Lập Thạch - Vĩnh Phúc: Người dân bức xúc vì ao Trảng xã Triệu Đề bị san lấp ảnh hưởng đến môi trường và nước sản xuất nông nghiệp
Vị trí ao Trảng thôn Tân Tiến xã Triệu Đề (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) |
Trong những ngày đầu tháng 5/2024, tại khu vực ao Trảng thôn Tân Tiến xã Triệu Đề (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) xảy ra tình trạng một số xe tải chở vật liệu tới san lấp ao Trảng và bị hàng chục người dân xã Triệu Đề ngăn cản, không cho đổ đất, cát lấp ao này.
Một số người dân cho biết, ao Trảng là phần diện tích do người dân từ hàng chục năm trước đào lên để chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cánh đồng trồng lúa của nhân dân ngay bên cạnh ao. Nếu lấp ao này đi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhân dân.
|
Theo phản ánh của người dân cũng như qua tìm hiểu của PV được biết, ao Trảng thuộc thôn Tân Tiến, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là 1 trong số 9 hồ, ao, đầm trong danh mục không được san lấp theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại Quyết định số 1687/QĐ-UBND ngày 20/09/2022. Ao Trảng có diện tích 1,24ha với dung tích 0,4340 triệu m3 được sử dụng với mục đích cấp nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tạo cảnh quan điều hòa môi trường do UBND xã Triệu Đề quản lý.
Chủ tịch UBND xã Triệu Đề Phạm Huy Hoạt cho biết, Dự án nút giao Văn Quán đi cầu Phú Hậu do huyện Lập Thạch làm chủ đầu tư, sau khi thu hồi đất nông nghiệp và đất thổ cư của hơn 300 hộ dân. Tuy nhiên, giá đền bù đất chưa thỏa đáng, một số hộ dân chưa đồng thuận.
Trụ sở UBND xã Triệu Đề (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) |
Ông Hoạt cho biết thêm, trong quá trình thực hiện dự án, UBND huyện Lập Thạch đã quyết định thu hồi ao Trảng (đất công) khoảng 10.000m2 để cắm đất, cấp sổ đỏ trả cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án sau khi UBND huyện đã làm việc với Công ty thủy nông và có biên bản khẳng định không sử nguồn nước từ ao Trảng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. UBND huyện Lập Thạch giao cho UBND xã Triệu Đề thanh lý hợp đồng với hộ dân để UBND huyện thu hồi đất, cắm đất đổi trả cho người dân bị thu hồi đất. Các hộ dân còn cho biết, mặc dù người dân cản trở không cho đổ đất lấp ao Trảng, UBND xã Triệu Đề đã lập dự án quy hoạch diện tích của ao Trảng để phân lô đấu giá đất mà chưa tổ chức họp dân, lấy ý kiến khu dân cư.
Người dân cung cấp bản quy hoạch dự án đất tái định cư và đấu giá do UBND huyện Lập Thạch và xã Triệu Đề thực hiện vào năm 2018 |
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Triệu Đề cho biết, sau khi thu hồi ao Trảng để lấy đất đổi trả cho người dân, thì phần đất còn lại được UBND huyện Lập Thạch đồng ý lập quy hoạch để đấu giá lấy kinh phí phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tuy nhiên, khi người dân không đồng ý thì UBND xã cũng không thực hiện nữa.
Vấn đề bảo vệ ao, hồ, đầm đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ghi rất rõ tên, vị trí, diện tích, lưu lượng nước, mục đích ao, hồ đảm, đơn vị quản lý… đối chiếu theo Quyết định số 1687/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì tính đến ngày ban hành Quyết định 20/09/2022 ao Trảng vẫn nằm trong tổng số 9 ao, hồ, đầm nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, xây dựng công trình trái phép trên các diện tích ao, hồ, đầm này. Trong khi đó, năm 2018, UBND huyện Lập Thạch và UBND xã Triệu Đề đã lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đất tái định cư và và đấu giá quyền sử dụng đất tại ao Chảng (có tài liệu ghi là ao Trảng).
