Ký sự mưu sinh kỳ lạ của bà lão nghèo với “Cỗ xe tam khuyển”
- Bất kể trời nắng hay mưa, bà Tư Mỹ vẫn cùng “cỗ xe tam khuyển” (3 con chó kéo xe) của mình miệt mài trên con đường mưa sinh. Mùa nào thứ ấy, bà lão được được thứ gì, bà lại nhờ lũ chó kéo về nhà rồi sáng sớm kéo hàng ra chợ bán để mưu sinh.
“Cỗ xe tam khuyển”
Tới xã Phước Vinh huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh hỏi thăm về nhà bà Tư Mỹ có “cỗ xe tam khuyển” người dân nào nơi đây cũng biết và tận tình chỉ đường. Theo hướng dẫn của người dân chúng tôi tìm được nhà bà Tư Mỹ ngay sát bến nước Trung Dân. Căn nhà nhỏ được dựng sơ sài bằng những cây gỗ nhỏ và mấy tàu lá dừa là nơi trú ngụ của bà Tư và đàn chó tinh khôn của bà.
Thấy có khách tới, bà lão với nước gia găm đen nở nụ cười tươi tiếp đón. Bà Tư Mỹ - tên đầy đủ là Cao Thị Mỹ (SN 1935). Bà Tu Mỹ vốn không phải người gốc ở đây, vợ chồng bà chuyển về xã Phước Vinh làm ruộng sau khi sinh được 6 người con, trong đó có 5 người con gái và 1 người con trai. Cuộc sống gia đình tuy không khấm khá nhưng cũng đủ ăn đủ mặc. Thế nhưng kể từ khi chồng bà qua đời sau một con bạo bệnh, những khó khăn bắt đầu thử thách người phụ nữ gan dạ này. Chồng mất, một tay người phụ nữ này tần tảo nuôi các con khôn lớn rồi dựng vợ gả chồng cho bầy con.
Bà Tư Mỹ bên con chó tình nghĩa của mình.
Kể về “cỗ xe tam cẩu” độc nhất vô nhị của mình, cụ Tư Mỹ chia sẻ: “Khi lo cho các con yên bề gia thất. Vài năm sau đó, tôi mới dành dụm cất được căn nhà nhỏ trên mảnh đất của vợ chồng lúc xưa khai phá. Cậu con trai hiền lành sau nhiều năm đi làm ăn xa, dọn về ở cùng với bố mẹ. Tưởng rồi, cuộc sống già cả, sẽ được con trai phần nào đỡ đần, chăm sóc. Nhưng vào năm 2009, sau một tai nạn giao thông, người con trai đã vĩnh viễn ra đi”.
Lúc này nhà có hơn 5 xào khoai mì đã đến mùa thu hoạch nhưng con cái thì bận bịu với việc gia đình không giúp được, kêu người bán trực tiếp trên ruộng thì người ta kêu ít không mua. Thế là bà Tư lại cặm cụi một mình thu hoạch mì. Do đã có tuổi rồi, lên nhổ xong mì thì người đã mệt mỏi lắm rồi chẳng có sức đâu mà chuyển chúng về nhà được. Trong lúc ngồi nghỉ giải lao, bà Tư Mỹ liền nhớ ra việc đã từng xem trên ti vi thấy đàn chó ở bắc cực kéo xe tuyết nên cụ nảy sinh ý định nhờ lũ chó tha những củ mì về nhà hộ mình. “Nhớ chuyện đàn cho kéo xe hôm trước coi được trên ti vi, tôi liền sang tiệm sửa xe gần nhà xin được 2 cái bánh xe đạp cũ, rồi về lấy mấy thanh gỗ, ống nhựa ráp thành một cái xe kéo và cho lũ chó kéo. Lúc đầu chúng không quen, phải mất mấy ngày tập dần cho chúng, thế rồi bọn chó giúp tôi kéo hết được cả 5 xào khoai mì về nhà một cách nhẹ nhàng” bà Tư Mỹ hồ hởi kể lại.
Ngày ngày bà lão vẫn cặm cụi mưu sinh bằng chiếc xe tam khuyển.
Cũng trong năm 2009, bà Tư Mỹ đổ bệnh vì nỗi buồn mất con. Sau gần 2 tháng chạy chữa tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà được các bác sỹ cho xuất viện. Đổi lại căn nhà và mảnh vườn nhỏ là nơi ở, nguồn mưu sinh của bà lão đành phải bán đi để trả nợ viện phí. Xuất viện về nhà, tuy được các con đón về phụng dưỡng nhưng nhìn cảnh các con cũng khó khăn, không nhà, không mảnh đất cắm dùi bà Tư Mỹ quyết định dựng căn lều nơi bãi đất trống tại cù lao Thanh Bình bên dòng sông Vàm Cỏ Đông để sống.
