địa phương không có bệnh viện chuyên khoa và việc xếp hạng các bệnh viện chuyên khoa phổi hiện nay. Cùng với đó, đại diện bệnh viện cũng đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, hoạt động chuyên môn và vấn đề phụ cấp đặc thù đối với cán bộ tham gia công tác phòng, chống bệnh Lao.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham gia đã đóng góp các ý kiến để khắc phục các tồn tại trong mạng lưới phòng, chống Lao quốc gia. Bệnh Lao là bệnh truyền nhiễm nhóm B, thực tế có 12 địa phương không có bệnh viện chuyên khoa thì công tác phòng, chống Lao gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cần có phương án bổ sung nguồn nhân lực tham gia hoạt động phòng, chống Lao.
Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương tham luận tại hội nghị |
Chương trình chống Lao quốc gia hiện nay còn thiếu hệ thống báo cáo thống kê, chưa được bao phủ trên toàn quốc. Cơ chế tài chính cần được phân tách về dự phòng và điều trị. Tăng cường sàng lọc để đưa vào sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Ban điều hành Chương trình chống Lao quốc gia cần nghiên cứu đưa nội dung chống Lao vào Luật phòng bệnh.
Các đại biểu cũng nêu rõ, cần có nghiên cứu, đánh giá tổng thể những mặt mạnh và mặt cần điều chỉnh để đề xuất các nội dung. Hệ thống tổ chức y tế từ Trung ương đến địa phương thì y tế cơ sở đóng vai trò thế nào trong công tác phòng, chống Lao? Nhân lực cho lĩnh vực Phong, Lao, Tâm thần là ba lĩnh vực rất khó khăn và luôn luôn thiếu. Ban điều hành chương trình nghiên cứu để có thể tận dụng tối đa các bác sĩ y tế dự phòng, hay định hướng đào dài hạn để tăng nguồn nhân lực.
Cũng theo các đại biểu, chương trình phòng, chống Lao là chương trình có hành lang pháp lý đầy đủ, liên tục cập nhật các văn bản hướng dẫn. Các Thông tư liên quan đến hoạt động phòng, chống Lao được ban hành đầy đủ, cùng với đó là cập nhật các hướng dẫn phòng, chống, điều trị bệnh Lao. Cần tổ chức đánh giá tổng kết và đề xuất chiến lược mới, cần xem xét điều chỉnh chiến lược chung chấm dứt bệnh Lao của toàn cầu. Xây dựng Chỉ thị để huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị về công tác phòng, chống Lao. Cần sớm kiện toàn Ủy ban quốc gia phòng, chống bệnh Lao để chỉ đạo điều hành mạng lưới trên toàn quốc. Tại các địa phương cần đánh gia đầu tư của từng địa phương về công tác phòng, chống Lao để có điều chỉnh phù hợp.Phát biểu kết luận Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Ban điều hành chương trình phòng, chống Lao quốc gia trong suốt thời gian vừa qua. Tuy nhiên trước thực tế hiện nay, việc định hướng chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030 còn rất nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ, Cục, Viện và Bệnh viện Phổi Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ có trong kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các đơn vị cần phối hợp xây dựng chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao trong tình hình mới và cố gắng ban hành vào đầu Quý 4/2024; cần nhanh chóng dự thảo nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống bệnh Lao để nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành và các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương trong tháng 5, tháng 6/ 2024 phải thành lập đoàn công tác làm việc với 12 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa phổi để có báo cáo tổng thể tới lãnh đạo Bộ Y tế và Chính phủ; cần kiện toàn tổ chức của Ban điều hành Chương trình chống Lao quốc gia và có giao ban hàng tháng; giao Cục Khoa học – Công nghệ và Đào tạo phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tăng cường đào tạo,tập huấn cho các cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống Lao cả về dự phòng, điều trị, truyền thông…Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp với Vụ Pháp chế rà soát lại các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống Lao để điều chỉnh phù hợp. Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống Lao quốc gia; cần nghiên cứu áp dụng linh hoạt chỉ thị 25 về y tế cơ sở trong công tác phòng, chống Lao để hoạt động phòng, chống Lao phát huy được hiệu quả, từ đó thực hiện công tác chuyển tuyến cho người bệnh Lao phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, sau khi có chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao mới thì cần phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện, vạch rõ được các mốc thời gian và nhiệm vụ cụ thể. Trước những khó khăn thực tế, yêu cầu các Vụ, Cục, Viện và Bệnh viện Phổi Trung ương hạ quyết tâm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ; quyết tâm hướng tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030.