Kiểm soát, quản lý chất lượng không khí tại các đô thị lớn
Ô nhiễm không khí đang tập trung ở những thành phố lớn
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề môi trường chính không chỉ ở Việt Nam mà còn của các quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia cũng đã có những bài học kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng môi trường không khí, mà chúng ta có thể tham khảo, học hỏi.
Thực trạng tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn, như Hà Nội và TPHCM. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet: PM 2,5.
"Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được trao đổi các thông tin, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ các đề xuất tại Hội nghị sẽ được chuyển hoá thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một bầu trời xanh, không khí sạch cho các đô thị lớn trên cả nước.
5 nhóm giải pháp cải thiện chất lượng không khí
Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Trọng Đông – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40% . Toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… "đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí." – ông Đông thông tin.
Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, đã xoá bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xoá bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thủ đô, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…
Đồng thời, Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa Thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các-bon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm hoạ của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" – net zero vào năm 2050.
Với tinh thần đó, theo Phó Chủ tịch thành phố, Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, trong đó có khoản a điều 28 quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.
"Chúng ta cần có các hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nữa để mang lại bầu không khí trong lành cho người dân." – ông Nguyễn Trọng Đông bày tỏ.
Hội nghị đã đưa ra 5 nhóm giải pháp để giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm không khí. Trong đó, nhóm giải pháp về chính sách gồm có thuế, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; cho vay, hỗ trợ chuyển đổi xanh.
Nhóm giải pháp kỹ thuật như chuyển đổi công nghệ của nhà máy nhiệt điện theo hướng sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp; tăng tỷ lệ cây xanh đô thị.
Nhóm giải pháp về quản lý, trong đó có phân vùng để điều tiết hoạt động giao thông vào giờ cao điểm; kiểm soát thật chặt các hoạt động vận tải, vận chuyển vật liệu xây dựng; nghiên cứu giải pháp giao thông đi chung xe tại các đô thị lớn.
Giải pháp về nguồn lực, kinh tế như đầu tư biện pháp kỹ thuật về quan trắc môi trường, kiểm soát nguồn thải, bổ sung cây xanh, rửa đường.
Nhóm giải pháp về truyền thông, tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng.
Về thông số ô nhiễm, hiện nay các kết quả theo dõi cho thấy, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5), đối với các thông số khác NO2, O3, CO, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Giá trị bụi PM2,5 quan trắc tại các khu vực trên cả nước có sự phân hóa mạnh giữa các vùng, miền. Giá trị bụi PM2,5 cao nhất tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận thuộc đồng bằng sông Hồng, kế tiếp là khu vực TPHCM và các tỉnh xung quanh. Giá trị bụi PM2,5 thấp nhất tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. |