Khai sáng vùng biên từ năng lượng sạch
"Đón nắng trên những tầng pin xanh - một góc nhìn mới tại vùng Thiên Cấm Sơn của tỉnh An Giang”.
Tiềm năng bức xạ dồi dào
Các nghiên cứu khoa học về bức xạ tại Việt Nam, đã ghi nhận: nước ta có tiềm năng năng lượng bức xạ dồi dào; phân hóa theo không gian: thấp hơn ở miền Bắc và cao hơn ở miền Nam, cao nhất ở ven biển Nam Trung Bộ-Bà Rịa Vũng Tàu; theo thời gian: thấp hơn vào các tháng mùa đông và cao hơn vào các tháng mùa hè. Trung bình cả nước, tổng tiềm năng năng lượng bức xạ đạt giá trị khoảng 1.500-1.600 kWh/m2/năm (tương ứng khoảng 4,0-4,5 kWh/m2/ngày), được đánh giá ở mức có tiềm năng khai thác từ hiệu quả đến hiệu quả cao.
Khu vực Nam Bộ có tiềm năng năng lượng bức xạ tương đương khu vực Tây Nguyên, phổ biến khoảng 1.800 kWh/m2/năm. Tại các tháng trong năm, tiềm năng năng lượng bức xạ đều ở mức dồi dào và có thể khai thác ở mức hiệu quả cao. Số liệu viễn thám cho thấy nhiều điểm có tiềm năng lớn hơn số liệu quan trắc.
Riêng tỉnh An Giang, địa bàn vùng cao, đầu nguồn của vùng Tây Nam bộ, có tiềm năng về năng lượng mặt trời tương đối cao, 100% diện tích nhận năng lượng bức xạ năng lượng mặt trời hầu như quanh năm. Số giờ nắng trung bình một năm tại An Giang là 2.400 giờ với bức xạ mặt trời 4,7-5,1 kWh/m2/ngày. Trong đó, bức xạ bình quân 5,1 kWh/m2/ngày chủ yếu ở phía bắc tỉnh, trên địa bàn các huyện/thị xã An Phú, Tân Châu, Châu Đốc, Phú Tân và một phần huyện Chợ Mới; bức xạ bình quân 4,7 kWh/m2/ngày chỉ phần nhỏ trên khu vực đồi núi thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; và bức xạ bình quân 4,9 kWh/m2/ngày chiếm diện tích lớn nhất, nằm trên địa bàn các huyện/thị còn lại.
"Các kỹ sư của Sao Mai Group đo mức độ đẹp của nắng với sơ đồ nối điện trên màn hình HMI".
Cải thiện chất lượng cuộc sống cho vùng đất nghèo
Cách nay 5 năm, được sự tư vấn ngay từ ban đầu của USAID Việt Nam, Sao Mai Group đã đầu tư 6.000 tỉ đồng, triển khai xây dựng Nhà máy Điện mặt trời (ĐMT) An Hảo, với công suất phát điện 210MWp, trải rộng trên diện tích khoảng 275ha tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - một địa phương vùng cao, giáp biên giới Campuchia, thuộc tỉnh An Giang. Nhà máy có sức sản xuất lượng điện năng hơn 302 triệu KWh/năm. Nhà máy đã được khẩn trương xây dựng trong thời gian 9 tháng, hoàn công trước 31/12/2020 và được hưởng giá mua điện của EVN giai đoạn 1 là 9,35 cent và giai đoạn 2 là 7,06 cent/kwh.
"Quá trình xây dựng công trình, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu không thuận lợi, phải chạy đua trong đại dịch Covid - 19 lan nhanh. Do vị trí xây dựng nhà máy ở xa thành thị, nguyên vật liệu phải nhập khẩu 100%, đường giao thông không thuận tiện như bây giờ, chủ yếu phải dùng sức lao động thủ công mang vác nguyên, vật liệu với số lượng rất lớn vào sâu chân núi để xây dựng công trình... Thế nhưng, với ý chí quyết tâm, chúng tôi đã triển khai thi công và hoàn thành công trình theo tiến độ kế hoạch đề ra”, đại diện nhà đầu tư chia sẻ.
Nhiều ý kiến đánh giá từ chính quyền địa phương đã khẳng định ý nghĩa công trình “Ánh sáng vùng biên” này đã góp phần giúp nhân dân trên địa bàn nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm tốt an ninh trật tự tại địa bàn biên giới. Mặt khác, còn góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng phù hợp với xu thế phát triển năng lượng sạch toàn cầu.
“Dự án Điện mặt trời An Hảo của Sao Mai Group đã góp phần tích cực cải thiện sắc diện mới cho vùng Thiên Cấm Sơn"
Thay đổi diện mạo cho vùng Thiên Cấm Sơn
Ngày nay, về vùng Thiên Cấm Sơn, du khách và người dân sở tại (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đều thấy rõ hiệu quả thực tiễn của dự án Nhà máy điện mặt trời An Hảo trong tầm mắt. Nhà máy điện mặt trời đã góp phần rõ nét cải thiện thẩm mỹ cảnh quan cho vùng bán sơn địa, khắc nghiệt, nghèo nàn trở nên kỳ thú bằng thảo nguyên quang năng ngay dưới chân Núi Cấm.
Đến đây, người ta càng nhận thức rõ hơn nguồn nắng đúng là một tài nguyên thiên nhiên ban tặng, với “mưu dụng” của nhà đầu tư đã trở thành giá trị phục vụ thiết thực cho cộng đồng. Không chỉ tạo ra nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất mà nhà đầu tư đã và đang tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền, cơ quan chức năng, vận dụng linh hoạt các quy định, chính sách, để nâng cao hiệu quả khai thác diện tích đất trong dự án, từng bước hoàn thiện các loại hình dịch vụ du lịch tham quan cùng các mô hình nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, tích cực tạo thêm các sản phẩm, việc làm...
Và hơn thế nữa, việc chắt chiu từng giọt nắng, tạo thặng dư, việc làm cho cộng đồng của các nhà đầu tư như dự án điện mặt trời đã triển khai ở tỉnh An Giang còn có ý nghĩa rất tích cực như là một trong những giải pháp vừa góp phần an ninh ninh năng lượng đồng thời cũng từng bước đẩy lùi tình trạng tiêu tốn năng lượng hoá thạch; xâm hại núi, rừng, dòng chảy tự nhiên, tàn phá môi trường sinh thái tự nhiên. Những dự án này rất cần được ủng hộ, khuyến khích đầu tư để miền Tây cũng như các vùng miền trong cả nước phát triển bền vững.
Vân Sơn