Kháng kháng sinh nguy hiểm hơn ung thư
SK&MT - Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 1.900 người bệnh tử vong vì tình trạng kháng kháng sinh, tương đương 700.000 người thiệt mạng mỗi năm do tình trạng sử dụng quá nhiều kháng sinh gây nhờn thuốc. Con số này có thể lên đến 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050, cao hơn cả số người tử vong do ung thư hàng năm.
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng nhận định kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu tình trạng nhờn thuốc kháng sinh không được giải quyết triệt để.
Trước thực trạng trên đã có nhiều nghiên cứu về cách sử dụng thuốc kháng sinh thế nào cho an toàn. Mới đây nhất, một báo cáo từ 10 chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm của ĐH Oxford và Trường Y Brighton & Sussex cho thấy, việc ngừng uống kháng sinh sớm sẽ là cách an toàn và hiệu quả trong việc giảm việc lạm dụng thuốc.
Các chuyên gia đã phân tích kết quả của rất nhiều nghiên cứu đáng tin cậy về kháng sinh. Họ nhận thấy một số liều điều trị ngắn hơn (giảm một nửa) không có tác dụng với sự hồi phục của bệnh nhân, khiến bệnh nhân tái phát bệnh và tử vong. Một số kháng sinh khác sẽ hiệu quả nhất khi uống trong 1 thời gian dài hơn, chẳng hạn như kháng sinh điều trị lao, trong khi ở những bệnh nhân viêm phổi, liều ngắn hơn lại có hiệu quả.
Các tác giả cũng cho rằng cần có thêm nhiều thử nghiệm để đưa ra những khuyến nghị cụ thể về việc bệnh nhân nên uống thuốc trong bao lâu.
Trong khi đó, lịch sử sáng chế kháng sinh và quá trình phát triển của nó cho thấy tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp so với mức độ gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc. Theo đó, những năm 1940 kháng sinh đầu tiên được phát minh là penicillin nhưng chỉ 10 năm sau đã xuất hiện vi khuẩn kháng loại thuốc này.
Theo WHO, kháng kháng sinh đang được coi là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất trong lịch sử phát triển y học thế giới.
Trước tình hình như vậy, gần đây WHO đã đề ra Chiến lược Toàn cầu Hạn chế Mức độ Đề kháng Kháng sinh. Chiến lược này khái quát những yếu tố khác nhau liên quan đến sự cấp bách của vấn đề đề kháng kháng sinh, các yếu tố thúc đẩy việc lan rộng sự đề kháng và những hành động cần thiết. Chiến lược toàn cầu của WHO phác họa những đề nghị cho việc can thiệp ở cấp địa phương, quốc gia và trên toàn cầu. Những yếu tố chính bao gồm:
Sử dụng kháng sinh hợp lý.
Tiếp cận với những kháng sinh có chất lượng cao.
Ngừa bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Khảo sát tốt về tỷ lệ đề kháng tại từng quốc gia.
Xác định những nghiên cứu ưu tiên chính.
Chiến lược toàn cầu này đề ra những vấn đề ưu tiên và qui trình thực hiện, cho phép các quốc gia đang phát triển xác định những bệnh chính có tỷ lệ cao nhất tại khu vực, và sau đó tìm ra những biện pháp ngăn ngừa chính làm chậm hoặc kìm hãm sự gia tăng và lan rộng của vấn đề kháng thuốc. Hai tiêu chí ưu tiên hàng đầu là: các chính phủ phải đặt vấn đề hạn chế sự đề kháng thành ưu tiên quốc gia, và những phương tiện thí nghiệm đối chiếu vi sinh chuyên biệt cần phải được thiết lập nhằm hợp tác hiệu quả trong những khảo sát dịch tễ về vấn đề kháng kháng sinh.
Linh Đức