Lan tỏa hương vị cà phê Việt Nam ra thế giới
Tối 10/3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự lễ khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới".
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8
Lễ khai mạc bắt đầu bằng chương trình nghệ thuật gồm 2 chương: Hương hoa đại ngàn - lan tỏa năm châu; Văn hóa cà phê - kết tinh hội nhập và Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới.
Sân khấu khai mạc có chiều dài 48 m tượng trưng cho 48 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk với ý tưởng là bản kiến trúc tổng hòa lấy cảm hứng từ những hạt cà phê, trong đó 5 hạt cà phê là chủ thể là khát vọng lan tỏa cà phê Buôn Ma Thuột ra 5 châu và 5 châu cùng hội tụ; mặt tiền mô phỏng dòng Sêrêpốk - dòng sông lịch sử, văn hóa kết nối; hai bên là mái hiên nhà dài - kiến trúc độc đáo của cộng đồng dân tộc Êđê.
Lễ hội nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.
Đây cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975-10/3/2023) - chiến thắng mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của nước ta, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh".
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xác định "nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế".
Lễ hội nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam - Ảnh: VGP/Hải Minh
Với diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu hecta, chiếm trên 90% diện tích tự nhiên, khoảng 1,3 triệu hecta là đất đỏ bazan màu mỡ cùng với khí hậu thuận lợi, Tây Nguyên thích hợp cho phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là cây cà phê.
Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng từ lâu đã nổi danh với những vùng cà phê bạt ngàn và được mệnh danh là "Thủ phủ cà phê của Việt Nam". Với vị trí trung tâm của vùng, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng để phát triển kinh tế-xã hội.
Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã có sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực, phấn đấu và đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng, từng bước chuyển mình, phấn đấu vươn lên trở thành địa phương phát triển, giàu mạnh, có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc biệt về sản phẩm nông nghiệp đã trở thành một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới.
Thương hiệu cà phê của Việt Nam từ lâu đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, đóng góp hết sức quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu trên 53 tỷ USD của ngành nông nghiệp. Trong đó nguồn cà phê Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý "Cà phê Buôn Ma Thuột" nổi tiếng, đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phó Thủ tướng cho rằng đây là những nền tảng để hương vị cà phê Việt Nam và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng tiếp tục lan tỏa đến những thị trường tiềm năng mới.
Tuy nhiên, ngành cà phê Việt Nam cũng vẫn đối mặt với những thách thức lớn cần phải vượt qua, như giá trị cà phê Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc phân khúc cấp thấp; xuất khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô; tổ chức sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ; chất lượng chưa đồng đều; công nghệ chế biến sâu còn hạn chế là một trong những thách thức khi phải đáp ứng các thị trường lớn, với yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao.
Để phát triển bền vững ngành cà phê, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành cà phê; thực hiện hiệu quả kế hoạch tái canh cây cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo quản, chế biến sâu và thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, cần làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững, gắn với phát triển văn hóa, du lịch; đẩy mạnh và khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Lễ hội đường phố - một trong 18 hoạt động chính của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa; phải xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.
Chú trọng xúc tiến, hình thành được các mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kết nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu dùng.
Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao; gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân.
Các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, sát cánh, đồng hành hỗ trợ, định hướng giúp các địa phương trong phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng.
Lễ hội đường phố được tổ chức với mong muốn mang đến những nét đẹp, đặc trưng về văn hóa của vùng đất, con người Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng
Với sự chủ động, sáng tạo trong cách làm của nhiều địa phương, trong đó có Đắk Lắk nhằm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp và đổi mới cách thức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng nông sản Việt Nam nói chung và cà phê Việt Nam nói riêng sẽ ngày càng khẳng định được chất lượng, uy tín và thương hiệu, có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tham dự Lễ hội đường phố - một trong 18 hoạt động chính của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.
Lễ hội đường phố được tổ chức với mong muốn mang đến những nét đẹp, đặc trưng về văn hóa của vùng đất, con người Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng; về một Đắk Lắk văn minh, thân thiện và mến khách, nhằm tôn vinh giá trị hạt cà phê, người trồng, chế biến, kinh doanh cà phê.
Nội dung lễ hội đường phố dẫn dắt người tham gia khám phá những nét đẹp văn hóa, di sản đặc trưng của vùng đất, con người Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng; tôn vinh giá trị hạt cà phê, người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.
Tiết mục biểu diễn của Hoa hậu H'Hen Niê cùng đoàn nghệ thuật
Tham gia Lễ hội đường phố có Hoa hậu H'Hen Niê - đại sứ truyền thông Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8; đoàn 450 nghệ nhân và nông dân của 15 huyện, thị xã, TP. Buôn Ma Thuột; đoàn nghệ thuật một số nước như: Tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), tỉnh Mondulkiri (Campuchia), tỉnh Champasak (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào); các hoa hậu, người nổi tiếng, người mẫu, ca sĩ, diễn viên múa, nghệ sĩ đường phố, sinh viên- học sinh…; đoàn xe diễu hành, xe hoa của các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố.
Theo Chinhphu.vn