Người dân xã Triệu Đề cho rằng việc lập quy hoạch dự án đất tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất tại vị trí ao Trảng thôn Tân Tiến chưa lấy ý kiến khu dân cư? |
Nếu như căn cứ vào thời gian ban hành văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về phê duyệt danh mục ao, hồ, đầm không được phép san lấp trên địa bàn tỉnh thì việc quy hoạch chi tiết 1/500 của UBND huyện Lập Thạch, UBND xã Triệu Đề tại vị trí ao Trảng thôn Tân Tiến, xã Triệu Đề (năm 2018) có dấu hiệu chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất? Bởi lẽ nếu đất được quy hoạch là đất đấu giá thì không thể được UBND tỉnh Vĩnh Phúc lập vào danh sách các ao, hồ, đầm cấm san lấp năm 2022 theo Quyết định số 1687/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc?
|
Về vấn đề người dân băn khoăn là có cơ sở, khi diện tích lúa hàng chục ha của bà con vẫn còn đó, ao Trảng thôn Tân Tiến bao năm qua phục vụ tưới tiêu, việc bị thu hồi và sử dụng vào mục đích khác chưa rõ ràng? Cần làm rõ cho người dân biết việc ao Trảng vẫn nằm trong danh mục ao, hồ, đầm được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã vào danh sách cấm san lấp và việc chuyển đổi mục đích theo tầm nhìn quy hoạch của địa phương đã được thông qua …(?). Việc UBND huyện và xã lập quy hoạch chi tiết 1/500 đã báo cáo với tỉnh?
Bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo vệ các ao, hồ, đầm tự nhiên là rất quan trọng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có chỉ đạo bằng văn bản để bảo vệ, cấm san lấp các ao, hồ, đầm trên địa bàn tỉnh, và yêu cầu các đơn vị, chính quyền, các đơn vị liên quan chiu trách nhiệm bảo vệ. Bởi vậy, việc xác định vị trí quy hoạch đất tái định cư, hay đấu giá đất cần được tính toán cẩn trọng. Ao Trảng là nguồn nước giúp điều hòa sinh thái, đã có từ nhiều năm, nên rất cần việc công khai minh bạch và đồng thuận của người dân khi thực hiện dự án để tránh xảy ra những việc phản ứng của người dân.
.
QUYẾT ĐỊNH số 1687 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 20/09/2022 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC HỒ, AO, ĐẦM KHÔNG ĐƯỢC SAN LẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC Trong đó tại: Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan: 1. Sở Tài nguyên và Môi trường a) Công bố Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo cho các địa phương, đơn vị có liên quan biết, thực hiện. b) Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. c) Định kỳ hàng năm, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh; báo cáo tình hình quản lý về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định. 2. Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành có trách nhiệm phối hợp quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, bảo vệ hồ, ao, đầm bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. 3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố a) Quản lý chặt chẽ, bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp và không để xảy ra việc lấn chiếm, san lấp hồ, ao, đầm hoặc xây dựng công trình trái phép theo địa bàn quản lý; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm hồ, ao, đầm và xây dựng công trình trái phép theo quy định; b) Phổ biến nội dung Quyết định này đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm thuộc Danh mục không được san lấp trên địa bàn để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện; chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đo đạc, xác định phạm vi và tổ chức thực hiện cắm mốc giới trên thực địa theo quy định. c) Định kỳ hàng năm (trước ngày 20 tháng 01 hàng năm) hoặc khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và rà soát, để xuất điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn quản lý gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp. 4. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm không được san lấp theo Danh mục đã được phê duyệt a) Lập danh mục hồ sơ quản lý đối với từng hồ, ao, đầm và xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng, bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp đảm bảo theo đúng mục đích, loại hình chức năng và quy định của pháp luật. b) Định kỳ hàng năm (trước ngày 20 tháng 01 hàng năm) hoặc khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo theo quy định. |