Bà còn khỏe thì cứ làm
Một mình sinh sống giữa đồng không, mông quạnh, bà Tư Mỹ vẫn giữ thói quen cũ nuôi dạy đàn chó để giúp sức cho mình. Không có một miếng đất cắm dùi, cụ chỉ biết sống dựa vào việc mót nhặt những bông lúa, củ mì vương vãi sau mùa thu hoạch của người dân địa phương. Nhưng khi chân tay đã yếu, bà lại một lần nữa phải nhờ tới đàn chó của mình giúp sức kéo những bao lúa, bao sắn mà mình mót nhặt được đem về nhà. “Có lần đưa bầy chó đi mót lúa cùng, đang mót lúa thì anh chủ ruộng kêu tôi: “Cụ ơi đừng mót nữa, mấy con chó của cụ kéo một chuyến được bao nhiêu lúa, cụ cứ lấy bỏ lên cho lũ chó chở về”. Tôi lấy bì gom được 2 bì lúa mấy chục ký bỏ lên xe, tuy đất ruộng ngồ nghề mà lũ chó kéo chạy phăng phăng về nhà. Cả chủ ruộng và nhiều người dân trên cánh đồng ai lấy đều ngỡ ngàng nhố mắt ra nhìn” cụ Tư nhớ lại.
Căn chòi nhỏ của bà cùng mấy chủ nhỏ sinh sống cạnh bờ sông Vòm Cỏ Đông.
Tuy đàn chó kéo xe rất khoẻ, có những lần, lúa, khoai chất lên xe tới 70, 80 kg mà chúng vẫn chạy băng băng. Nhưng thương lũ chó, bà Tư ít khi chất nặng lên xe mà thường chỉ giới hạn từ 50kg trở xuống. Cũng nhờ cỗ xe chó kéo độc đáo mà các nông sản mót được của bà, dù chẳng phải loại tốt, luôn nhanh chóng được người ta xúm lại mua hết. Không chỉ ở Phước Vinh, bà Tư còn đưa cỗ xe chó kéo cùng mình đi mót lúa, mót khai mì tại nhiều xã tại huyện Châu Thành, rồi lên thị xã Tây Ninh, Tân Biên, tới tận cửa khẩu Xa Mát
Mấy năm trở về đây, do sức khỏe ngày một yếu hơn lên con cái bà quyết định không để bà Tư một mình bên cánh đồng nữa mà đón về ở gần người con gái út tại bến Trung Dân để ở. Thế nhưng khi chuyển về trong xóm để ở, kẻ trộm chó và những căn bệnh giấu tên cứ lấy đi dần những con chó tình nghĩa của bà. Cỗ xe tam khuyển của bà, gồm con Rô, con Cơ, con Mát này đã bị mất hết, Hiện nay, chiếc xe tam khuyển giờ chỉ còn nhất khuyển, con chó quý giá còn lại bà Tư đặt tên nó là Giá. Lý giải cái tên đặt cho nó, bà Tư bảo: “Mấy con Rô, Cơ, Mát, Pháo, Xe, Mã, … đều mất hết rồi, giờ chỉ còn mỗi mình nó là phụ kéo xe được, giờ nó là quý giá nhất với tôi nên tôi đặt tên nó là Giá”.
Để thay thế chúng bà Tư Mỹ lại đi xin hàng xóm những con chó giống về để nuôi rồi tập tành cho chúng kéo xe, mưu sinh cùng bà. “Tôi mà rảnh là tôi dạy lũ chó đủ trò, nhưng nay bận mần ăn lên chỉ tranh thủ lúc nào rảnh rỗi mới dạy được chúng thôi. Mỗi khi huấn luyện một con chó kéo xe phải mất chừng 10 ngày. Và chỉ tập được những con chó khi còn nhỏ. Những ngày đầu dạy cho chúng đi cùng, sau khi quen rồi mới có chúng kéo xe thử. Mất chừng khoảng 10 ngày tập luyện thì chúng thông thạo, rồi chúng cứ lớn dần lên kéo xe phụ mình” nhìn về những chú chó nhỏ xinh xắn mới được mua về bà Tư Mỹ nói.
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, con cái cũng nhiều lần ngỏ ý muốn bà về sống chung nhà để tiện bề chăm sóc nhưng bà Tư không chịu. Hiện nay, bà vẫn một mình làm nụng, mưu sinh với sự chợ giúp của mấy con chó tình nghĩa của bà. Đến mùa gặt, mùa thu hoạch khoai mì thì bà Tư lại lẽo đẽo đi mót, nhặt nhạnh những bông lúa, củ khoai mì vương vãi. Không phải ngày mùa, thì bà lại đi câu cá, hái rau quả, bắt ốc, hái lục bình, … Rồi đến sáng sớm lại chất hàng lên xe cho chú chó kéo ra chợ bán. Bán xong hàng, bà Tư dùng những đồng tiền có được mua gạo nước, mắm muối, .. rồi lại chất lên xe cho con chó kéo về trước, rồi mình lẽo đẽo đạp xe về.
Cuộc sống dù có nhiều khó khăn nhưng trong câu chuyện kể với chúng tôi, người đàn bà đã ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn luôn tươi cười, không một lời than phiền vất vả, khổ cực. Khi được chúng tôi hỏi: Sao bà không về ở với các con các cháu cho vui cửa, vui nhà?. Bà Tư mỉm cười chia sẻ: “Nhà mấy đứa con gái tôi cũng khó khăn lắm, mà nay chúng còn phải làm để nuôi con, nuôi cháu chúng nó nữa chứ. Giờ bà còn khỏe thì cứ đi mần thui, khi nào mần hết nổi rồi tính”.
Đức Cường – Đức Vượng