Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Quan tâm đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động bị thu hồi đất
Lãnh đạo huyện Lập Thạch thăm hỏi động viên người lao động |
Giai đoạn 2016-2020, huyện Lập Thạch thực hiện thu hồi đất đối với 5.197 hộ; với 9.096 lao động bị thu hồi đất. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay huyện Lập Thạch thực hiện thu hồi đất đối với 2.342 hộ, với 4.729 lao động bị thu hồi đất. Đây là con số tương đối lớn và vấn đề đặt ra đó là làm sao để giải bài toán việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp cho các đối tượng.
Để giải bài toán đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính Phủ. Hàng năm UBND huyện Lập Thạch xây dựng kế hoạch đào tạo nghề lao động trên địa bàn huyện; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn như: Phòng Lao động TB&XH, Phòng NN&PTNT, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lập Thạch và UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai thực hiện các khâu, các bước theo kế hoạch và thông báo tuyển sinh các lớp đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn...; tổ chức tư vấn tuyển sinh; hướng dẫn lập hồ sơ học viên bị thu hồi đất; tiếp nhận hồ sơ; xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo; tổ chức đào tạo và giới thiệu, tư vấn, hướng dẫn tạo việc làm cho người lao động...
Đặc biệt, trên cơ sở tình hình thực tế người lao động, UBND huyện tăng cường rà soát đối tượng đăng ký học nghề, xây dựng Kế hoạch đào tạo và triển khai đào tạo theo các Quyết định Thủ tướng Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ đào đạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động. Kết quả giai đoạn 2016-2020 huyện Lập Thạch đã đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho 263 đối tượng người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; giai đoạn từ 2021 đến nay đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho 283 đối tượng người lao động bị thu hồi đất; với các ngành nghề đào tạo như: sản xuất rau an toàn; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản…; hàn điện; sửa chữa máy tính phần cứng; sửa chữa, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước gia đình; sửa chữa trang thiết bị nhiệt điện gia đình,... Đa số người học sau khi tốt nghiệp các lớp đào tạo này đều có kiến thức, kỹ năng nghề ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng cho các loại cây trồng, vật nuôi giúp tăng thu nhập cho các đối tượng người tham gia đào tạo; có một số người sau đào tạo đã đi làm việc cho các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện cho thu nhập ổn định.
Hàng trăm lượt người có đất bị thu hồi được đào tạo nghề và được cấp chứng chỉ đào tạo nghề của huyện Lập Thạch |
Song song với chú trọng đào tạo, chuyển đổi nghề, huyện Lập Thạch tích cực hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện để giới thiệu, tư vấn, hướng dẫn người lao động tiếp cận thị trường lao động trong và ngoài nước, lựa chọn việc làm phù hợp để phát triển kinh tế.
Tính bình quân hàng năm, toàn huyện có từ 70-75% số đối tượng bị thu hồi đất sau khi được đào tạo nghề được giải quyết việc làm và có mức thu nhập ổn định.
Để chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới huyện Lập Thạch tiếp tục tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về công tác đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất.
Đồng thời, giới thiệu những mô hình hay, những gương điển hình sau khi học nghề có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống để nhân rộng ra cộng đồng. Hướng dẫn, giới thiệu các ngành, nghề mà doanh nghiệp cần tuyển, về tiền công, tiền lương của từng ngành nghề, về chính sách đãi ngộ của các doanh nghiệp tới người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án...
Cùng với đó, huyện Lập Thạch cũng xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó lồng ghép đào tạo nghề cho lao động với các chương trình, dự án có thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Ngoài ra, huyện Lập Thạch cũng chú trọng tạo nguồn lực để nâng cao chất lượng, số lượng, hiệu quả đào tạo nghề; gắn đào tạo nghề với dự báo, xác định nhu cầu việc làm, thị trường lao động sau đào tạo.. lồng ghép các hoạt động của chương trình cho vay ưu đãi giải quyết việc làm và chương trình giảm nghèo để phát huy hiệu quả vốn vay và tạo việc làm ổn định cho người lao động sau khi được vay vốn.