Mô hình VAC biến tướng thành loạt công trình xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường
Biến đất canh tác thành đất xây dựng trái phép
Theo phản ánh của người dân, phóng viên có mặt tại thôn An Tra và Kim Hoàng (hai thôn giáp nhau, thuộc xã Vân Canh). Qua ghi nhận thực tế, ở đây có tổng cộng khoảng 11 công trình xây dựng trái phép, trong đó có một bến bãi rộng cả ngàn mét vuông, bên trong có một hồ lớn đang được san lấp, 2 nhà xưởng rộng cả trăm mét vuông và còn lại công trình nhà dân.
Điều rất lạ là các nhà ở đây đều có đánh số thứ tự và nếu muốn vào được khu vực này bắt buộc phải đi qua một cổng tôn, có rào chắn kiên cố.
Một người dân xã Vân Canh cho hay, các công trình xây dựng trái phép này xuất hiện từ năm 2018 và 2019. Gần đây có nhiều hộ gia đình vào sinh sống, họ còn tự lập số nhà khiến chúng tôi nhầm tưởng đây là khu dân cư, nhưng thực chất toàn bộ khu đất trên là đất nông nghiệp. Chúng tôi không biết chính quyền có cho phép họ xây dựng nhà và sinh sống ở đây không, vì ở đây vẫn có điện lưới quốc gia, nước sạch… mà theo quy định đất nông nghiệp, công trình xây dựng vi phạm thì làm sao được làm nhà nước cấp điện, nước.
Đất nông nghiệp được san lấp và cho các công ty xây dựng nhà xưởng kinh doanh tại xã Vân Canh
Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh cũng xác nhận, các số nhà trong khu dân cư tự phát đó là những người đến ở tự bảo nhau lập nên. Khu đất dân mới đến ở đó 100% đất nông nghiệp, không đủ điều kiện để xây dựng và lập số nhà.
Tìm hiểu được biết, toàn bộ diện tích đất canh tác quy đổi mục đích trái phép trên là do hai cá nhân Đàm Quang Ngọ và Đào Xuân Căn (tên hay gọi là Long) thuê lại đất nông nghiệp của nhiều hộ dân để làm mô hình VAC, nhưng hai cá nhân này đã tự ý cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp thuê lại mặt bằng, xây dựng nhà ở kiên cố, xây dựng nhà xưởng rộng cả trăm mét vuông, lập bến bãi chứa máy móc công trình và còn ngang nhiên mua rác thải xây dựng về để san lấp ao hồ.
Công trình vi phạm lớn nhất phải kể tới bến bãi của Công ty CP Thiết bị Xây dựng và Dịch vụ - HT; xưởng giặt là; nhà xưởng đang thi công được cho là của bà Thủy, rộng cả trăm mét vuông (hiện xã Vân Canh đã yêu cầu dừng thi công, đang trong quá trình hoàn tất thủ tục hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và kiến nghị UBND huyện xử lý theo thẩm quyền).
Điều nguy hại về lâu dài, khoảng 5 hộ dân đã tự ý xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép, tự ý đánh số nhà mà không được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và ô nhiễm môi trường.
Cần sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền
Nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố, được đánh số, ngang nhiên "ngự" trên phần đất nông nghiệp
“Chúng tôi sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm ngay, trường hợp nào thuộc thẩm quyền xử lý của xã thì chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm, trường hợp nào thuộc thẩm quyền của huyện Hoài Đức thì chúng tôi sẽ có văn bản tham mưu, đề xuất lên huyện xử lý”, ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh nhấn mạnh:
Ông Minh còn cho biết, trước đó đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng một số hộ không chịu nộp phạt. Lần này xã sẽ kiên quyết lập biên bản vi phạm của 8 cá nhân, tổ chức và tiến hành cưỡng chế dứt điểm. Sau khi có đầy đủ hồ sơ của 8 trường hợp vi phạm xã sẽ chủ động cung cấp cho tòa soạn.
Được biết, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường hợp vi phạm mà không xử lý theo quy định của pháp luật, UBND Thành phố sẽ xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy tình trạng vi phạm Luật Đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép tại thôn An Trai và Kim Hoàng, xã Vân Canh vẫn diễn ra phức tạp, vi phạm quy mô lớn nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xử lý nghiêm và cưỡng chế dứt điểm các công trình xây dựng trái phép và sử dụng đất sai mục đích.
Ngày 14/1/2014, UBND Tp. Hà Nội ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn. Chỉ thị nêu rõ: Giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là các trường hợp cho thuê đất công, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp… đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được công khai |
NHÓM PV