Kỷ lục: Một người hiến máu 1.173 lần trong đời
SK&MT - Ở tuổi 81, một cụ ông người Australia đã xác lập kỷ lục với 1.173 lần hiến máu trong đời, cứu được tính mạng của 2,4 triệu trẻ em sơ sinh!Cụ James Harrison đi hiến máu mỗi tuần trong suốt 60 năm qua. Hôm 11/5/2018, khi ông Harrison thực hiện chuyến đi hiến máu cuối cùng, lần thứ 1.173 - vì đã tới độ tuổi không còn được phép hiến máu, nhiều cặp cha mẹ đã đến bệnh viện cùng những đứa trẻ mà ông đã giúp chào đời khỏe mạnh, để kỷ niệm sự kiện này. Ở xứ sở chuột túi, cụ Harrison được xem là người hùng quốc gia.
Bước ngoặt cuộc đời đã khiến ông quyết định đến với sứ mệnh cứu người cao cả bắt nguồn từ chính ca phẫu thuật năm 1951, khi cậu bé Harrison lúc đó 14 tuổi phải tách bỏ một bên phổi và cần truyền tới 13 đơn vị máu và phải nằm viện để các bác sĩ theo dõi suốt 3 tháng sau đó.Cuối cùng James đã sống sót, chủ yếu nhờ lượng máu lớn những người tốt bụng hiến tặng.
Thời đó, luật của Australia quy định người hiến máu phải ít nhất 18 tuổi. Tuy còn nhỏ nhưng cậu bé Harrison lúc đó đã thề sẽ hiến máu giúp lại người khác khi đủ tuổi.
Bước sang tuổi 18, chàng thanh niên Harrison thường xuyên ghé thăm Tổ chức Chữ thập đỏ để hiến máu. Harrison sợ kim tiêm, anh phải quay mặt đi và cố gắng phớt lờ cơn đau mỗi khi các bác sĩ rút máu từ cánh tay.
Từng có thời các bác sĩ ở Australia không thể hiểu được tại sao có hàng ngàn ca mang thai trên khắp đất nước gặp kết cục sảy thai, thai chết lưu hoặc trẻ sơ sinh bị tổn thương não."Cho đến tận năm 1967, có hàng ngàn em bé chết mỗi năm mà các bác sĩ không biết tại sao. Nó rất kinh khủng. Phụ nữ liên tục bị sẩy thai, còn nhiều em bé sinh ra mắc dị tật não" - bà Jemma Falkenmire thuộc Tổ chức Chữ thập đỏ Australia kể.Cuối cùng, người ta mới xác định được đó là căn bệnh huyết tán ở trẻ sơ sinh (HDN). Điều kiện gây bệnh là khi một phụ nữ có nhóm máu Rh(-) mang thai một em bé có nhóm máu Rh(+), sự không tương thích khiến cơ thể người mẹ từ chối tiếp nhận hồng cầu trong máu của bào thai.
Cũng giống hệ nhóm máu ABO, hệ nhóm máu Rh có 2 nhóm máu là Rh+ và Rh-. Ở các nước phát triển phương Tây tỉ lệ này gần như cân bằng, nhóm máu Rh+ chiếm khoảng 60% còn Rh- khoảng 40%.
Thời điểm đó ông Harrison đã hiến máu thường xuyên được hơn 10 năm. Ông không chút do dự khi các nhà khoa học liên lạc và hỏi liệu ông có muốn tham gia vào một chương trình gọi là Anti- D hay không.Không lâu sau, giới khoa học phát triển thành công một loại thuốc tiêm với cùng tên gọi Anti-D, dùng chính huyết tương trong máu do ông Harrison hiến tặng. Liều đầu tiên được tiêm cho một phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Royal Prince Alfred năm 1967.
Ông Harrison tiếp tục hiến máu suốt hơn 60 năm, giúp tạo ra hàng triệu liều Anti-D. Bởi vì có đến 17% phụ nữ mang thai ở Australia cần Anti-D, người ta tính nhẩm được ông Harrison đã cứu 2,4 triệu em bé!
"Cứ mỗi liều Anti-D được sản xuất ở Australia đều có James trong đó. Ông ấy đã cứu hàng triệu đứa trẻ. Cứ nghĩ đến đó là tôi muốn khóc" - bà Robyn Barlow, điều phối viên chương trình Anti-D, trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald.
Cụ James Harrison và hai trẻ nhỏ được cứu sống nhờ kháng thể trong máu cụ
Đến nay, các bác sĩ ở Australia vẫn chưa biết tại sao trong máu cụ Harrison có kháng thể đặc biệt. Có thể cơ thể cụ sản sinh ra kháng thể này sau khi được truyền máu hồi năm 14 tuổi. Ở Australia có chưa đầy 50 người có kháng thể này trong máu.
Con gái của ông Harrison, bà Tracey Mellowship, cũng là một trong những người đã sinh con an toàn nhờ vào liều anti-D được tạo ra từ huyết tương của ông. Bà tâm sự: "Không thể diễn tả hết niềm hãnh diện của tôi về bố tôi. Nhờ bố mà tôi đã sinh con trai thứ hai hồng hào khỏe mạnh vào năm 1995. Cảm ơn bố đã cho con cơ hội có 2 đứa con khỏe mạnh, cũng là những đứa cháu của bố".
Các quan chức Hội Chữ thập đỏ Australia hy vọng sẽ có thêm nhiều người hiến máu dũng cảm bước ra hiến máu tình nguyện và biết đâu sẽ lại có một James Harrison trong số họ. Hiện nay chỉ có khoảng 200 người hiến máu đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình Anti-D.
Ông Harrison nói với Hội Chữ thập đỏ rằng ông rất mong kỷ lục 1.173 lần hiến máu của mình sẽ bị vượt qua. "Tôi hy vọng đó là một kỷ lục có thể bị phá vỡ vì điều đó có nghĩa làcó nhiều người khác cũng muốn cống hiến cho cộng đồng" – ông chia sẻ.
Linh Đức